Tin tức - Sự kiện

Cặp thoại chứa hành động hỏi-đáp trong tiếng Việt và tiếng Anh (trên cứ liệu tiểu thuyết Hồ Anh Thái và Nicholas Sparks) - NCS. Nguyễn Hải Long

  • 13/04/2021
  • Tên luận án: Cặp thoại chứa hành động hỏi-đáp trong tiếng Việt và tiếng Anh (trên cứ liệu tiểu thuyết Hồ Anh Thái và Nicholas Sparks)
    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học So sánh-Đối chiếu
    Mã số: 9222024
    Nghiên cứu sinh: Nguyễn Hải Long
    Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Đỗ Thị Kim Liên
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh
    - Tóm tắt nội dung luận án:
    Mục đích của luận án này chính là đi tìm những điểm tương đồng và dị biệt về các nhóm HĐ hỏi-đáp, mục đích sử dụng, ý nghĩa, mối quan hệ giữa các HĐPT và HĐCH trong các cặp thoại chứa HĐ hỏi-đáp trong tiếng Việt và tiếng Anh (trên cứ liệu tiểu thuyết Hồ Anh Thái và Nicholas Sparks) để đóng góp cho lý thuyết hội thoại, dịch thuật, giảng dạy giao tiếp, biên soạn từ điển hay làm tiền đề cho những nghiên cứu liên quan đến HĐ hỏi-đáp sau này. Đối tượng nghiên cứu của luận án chính là các cặp thoại chứa HĐ hỏi-đáp trong tiếng Việt và tiếng Anh dựa trên cứ liệu gồm 1.236 cặp thoại trong 13 tiểu thuyết của Hồ Anh Thái và Nicholas Sparks. Để đạt được những mục đích nêu trên, chúng tôi tiến hành thực hiện các nhiệm vụ sau: Thống kê, phân loại các tham thoại chứa HĐ hỏi-đáp thành các nhóm theo mục đích sử dụng trong 7 tiểu thuyết của Hồ Anh Thái và 6 tiểu thuyết của Nicholas Sparks. Hệ thống lại khung lý thuyết liên quan đến cấu trúc hội thoại, lý thuyết về HĐ ngôn từ, các quy tắc hội thoại... Miêu tả, phân tích, nhận xét, so sánh-đối chiếu các nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi-đáp để tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt về các nhóm HĐ hỏi-đáp, mục đích sử dụng, ý nghĩa, mối quan hệ giữa các HĐPT và HĐCH của chúng.
    - Kết quả của luận án:
    1. Số lượng các tham thoại chứa HĐ hỏi trực tiếp chiếm tỷ lệ rất lớn so với các tham thoại chứa HĐ hỏi gián tiếp. Điều này nói lên rằng các SP1 (Việt-Anh) chủ yếu sử dụng các tham thoại chứa HĐ hỏi trực tiếp trong giao tiếp.
    2. Số lượng các nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi gián tiếp trong tiếng Việt nhiều hơn số lượng các nhóm tương ứng trong tiếng Anh. Điều này có nghĩa là các SP2 người Việt ưa thích sử dụng các loại tham thoại chứa HĐ đáp gián tiếp hơn người Anh.
    3. Các tham thoại chứa HĐ hỏi trực tiếp (Việt-Anh) bao gồm 3 nhóm: Tham thoại chứa HĐ hỏi tìm thông tin, tham thoại chứa HĐ hỏi đúng-sai và tham thoại chứa HĐ hỏi chọn lựa. Mỗi nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi này đều có 3 nhóm tham thoại chứa HĐ đáp tương ứng gồm: tham thoại chứa HĐ đáp thẳng vào HĐ hỏi, tham thoại chứa HĐ đáp lệch HĐ hỏi, và tham thoại chứa HĐ đáp vòng vo vào HĐ hỏi.
    4. Các tham thoại chứa HĐ hỏi gián tiếp (Việt-Anh) cũng bao gồm 3 nhóm: tham thoại chứa HĐ hỏi để cảm thán, tham thoại chứa HĐ hỏi để cầu khiến, và tham thoại chứa HĐ hỏi để trần thuật. Trong đó, mỗi nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi gián tiếp (Việt-Anh) đều có 3 nhóm tham thoại chứa HĐ đáp tương ứng gồm: tham thoại chứa HĐ đáp thẳng vào HĐ hỏi, tham thoại chứa HĐ đáp lệch HĐ hỏi, và tham thoại chứa HĐ đáp vòng vo vào HĐ hỏi.
    5. Trong tiếng Việt, nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi tìm thông tin chiếm số lượng nhiều nhất. Trong tiếng Anh, nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi đúng-sai chiếm số lượng nhiều nhất. Điều này cho thấy các SP1 người Việt ưa thích sử dụng các tham thoại chứa HĐ hỏi tìm thông tin còn các SP2 trong tiếng Anh ưa thích sử dụng các tham thoại chứa HĐ hỏi đúng-sai. 
    6. Nhóm tham thoại chứa HĐ đáp thẳng vào HĐ hỏi tìm thông tin được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Việt; còn trong tiếng Anh, nhóm tham thoại chứa HĐ đáp thẳng vào HĐ hỏi đúng-sai được sử dụng nhiều nhất. Như vậy, các SP2 (Việt-Anh) có sự cộng tác với các SP1 trong giao tiếp khi sử dụng số lượng lớn các HĐ đáp thẳng vào HĐ hỏi trực tiếp. 
    7. Trong tiếng Việt, nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi để cảm thán chiếm số lượng nhiều nhất; còn trong tiếng Anh, nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi để cầu khiến chiếm số lượng nhiều nhất. Điều này cho thấy các SP1 người Việt ưa thích dùng nhóm HĐ hỏi gián tiếp để bày tỏ thái độ còn các SP1 người Anh chủ yếu dùng chúng để cầu khiến. 
    8. Trong tiếng Việt, nhóm tham thoại chứa HĐ đáp lệch HĐ hỏi được sử dụng nhiều nhất; còn trong tiếng Anh, nhóm tham thoại chứa HĐ đáp thẳng vào HĐ hỏi được sử dụng nhiều nhất. Điều này chỉ ra rằng: Các SP2 người Việt không muốn cộng tác hội thoại với SP1 khi SP1 sử dụng các tham thoại chứa HĐ hỏi gián tiếp. Ngược lại, các SP2 người Anh vẫn muốn cộng tác với SP1 khi SP1 sử dụng các tham thoại chứa HĐ hỏi gián tiếp. 
    9. Kết quả khảo sát 1.236 cặp thoại cho thấy: có 102 điểm tương đồng và 117 điểm dị biệt. Trong đó, cặp thoại chứa HĐ hỏi trực tiếp và những HĐ đáp tương ứng có 57 điểm tương đồng và 59 điểm dị biệt, và cặp thoại chứa HĐ hỏi gián tiếp và những HĐ đáp tương ứng có 45 điểm tương đồng và 58 điểm dị biệt.
    10. Bên cạnh những đặc điểm trên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng: Các HĐCH đóng vai trò thể hiện mục đích, ý định của các nhân vật hội thoại. Tuy nhiên, các HĐPT đi kèm chính là yếu tố quyết định giúp cho hình thức, mục đích sử dụng và ý nghĩa của các tham thoại hỏi-đáp phong phú hơn vì chúng đóng vai trò cung cấp thêm thông tin cho HĐCH, làm đường dẫn cho HĐCH, hay thể hiện thêm thái độ của các nhân vật hội thoại… Chính vì thế, những tham thoại nào chứa nhiều HĐPT hơn sẽ mang nhiều giá trị về mặt hình thức, mục đích sử dụng, ý nghĩa, thái độ biểu cảm của các nhân vật hội thoại hơn.
    - Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ     ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Mặc dù luận án này đã đạt được những kết quả nhất định như tìm ra được những điểm tương đồng và dị biệt của 16 nhóm tham thoại (4 nhóm tham thoại chứa HĐ hỏi và 12 tham thoại chứa HĐ đáp). Tuy nhiên, luận án này chỉ nghiên cứu những cặp thoại hỏi đáp trực tiếp và gián tiếp, giống như những lát cắt của cuộc thoại chứ chưa nghiên cứu toàn bộ cuộc thoại chứa các cặp HĐ hỏi-đáp này. Đây cũng là một khiếm khuyết của công trình nghiên cứu này. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng những nghiên cứu tiếp theo có thể tiếp tục nghiên cứu các HĐ hỏi đáp trong toàn bộ cuộc thoại để làm rõ thêm vai trò của chúng trong giao tiếp.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên