Tin tức - Sự kiện

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch ở Hội An - NCS. Đỗ Thị Ngọc Uyển

  • 23/10/2020
  • Tên luận án: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch ở Hội An
    Chuyên ngành: Văn hóa học         
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Đỗ Thị Ngọc Uyển
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng
    Tên Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội&Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.
    1. Tóm tắt nội dung luận án 
    Trong những năm gần đây, nhiều di sản văn hoá và thiên nhiên ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nguồn tài nguyên lớn từng bước trở thành những trọng điểm du lịch (main destination) của địa phương, của quốc gia, trong đó Hội An – Quảng Nam là một trong những nơi điển hình. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch là một vấn đề có ý nghĩa khoa học – thực tiễn thật sự. Trên cơ sở vận dụng các quan điểm bảo tồn di sản của các nhà khoa học đi trước, kết hợp các lý thuyết hệ thống, lý thuyết sinh thái văn hoá và dựa vào phương pháp tiếp cận liên ngành Văn hoá học kết hợp Sử văn hoá, Địa văn hoá, Nhân học văn hoá, Kinh tế văn hoá, Du lịch học, Xã hội học v.v.. luận án được thực hiện dựa trên các thao tác kỹ thuật nghiên cứu như điền dã, tổng hợp thống kê, so sánh, phân tích SWOT, phỏng vấn sâu… để tập trung nghiên cứu các giá trị văn hoá, sinh thái trong quan hệ hữu cơ giữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch ở Hội An với nội dung trọng tâm thể hiện qua ba chương:
    Chương 1: Trên cơ sở lý thuyết đã có của các nhà khoa học, nội dung của chương tập trung xác lập các cơ sở lý luận với các khái niệm có liên quan; xác định các mối quan hệ giữa văn hoá và sinh thái, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch, từ đó đưa ra định hướng một cách cụ thể về nhận thức. Ngoài ra, nội dung của chương còn xác định cơ sở pháp lý liên quan những vấn đề nghiên cứu thực tiễn trực tiếp tác động đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái trong phát triển du lịch ở Hội An.
    Chương 2: Để đánh giá được thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch ở Hội An, đề tài đã sử dụng kết quả khảo sát thực tế và số liệu qua các tài liệu sơ cấp, thứ cấp để phân tích những “vấn đề có vấn đề” dưới góc nhìn các mối quan hệ giữa văn hoá và sinh thái; mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch ở Hội An. 
    Chương 3: Trên cơ sở những nền tảng lý luận; từ những vấn đề đặt ra trong thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch, đề tài tập trung đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức từ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái đến phát triển du lịch để từ đó đưa ra những định hướng giải pháp mang tính luận giải vừa có ý nghĩa khoa học vừa có tính thực tiễn. Mặt khác, phần cuối của chương đã đưa ra một số mô hình thành công trong bảo tồn và phát triển du lịch ở một số di sản trên thế giới để vừa làm bài học kinh nghiệm chung vừa là một nội dung trong phương pháp nghiên cứu so sánh cần thiết. 
    2. Những kết quả của luận án 
    2.1. Về phương diện khoa học 
    Thực hiện đề tài nghiên cứu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch ở Hội An là nhằm góp phần thiết lập hệ thống cơ sở lý luận về các mối quan hệ trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là về mối quan hệ văn hoá và sinh thái; mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch là một trong những vấn đề Văn hoá học ứng dụng quan trọng hiện nay.
    2.2. Về ý nghĩa thực tiễn 
    Đề tài góp phần nhận diện hệ thống giá trị văn hoá, sinh thái ở Hội An và đánh thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch ở Hội An từ những năm vừa được UNESCO công nhận cho đến nay. Về bản chất, đó là sự nghiên cứu tổng kết thực tiễn một cách khoa học để tìm ra những quy luật khách quan của một đối tượng quản lý văn hóa – xã hội mang giá trị tầm thế giới với nhiều mối quan hệ phức tạp cả về sinh thái nhân văn lẫn tự nhiên. Trên cơ sở đó, những định hướng giải pháp, góp phần cho chiến lược phát triển bền vững ở Hội An nói riêng và các di sản khác nói chung liên quan bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sinh thái với phát triển du lịch sẽ mang ý nghĩa thiết thực, lâu dài về nhiều mặt.
    3. Hướng phát triển nghiên cứu tiếp theo
    Đề tài bước đầu khảo sát Hội An như một “nghiên cứu trường hợp” (case study) điển hình về cơ sở lý luận, thực tiễn liên quan mối quan hệ giữa văn hoá và sinh thái, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch tại một di sản thế giới. Đó có thể là một tiền đề khoa học để tiếp tục triển khai nghiên cứu ở Hội An hoặc ở các di sản khác với những vấn đề sâu hơn gợi mở từ các vấn đề cụ thể từ các chủ để đặt ra ngay trong đề tài này, ví dụ như về mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội với sự biến dạng giá trị di tích, di sản (vật thể, phi vật thể), vấn đề quy hoạch phát triển bền vững giá trị di sản, quan hệ văn hoá ứng xử với tự nhiên và xã hội trong du lịch, văn hoá kinh doanh du lịch ở di sản,…

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên