Cổng thông tin việc làm

Mơ ước của cô sinh viên khiếm thị

  • 17/01/2019
  • “Đôi khi tôi cảm thấy may mắn vì tôi không ôm ấp suy nghĩ là tôi sẽ được nhìn thấy, để rồi cứ phải chờ đợi mà không thể thoát ra được”. Đó là tâm sự của Danh Thị Bích Vân, cô sinh viên năm nhất, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Vân kể về cuộc đời mình cùng những ước mơ thật tươi đẹp.

    Bích Vân viết bài theo phương pháp Braille của người khiếm thị. Ảnh: NGUYỄN NHUNG

    Tôi muốn được đi học

    * Vân mất đi ánh sáng từ khi nào?

    - Đó là do một tai nạn hồi tôi còn nhỏ. Năm đó, tôi và em gái sinh đôi của mình sinh non nên khá yếu. Hai chị em phải nằm trong lồng kính. Riêng tôi phải chiếu đèn đến nửa tháng khiến đôi mắt tôi đã bị hư hoàn toàn. Khi gia đình phát hiện và đưa lên thành phố để chữa trị thì mọi thứ đã quá trễ. Mẹ kể lại với tôi rằng, lúc mẹ biết được tin, mẹ suy sụp lắm. Mẹ gọi điện báo ba, ba cũng chẳng bình tĩnh được, đòi truy cứu bệnh viện đó, cũng là nơi ba đang làm y tá. Lúc đầu, bệnh viện chối, nhưng sau đó có thêm nhiều em bé khác cũng bị hư đôi mắt, vậy là bệnh viện xin lỗi và hứa… rút kinh nghiệm. Nhưng thôi, cũng là do sơ suất, đâu phải ý muốn của ai.

    * Lúc đó, Vân đã mơ ước điều gì cho bản thân?

    - Ước được đi học. Tôi muốn được đi học như em gái, như bạn bè mình vậy. Mẹ kể lúc em đi học, mỗi tối mẹ dạy em, tôi ngồi kế bên. Em chưa kịp đọc tôi đã đọc lớn trước em rồi, nhưng tôi có biết hình dáng con chữ ra sao đâu. Tôi cứ thế mà đọc theo thôi, rồi cũng dùng bút viết lên bảng, viết bậy bạ gì đó.

    Nhiều người hỏi tôi có ước muốn được sáng mắt không? Nói thật tôi chưa từng có suy nghĩ là được nhìn thấy. Ba mẹ kể tôi từng làm một cuộc phẫu thuật khi chỉ mới 3 tháng 10 ngày tuổi. Bác sĩ nói phẫu thuật thì có khả năng nhìn thấy, dù nhỏ thôi. Nhưng cuộc phẫu thuật nào mà không có rủi ro. Mẹ nói tôi suýt chết trên bàn mổ, cuộc phẫu thuật đang dang dở phải tạm ngưng để cứu lấy mạng sống của tôi. Từ đó, tôi không còn cơ hội nào thêm nữa. Mẹ nói chẳng mong tôi sáng mắt, chỉ cầu tôi được sống bình an.

    Tôi là người rất dễ xúc động. Nghe cải lương cũng khóc, đọc sách cũng có thể khóc. Nhưng nếu là khóc vì mình không nhìn thấy thì… hình như chưa bao giờ. Tự nghĩ về bản thân, tôi không thấy mình bất hạnh hay mặc cảm gì. Chắc cũng là một may mắn, tôi không thấy từ lúc nhỏ nên cũng chẳng hiểu cách nhìn mọi thứ qua đôi mắt ra sao. Cũng không quá khó để chấp nhận.

    * Vậy Vân đã thực hiện ước mơ này của mình như thế nào?

    - Tôi bắt đầu học từ 5 tuổi, cái tuổi còn khá sớm so với một người khiếm thị. Trong một lần lên thành phố khám bệnh, một người trong bệnh viện giới thiệu với mẹ tôi mái ấm Nhật Hồng dành cho trẻ khiếm thị thuộc giáo xứ Thị Nghè ở Bình Thạnh. Khi tới mái ấm, tôi kiên quyết muốn ở lại học dù mẹ không cho. Ba mẹ tôi cũng muốn cho tôi đi học, nhưng phải đợi tôi lớn hơn một chút, chừng 10 tuổi. “Chờ 10 tuổi thì lâu lắm, mẹ cho con học đại từ bây giờ đi”, tôi đã nói với mẹ như thế. Nhưng khi biết mẹ về Rạch Giá, còn tôi ở lại mái ấm, tôi đã khóc rất nhiều.

    Mấy lần sau đó, mẹ gọi điện lên thăm tôi, mẹ nói ba giận lắm, nói mẹ lên đón tôi về Rạch Giá ngay. Mẹ thuyết phục mãi, ba cũng xuôi. Nhưng mỗi lần mẹ lên thăm, ba đều dặn: “Bà nhớ mang nó về đó”. Nửa năm sau, tôi lần đầu về nhà sau khi được dạy chữ nổi, dạy cách tự chăm sóc bản thân, chắc ba thấy tôi tốt hơn, ba cũng không đòi dẫn tôi về nữa.

    Lên thành phố lúc 5 tuổi, học mẫu giáo 2 năm, lần đầu tiên xa nhà sống tự lập nên cái gì tôi cũng lạ và sợ. Nhưng dần dà, tôi cũng quen. 7 tuổi là tôi có thể tự tắm gội, giặt đồ và rửa chén. Học ở thành phố đến lớp 3 thì tôi chuyển về quê học tiếp. Sau đó, lớp 10 lại lên thành phố, học ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Bình Thạnh, rồi học lên tới đại học như bây giờ.

    Buổi đi chơi của Vân cùng các bạn khiếm thị tại Công viên Tao Đàn. Nguồn: NVCC

    Trở thành cô giáo dạy văn

    * Những lúc rảnh rỗi Vân thường làm gì?

    Tôi rất thích công tác tình nguyện. Tuy không thể đi xa như các bạn, nhưng tôi vẫn tham gia bằng cách dành ít tiền mua những món hàng gây quỹ hay quyên góp đồ dùng cho những đợt tình nguyện. Đó là một cách để tôi cho đi.

    Những ngày rảnh rỗi, tôi thường đọc sách, đọc các tác phẩm văn học, tập chơi đàn tranh hoặc cùng các bạn khiếm thị trong mái ấm đi chơi với nhau. Khi nào có lễ lớn, chúng tôi cùng với các sơ dọn dẹp, trang trí nhà thờ, như là dịp Giáng sinh vừa rồi. Tuy bất tiện, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng hòa nhập cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi muốn mình không là gánh nặng của mọi người.

    * Dự định của Vân sau khi tốt nghiệp đại học?

    - Tôi không rõ ước mơ trở thành giáo viên dạy văn của mình có từ khi nào. Biết là lúc nhỏ tôi hay nói vui với mẹ rằng sau này lớn lên con sẽ làm cô giáo để nuôi mẹ. Lúc đó mẹ chỉ cười. Hồi học lớp 4, tôi khá thân thiết với cô giáo chủ nhiệm của mình. Cô quan tâm và giúp đỡ tôi rất nhiều. Năm đó lớp chỉ có mình tôi là học sinh giỏi nhưng do điều kiện khó khăn, tôi chỉ được một tờ giấy khen mỏng viết tay. Cô dẫn tôi lên nhận phần thưởng, vỗ vai nói với tôi rằng: “Con phải cố gắng học thật giỏi trong những năm tới nha!”. Câu nói ấy là nguồn động lực lớn cho tôi sau này. Cô chính là hình mẫu giáo viên mà tôi muốn hướng tới, không chỉ dạy học sinh kiến thức mà còn đối xử với học sinh bằng cái tâm của mình.

    Còn với văn chương, chắc là do cái duyên từ nhỏ. Mẹ kể lại rằng những lúc em gái đi học, tôi thường đòi mẹ lấy sách tập đọc tiếng Việt của em gái rồi đọc cho mình nghe những bài thơ. Sau này, được đi học và tiếp xúc nhiều hơn với môn văn, tôi càng thích đọc những tác phẩm văn học lớn, thích được viết những bài nghị luận dài ngoằng. Đến tận năm lớp 12, được giáo viên chọn đi thi học sinh giỏi văn, tôi mới tự tin là mình có khả năng. Dù sau đó, tôi không thể tham dự cuộc thi ấy, có lẽ nhà trường không tin tưởng vào một học sinh khiếm thị như tôi nên không cho phép. Nhưng với tôi, đó là một hướng đi mới, cũng là động lực để tôi nộp đơn xét tuyển vào Khoa Văn Học, chứng tỏ cho mọi người rằng, tôi hoàn toàn có khả năng.

    Tôi hy vọng sẽ trở thành một cô giáo dạy văn ở một ngôi trường bình thường nào đó. Nhưng nếu ước mơ đó không thực hiện được, tôi mong có thể dạy cho các bạn trong trường khiếm thị. Trước mắt, tôi phải cố gắng học thật giỏi, đạt điểm trung bình trên 7,0 để giữ nguồn học bổng ở thư viện sách nói. Tôi còn phải cố gắng học cả tiếng Anh lẫn tin học. Do môn tiếng Anh thầy dạy khá là nhanh, tôi cũng ít có điều kiện tiếp xúc bên ngoài nên học hơi chậm so với các bạn. Với chứng chỉ tin học, tôi vẫn đang tìm chỗ học vì trường không có hỗ trợ cho sinh viên khiếm thị.

    * Vân muốn nhắn gửi điều gì với các bạn khiếm thị không?

    Có những điều mình cần phải chấp nhận và học cách sống chung với nó, vượt qua nó. Bất hạnh là điều không ai mong muốn, cũng như không ai được phép chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta có thể quyết định cuộc đời mình, tùy thuộc vào cách mình đối mặt. 

    Tôi hy vọng rằng những người khác trong xã hội sẽ có cái nhìn công bằng hơn đối với người khiếm thị. Có thể chúng tôi không có đôi mắt sáng, nhưng theo quy luật bù trừ của cuộc sống, người khiếm thị sẽ có những khả năng để bù lại đôi mắt đã mất đi. Vì vậy mong xã hội hãy cho người khiếm thị một cơ hội để hòa nhập cuộc sống bình thường, đánh giá khách quan khả năng thực sự của người khiếm thị. Vì họ cũng có thể làm được những điều phi thường, như một người bình thường.

    Xin cảm ơn Vân.      

    NGUYỄN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên