Hội nghị - Hội thảo

Từ báo chí đại diện đến báo chí công dân

  • 18/07/2019
  • Đó là một trong những xu hướng mới của nghề báo được ThS Nguyễn Văn Hà - Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM trình bày tại Hội thảo khoa học "Báo chí và truyền thông: Những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại", sáng 18/7.

    ThS Nguyễn Văn Hà thảo luận tại hội thảo.

    Theo ThS Nguyễn Văn Hà, những thay đổi và phát triển của báo chí đầu thế kỷ 21 xuất phát từ các nhu cầu nội tại về sự cạnh tranh với các mạng xã hội. Do đó, báo chí tự thân nó đã tạo ra những dòng chảy mới, mà trong sự quan sát của ông, ứng với 4 xu hướng chính: báo chí công dân, báo chí tích hợp, báo chí tương tác và báo chí thay thế.

    Thảo luận về sự chuyển đổi từ nền báo chí đại diện sang báo chí công dân, ThS Nguyễn Văn Hà cho rằng, quan điểm về báo chí trong nền báo chí đại diện được hiểu “là dấu gạch nối giữa chính quyền và người dân”. Ở đó, báo chí là quan sát viên chính trực, không thiên vị. Nhà báo nắm giữ, sáng tạo và phổ biến thông tin đến công chúng.

    Trong khi đó, nền báo chí công dân được giới nghiên cứu ghi nhận xuất hiện ở Mỹ vào đầu thế kỷ 21, với những thay đổi nhận thức sâu sắc về nghề báo và nhà báo. Báo chí lúc này trực tiếp tham gia thực hiện dân chủ hóa. Tức, nhà báo không ở vị trí trung lập truyền thống, phản ánh những bất đồng trong xã hội như sứ mệnh của mình, mà phải lý giải, phân tích sự kiện, đưa ra các giải pháp cũng như tổ chức các diễn đàn, thúc đẩy xã hội phát triển.

    “Báo chí công dân hay báo chí cộng đồng, tức mọi công dân trở thành nhà báo. Tuy nhiên cách hiểu này đang được diễn giải với nhiều ngộ nhận. Về lý thuyết, ai cũng có thể làm báo, nhưng không phải ai cũng trở thành nhà báo. Một nhà báo thực thụ phải trải qua quá trình đào tạo bài bản, với những kỹ năng nghiệp vụ nhất định” - ThS Nguyễn Văn Hà nhận định.

    Nhà nghiên cứu này cũng lưu ý thêm: “Sự tiến bộ của kỹ thuật công nghệ, kể cả trí tuệ nhân tạo vẫn không thể thay thế con người trong nghề báo. Và do vậy, tính chính trực, khả năng viết tốt, biên tập tốt vẫn là những phẩm chất căn bản và bất biến đối với người làm báo”.

    Hội thảo còn lắng nghe nhiều báo cáo đặc sắc như: Người đọc mới và những thách thức mới với truyền thông của Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, Media Literacy và hiện trạng đào tạo media literacy ở Việt Nam của ThS Huỳnh Minh Tuấn - ThS Lâm Hoài Bách Cát…

    Tin, ảnh: TẤN ĐỒNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên