Giao lưu

Hơn 1.000 SV dự buổi thuyết trình của Hiệu trưởng ĐH Harvard

  • 23/03/2017
  • GS Drew Gilpin Faust - Hiệu trưởng Trường ĐH Harvard vừa có buổi hội kiến PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM trong khuôn khổ chuyến thăm Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM sáng 23/3.


         Giới thiệu về ĐHQG-HCM là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, chất lượng cao, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt mong muốn ĐHQG-HCM và Trường ĐH Harvard sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy quá trình hội nhập giáo dục sâu rộng giữa hai ĐH.

        Chia sẻ về lý do chọn Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM mở đầu cho chuyến thăm Việt Nam của mình, nữ hiệu trưởng trường ĐH danh tiếng bậc nhất thế giới cho biết: “Trước khi trở thành Hiệu trưởng ĐH Harvard, tôi là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn ba mươi năm. Vì vậy, tôi đặc biệt vui mừng được có mặt tại Trường ĐH KHXH&NV - một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam”.

        Phát biểu trước hơn 1.000 giảng viên, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM về chủ đề “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”, GS Drew Gilpin Faust đã khéo léo truyền đi thông điệp hòa bình cũng như mong muốn hàn gắn vết thương giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.

        “Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta” - GS Faust bắt đầu bài thuyết trình của mình.

        Nữ giáo sư cho biết bà vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí của bà không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến mà thế hệ bà đã đi qua trong day dứt, mà là một Việt Nam với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó.

        Nhắc đến những lời tự vấn của nhân vật Kiên trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh “Tại sao lựa chọn chiến tranh? Tại sao anh phải viết về cuộc chiến?”, GS Faust cho biết: “Cũng như anh, chúng ta viết, chúng ta trò chuyện và chúng ta ghi nhớ bởi chúng ta đều cố gắng để hiểu chiến tranh đã nhào nặn chúng ta ra sao. Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó”.

        Và bà kết luận: “Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”.

        Trong phần gặp gỡ báo chí, GS Drew Gilpin Faust cho biết ĐH Harvard hiện có 16 SV mang quốc tịch Việt Nam đang theo học tại đây. Trả lời câu hỏi của phóng viên về cơ hội học bổng của SV Việt Nam khi đến học tại Harvard sau chuyến thăm này, nữ hiệu trưởng Trường ĐH Harvard khẳng định: “Sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội nhận học bổng như SV nước Mỹ. Sẽ không có bất cứ sự phân biệt nào giữa SV Mỹ và SV nước ngoài. Chúng tôi sẽ xem xét điều kiện tài chính của từng em để có những hỗ trợ học bổng hợp lý nhất”.

    SV Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM chào đón GS Drew Gilpin Faust. Ảnh: ĐỨC LỘC


    PHIÊN AN - TẤT ĐẠT- THANH THANH
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên