Tin tổng hợp

Gặp gỡ Việt Nam 2016: Mở màn về khoa học cơ bản

  • 11/10/2016
  • Ngày 7 và 8/7 Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) đã tổ chức Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn. Hội nghị đánh dấu 50 năm thành lập Gặp gỡ Moriond và 13 năm GGVN. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng tham dự.

    Đặc biệt, hội nghị có sự hiện diện của 5 GS Noel gồm: GS Jerome Nobel Vật lý 1990, GS David Gross Nobel Vật lý 2004, GS Kurt Wuthrich Nobel Hóa học 2002, GS Finn Kydland Nobel Kinh tế 2004, GS Jean Jouzel Nobel Hòa bình 2007; cùng GS Ngô Bảo Châu, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Lê Kim Ngọc, GS Đàm Thanh Sơn. 
     
        Đoàn chuyên gia của ĐHQG-HCM tham dự hội nghị có 9 thành viên do PGS.TS Dương Anh Đức, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM làm trưởng đoàn. Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của 250 nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế và các tập đoàn công nghiệp Solvay, Airbus, Valeo.
     
    Màu sắc mới cho khoa học Việt Nam

        Phát biểu chào mừng hội nghị, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội GGVN gửi lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Định đã quan tâm, tạo điều kiện để GGVN xây dựng trung tâm ICISE cũng như tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế trong những năm gần đây.
     
        Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh quan tâm và được coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Sự ra đời của ICISE là minh chứng cụ thể nhất.
     
        Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tâm huyết của GS Trần Thanh Vân và các cộng sự để GGVN góp phần mang thêm hơi thở, sắc màu mới cho khoa học Việt Nam. Phó Thủ tướng nêu rõ, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng để tăng cường tiềm lực quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 đã tăng 10 lần.
     
        Đến với  GGVN lần  này, TS Trần  Du  Lịch,  chuyên  gia  kinh  tế, mang theo tâm nguyện rằng, Chính phủ cần quan tâm thu hút giới khoa học trẻ nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài về nước cống hiến. ICISE, nơi ấp ủ ý tưởng nghiên cứu khoa học (NCKH), mới là ý tưởng ban đầu. Về lâu dài, ICISE cần được quy hoạch thành không gian đô thị khoa học. Trường ĐH Quy Nhơn nên tận dụng  nơi  này  để  liên  kết  các  trường  đại  học,  các  viện  nghiên  cứu  trong  nước, quốc tế nhằm nâng tầm năng lực NCKH. Các viện nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần chung tay vào cuộc kết nối lại để sớm hình thành trung tâm NCKH xứng tầm quốc tế.
     

    Gặp gỡ Việt Nam 2016 nhận được sự quan tâm của truyền thông Việt Nam. Ảnh: binhdinh.gov.vn

    Những bàn tròn khoa học

        Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” mở màn cho 12 hội nghị được tổ chức trong năm 2016 tại ISISE. Hội nghị được tổ chức theo dạng bàn tròn trao đổi với 7 chủ đề gồm: Tầm quan trọng của việc theo đuổi khoa học cơ bản đối với các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ; Nghiên cứu cơ bản: mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế.
     
        Mục tiêu của hội nghị là đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung, đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với chủ đề đặc thù của Việt Nam là biến đổi khí hậu (BĐKH) và y tế.  
     
        Điều hành thảo luận chủ đề Khoa học cơ bản và khí hậu, GS Jean Jouzel, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về BĐKH Liên Hiệp Quốc nêu lên những con số đáng báo động của BĐKH Việt Nam. Trong suốt 50 năm qua, nhiệt độ bình quân ở Việt Nam đã tăng khoảng 0.62 độ. GS Nobel Hòa bình nhấn mạnh: “Mực nước biển tăng cũng là hiện tượng chúng ta thấy hằng ngày. Nhưng thay đổi về diễn biến thời tiết ngay tại Bình Định cho thấy BĐKH tác động ngày càng rõ nét vào đời sống con người. Những thông tin này cho chúng ta một viễn cảnh về BĐKH gia tăng trong thời gian tới. Đồng thời, đặt ra yêu cầu phải có những hành động thích ứng với biến đổi đó và bảo đảm an sinh xã hội”.
     
        Còn GS Fredolin Tangang, ĐHQG Malaysia cho biết, năm 2012 tại Việt Nam đã diễn ra hội thảo khoa học về chủ đề này. “Nhờ có hội thảo đó mà chúng tôi đã đề xuất về một mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về dự án BĐKH ở Đông Nam Á. Từ đó, chúng tôi có được một mạng lưới cùng chia sẻ thông tin và cộng tác trong NCKH. Phải thừa nhận, Đông Nam Á bị tụt hậu về khoa học cơ bản so với các nước phát triển, trong khi Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương bởi BĐKH”.
     

    “Phải thừa nhận, Đông Nam Á bị tụt hậu về khoa học cơ bản so với các nước phát triển, trong khi Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu”.
                                                                  GS Fredolin Tangang, ĐHQG Malaysia
     
     
        Với chủ đề Khoa học cơ bản và sức khỏe, TS Socorro Escalante, cố vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu vấn đề làm thế nào để khoa học cơ bản là một trong những giải pháp về sức khỏe của con người. “Khoa học cần phải giải quyết về sự mất cân đối và cân bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân ở các quốc gia. Vẫn còn rất nhiều người đang bị bỏ lại phía sau!” - TS Escalante nhận định.
     
        Dường như đã “đụng” đến thực tế còn nhiều hạn chế của ngành y tế trong nước, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chỉ ra sự khập khiễng ngay từ khâu đào tạo nhân lực. Lâu nay, với chương trình đào tạo ở Việt Nam cũng như các nước khu vực, giáo trình giảng dạy thường theo một nếp truyền thống với các môn học, chưa kể giảng viên cũng chỉ thiên về lý thuyết mà thiếu thực tế. “Cần thay đổi chương trình đào tạo dựa trên hệ thống thực hành, cũng như tăng tính kết nối và tính thực hành nhiều hơn. Thêm nữa, cần liên kết giữa các trường đào tạo của ngành y với các ngành khác để giúp kiến thức của giảng viên được tốt hơn, phong phú hơn. Tiếp theo là cần tăng cường sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức” - PGS.TS Trần Diệp Tuấn bày tỏ.

    Không gian thanh bình của Gặp gỡ Việt Nam tại Bình Định. Ảnh: Thái Việt

    Khoa học cơ bản Việt Nam phát triển rất chậm

        Trong cuộc trò chuyện bên lề Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội”, GS David Gross Nobel Vật lý năm 2004 nhận định khoa học cơ bản ở Việt Nam phát triển rất chậm. “Tôi có tìm hiểu và thấy rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam chỉ dành một phần rất nhỏ GDP đầu tư cho nghiên cứu và phát triển”. GS cũng chỉ ra tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D/GDP) ở Việt Nam là 0,21%. Mức này chỉ ngang ngửa Campuchia, thấp hơn Ấn Độ 5 lần, Trung Quốc 10 lần và Hàn Quốc tới 20 lần! 
     

    “Tôi có tìm hiểu và thấy rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam chỉ dành một phần rất nhỏ GDP đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D/GDP) ở Việt Nam là 0,21%. Mức này chỉ ngang ngửa Campuchia, thấp hơn Ấn Độ 5 lần, Trung Quốc 10 lần và Hàn Quốc tới 20 lần! 
                                                                  GS David Gross Nobel Vật lý năm 2004  
     
        GS David Gross cho rằng không thể chỉ tập trung vào chuyển giao công nghệ mà không đầu tư vào khoa học cơ bản.  Thực  tế  chỉ  ra,  phải  đầu  tư  khoa học cơ bản  trước  thì  mới  có  chuyển  biến  tốt  trong chuyển giao công nghệ.  Theo GS David Gross, GGVN được tổ chức chính là một trong những cánh cổng mở ra chân trời phát triển khoa học cơ bản. 
     
        GS Kydland Nobel Kinh tế 2004, phân tích sự phát triển kinh tế của các quốc gia và cho thấy vai trò của chính sách kinh tế mới là yếu tố quyết định trong tăng trưởng lâu dài. 
     
        GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận, ngoài một số trường đại học, học viện lớn, mức độ NCKH ở phần lớn các trường đại học hiện nay còn yếu. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp thấp nên các trường không được xếp thứ hạng cao so với các nước trên thế giới; NCKH còn yếu dễ kéo lùi sự phát triển của đất nước.  
     
        Theo GS Châu, trung bình mỗi năm chúng ta chi khoảng 3 đến 4 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu sinh, du học sinh ở nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam thiếu linh hoạt trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về nước làm việc. Con số 3 đến 4 tỷ USD chảy ra nước ngoài mỗi năm còn thấy được, những điều mất mát lớn hơn, chúng ta khó thể lường hết. 
     
        Để khắc phục tình hình này, GS Châu đề xuất, các trường đại học và cơ quan nhà nước, khi tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, không nên cứng nhắc, dừng lại ở mức lương khởi nghiệp. Hầu hết trí thức học tập ở nước ngoài quan tâm đến vấn đề khi về nước môi trường làm việc có thoải mái không, tương lai được đảm bảo như thế nào… Các trường và cơ quan nhà nước cần có cơ chế linh hoạt, cạnh tranh tích cực để thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao (dù được đào tạo trong  nước hay nước  ngoài). 
     
        PGS.TS Phan Bảo Ngọc, Trường ĐH Quốc Tế (ĐHQG-HCM) cho biết đội ngũ trẻ nghiên cứu khoa học cơ bản hiện nay của nước ta còn phân tán và chưa tận lực làm việc vì thiếu định hướng. Chúng ta chưa lập được những nhóm nghiên cứu quy mô bài bản, chưa có chiến lược lâu dài lên tới 20, 30 năm, trong khi đặc thù của khoa học từ nghiên cứu cơ bản cho ra các nghiên cứu ứng dụng sẽ rất dài, thậm chí cả nửa thế kỷ hoặc hơn mới ra được công nghệ mới.
     
        Theo các chuyên gia, cần nâng tỷ lệ đầu tư khoa học cơ bản ở Việt Nam và có chính sách phù hợp cho khoa học cơ bản phát triển. 


     
    THANH THẢO - THÁI VIỆT

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên