Hoạt động xã hội

Cùng nông dân học làm… CEO

  • 15/01/2020
  • Từ tháng 5 - 12/2019, ĐHQG-HCM đã triển khai đề án Đào tạo nhà quản lý kinh tế trang trại chất lượng cao - Giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế trang trại tại Đồng bằng sông Cửu Long (CEO Farm).

    Nhóm giảng viên, nghiên cứu viên ĐHQG-HCM tham gia đề án CEO Farm. Ảnh: Nhóm cung cấp

    Qua 7 tháng triển khai, CEO Farm góp phần làm nên hình ảnh người nông dân mới, có kiến thức, tư duy và tầm nhìn căn bản của doanh nhân, có thể giúp họ tự tin để thương lượng, cạnh trang sòng phẳng với các đối tác trên thị trường trong nước và quốc tế.

    Cùng bước vào cuộc chơi lớn

    Trước sự sụp đổ của nhiều hộ trồng tiêu quy mô lớn ở Tây nguyên và các tỷ phú cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình (Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM) - Chủ nhiệm CEO Farm, cho rằng sự tiêu tán tài sản và nợ nần phần lớn diễn ra ở các hộ có khát vọng làm giàu, hay nói cách khác đa phần những hộ chuyển từ sản xuất tiểu nông sang sản xuất lớn với quy mô doanh nghiệp tư nhân hay kinh tế trang trại thường bị vấp ngã. Vì thế, rất cần một đề án nhằm giúp người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là những người dân có chí khởi nghiệp làm giàu có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng bước vào một cuộc chơi lớn với các luật lệ mới, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

    Theo chủ nhiệm CEO Farm, đề án này hướng đến 4 mục tiêu chính: (1) Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực quản lý tại các trang trại sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ĐBSCL; (2) Phân tích nhu cầu đào tạo về kiến thức và kỹ năng đối với những người dân đang làm việc tại các trang trại hoặc có ý định phát triển kinh tế trang trại; (3) Xây dựng và vận hành thử nghiệm chương trình đào tạo nhà quản lý trang trại; (4) Đề xuất các phương án triển khai đào tạo tại các địa phương trong cả nước.

    Một điểm thú vị là ý tưởng dẫn đến việc hình thành đề án CEO Farm lại xuất phát từ nhóm giảng viên, nghiên cứu viên ĐHQG-HCM vốn là con em nông dân. Họ đau đáu về cuộc sống bấp bênh của người nông dân Việt Nam trong cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

    Anh Đào Phú Quốc, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững và Đa dạng sinh học Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM, chia sẻ: “Khởi nghiệp không bao giờ là đơn giản. Rủi ro trong khởi nghiệp là rất cao. Thiếu kiến thức quản lý và thông tin thị trường thì càng làm cho dự án khởi nghiệp có nguy cơ thất bại lớn. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ giúp bà con có thêm kiến thức và thông tin để giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp vươn lên làm giàu”.

    Lớp học CEO Farm do giảng viên ĐHQG-HCM giảng dạy. Ảnh: Nhóm cung cấp

    Người nông dân phấn khởi

    CEO Farm đã tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực quản lý tại các trang trại sản xuất thuộc khu vực ĐBSCL. Từ đó, nhóm thực hiện đề án đề ra chương trình đào tạo nhà quản lý trang trại, tổ chức các buổi tọa đàm, khóa huấn luyện tại các địa phương.

    Tỉnh Kiên Giang là nơi đầu tiên được chọn để triển khai thí điểm. Sau khi tham dự 3 buổi tập huấn CEO Farm, chị Nguyễn Thị Nga, Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Kiên Giang, tâm đắc: “Những chia sẻ của giảng viên đã giải đáp được những băn khoăn của tôi trong việc mở rộng, hợp tác kinh doanh. Tôi hiểu rằng, làm gì cũng phải có kiến thức, am hiểu về các yếu tố pháp lý trước khi thực hiện giao kết kinh doanh là rất quan trọng. Điều đó giúp doanh nghiệp hạn chế được các rủi ro trên con đường khởi sự doanh nghiệp của mình”.

    Sau khi nghe giảng viên trao đổi về tầm quan trọng của việc xây dựng và quản trị thương hiệu công ty, anh Trần Hữu Lộc, chủ cơ sở nước mắm Hồng Phước - Phú Quốc, đã mạnh dạn chia sẻ bài học của chính doanh nghiệp mình. Công ty anh từng bị người khác xâm phạm thương hiệu, gây thiệt hại rất lớn về tài chính. Anh khuyến cáo “Các anh chị muốn làm ăn bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm, cần phải quan tâm đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu thông qua việc đăng ký sở hữu trí tuệ”.

    Theo ThS Ngô Hữu Thống (giảng viên CEO Farm), kết quả lớn nhất là chương trình không chỉ mang lại cho nông dân những kiến thức thiết thực, hữu ích mà còn giúp họ  lấy lại sự tự tin, niềm hứng khởi trong việc sản xuất kinh doanh.

    “Sau chương trình, chúng tôi còn tạo lập được một mạng lưới kết nối các doanh nghiệp, người nông dân, chuyên gia và lãnh đạo địa phương để thường xuyên trao đổi những khó khăn, vướng mắc và cung cấp các thông tin hỗ trợ kịp thời giúp các hộ nông dân khởi sự doanh nghiệp một cách bền vững” - anh Hữu Thống cho hay.

    HỮU THỐNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 198-199)

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên