Sau đại học

Sự vận động của phong trào Phục hưng - NCS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm

  • 06/12/2014
  • Chuyên ngành: Lý luận văn học
    Mã số: 62.22.32.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Ngọc Bảo Trâm
    Người hướng dẫn khoa học: 
    - PGS.TS. Trần Thị Phương Phương
     - PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

    + Tóm tắt nội dung luận án
    Luận án tập trung nghiên cứu vấn đề sự vận động của phong trào Phục hưng trên cơ sở vận dụng lý thuyết loại hình lịch sử và việc xác định mối liên hệ giao thoa văn hóa phức tạp và lâu dài giữa phương Đông và phương Tây. Từ đó, xem Phục hưng là một phong trào có tính phổ quát trong văn học thế giới, không chỉ xuất hiện ở châu Âu mà còn có thể nảy sinh ở các khu vực văn hóa khác, hình thành những hiện tượng tương đồng trong lịch sử văn học thế giới. Các giá trị đặc thù của văn học Phục hưng ở các phương diện như phương thức tự sự, thi pháp học, tư tưởng nhân văn, v.v. được nhìn nhận và đánh giá cụ thể qua trường hợp so sánh hai tác phẩm Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày.
    + Những kết quả của luận án 
    1. Phục hưng là một quá trình vận động mang tính loại hình trong lịch sử văn học thế giới, hình thành từ những quy luật của sự giao lưu và ảnh hưởng giữa các nền văn học trong một tiến trình lịch sử lâu dài và phức tạp. Phục hưng không chỉ là hiện tượng của riêng văn hóa châu Âu mà còn xảy ra ở những không gian và thời gian khác, trong đó có thể thấy thời đại Hoàng kim (thế kỷ VIII đến XIII) của đế quốc Arab Islam là một đại diện tiêu biểu. Phong trào Phục hưng vừa là kết quả của giao lưu văn hóa vừa là hiện tượng nội sinh.
    2. Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày đã được hình thành từ sức mạnh của truyền thống văn học dân tộc cũng như từ sức mạnh của thời đại. Hai tác phẩm là những mắt xích quan trọng cho việc nhận diện và lý giải các quy luật của vận động văn học và mối quan hệ giao lưu lâu dài, phức tạp giữa văn học Trung Cận Đông và văn học Tây Âu từ thời trung đại đến sơ kỳ Phục hưng.
    3. Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày đã tiếp nhận và kế thừa các dữ liệu từ di sản chung của văn học thế giới đồng thời xác lập vai trò là nguồn ảnh hưởng giá trị trong lịch sử văn học. Điều này chứng tỏ cho quy luật thiết yếu của văn học, đó là không có hiện tượng văn học nào có thể tồn tại riêng biệt và tách rời khỏi sự vận hành của dòng chảy văn học thế giới.
    4. Giữa thi pháp học Hy Lạp cổ đại, thi pháp học Arab cổ điển và thi pháp học phương Tây thời Phục hưng là mối quan hệ của việc tạo dựng nền tảng thi pháp học, của sự tiếp thu, học tập, nghiên cứu, lý giải, lưu giữ và phát triển nghiên cứu kéo dài trong nhiều thế kỷ. Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày là hai điển hình của văn học Arab và văn học Ý với vai trò biểu hiện và thiết lập những giá trị thi pháp học trong nền văn học dân tộc. 
    5. Chủ nghĩa nhân văn là giá trị cơ bản và cốt lõi làm nên thời đại Phục hưng. Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng ở Ý đã có những đóng góp quan trọng trong việc thiết lập vị thế của con người, thừa nhận con người như một cá nhân trong xã hội và khuyến khích những tiềm năng lớn lao của nhân loại. Trong khi đó, chủ nghĩa nhân văn Arab Islam giáo nổi bật với khái niệm adab hướng đến việc tạo dựng nhân cách và phát triển nhận thức của con người trong thời đại mới.
    6. Lịch sử văn học thế giới liên tục diễn ra những va chạm, tác động, giao lưu và ảnh hưởng giữa các nền văn học dân tộc. Vì vậy, không thể nghiên cứu các đối tượng văn học một cách độc lập mà không quan tâm đến các mối quan hệ mà nó góp mặt. Luận án thể hiện các xu hướng nghiên cứu của bộ môn văn học so sánh đặc biệt trong việc tạo dựng khả năng nghiên cứu văn học một cách có hệ thống và nền tảng.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Với những kết luận khoa học trên đây, chúng tôi nghĩ rằng luận án “Sự vận động của phong trào Phục hưng qua trường hợp Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày” có thể là: 
    (1) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về văn học so sánh.
    (2) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu giảng dạy văn học Phục hưng, văn học Ý, văn học Arab ở Việt Nam.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên