Hội thảo

Lao động nữ chịu nhiều ảnh hưởng từ cách mạng 4.0

  • 07/09/2018
  • PGS.TS Trương Thị Hiền - nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM nhận định như vậy tại Hội thảo khoa học “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhìn từ quan điểm giới” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM phối hợp Hội Nữ trí thức TP.HCM tổ chức ngày 7/9.

    PGS.TS Trương Thị Hiền phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: HỒ HIỀN

    Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trương Thị Hiền cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều điều hay, nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra vô vàn thách thức cho việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực nữ hiện nay.

    “Cách mạng 4.0 làm một số nghề như sơ chế thủy hải sản, dệt may, da giày… có thể bị thay thế bằng thiết bị tự động hóa. Điều này dẫn tới nguy cơ mất việc làm của đội ngũ lao động phổ thông, đặc biệt là lao động nữ” - PGS.TS Trương Thị Hiền cảnh báo.

    Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi về các giải pháp đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực (nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo) theo hướng chủ động đón đầu các xu thế, yêu cầu mới. Các nhà khoa học đều nhấn mạnh quan trọng hơn hết, phụ nữ phải chủ động tìm tòi học hỏi, giỏi về công nghệ để đáp ứng tốt nhất những thay đổi hàng ngày, hàng giờ mà cách mạng 4.0 mang lại.

    PGS.TS Ngô Thị Phương Lan trình bày bài tham luận tại hội thảo. Ảnh: HỒ HIỀN

    Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, hiện nay tỷ lệ phụ nữ tham gia nắm giữ vai trò quan trọng ngày càng tăng trong xã hội Việt Nam. Xu hướng này cũng đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam còn ảnh hưởng rất nhiều bởi định kiến nho giáo.

    “Định kiến giới như khung thủy tinh, chúng ta nhìn thấy mà không xuyên qua được. Muốn xuyên qua nó phải có sự hợp lực thật sự mạnh mẽ” - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhận định.

    Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh dẫn chứng báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy phụ nữ sẽ phải đối mặt không chỉ với sự phân biệt giới mà còn cả với trí tuệ nhân tạo. Theo đó, dự báo đến năm 2020,  khoảng 7,1 triệu người bị mất việc làm do robot thay thế và phụ nữ sẽ là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.

    Trong phần trao đổi ý kiến, TS. Lê Thị Linh Trang (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng phụ nữ cần nghiên cứu khoa học, cần mở rộng hơn nữa các hoạt động xã hội, nâng cao chuyên môn tay nghề, quản lý thời gian chứ không đơn thuần là chỉ làm những việc nhỏ nhặt hằng ngày. 

    “Phụ nữ phải tự đào tạo bản thân, có giá trị sống, nhận thức riêng. Phụ nữ cần truyền lửa và giúp đỡ nhau” - TS Trang nhấn mạnh.

    Các đại biểu tham dự hội thảo cũng trình bày, phân tích nhiều khía cạnh về văn hóa đô thị, văn hóa gia đình nhìn từ quan điểm giới hay nâng cao năng lực ngoại ngữ của nữ giảng viên để phục vụ cho các công tác nghiên cứu và hội nhập trong cách mạng 4.0.

    PHAN YÊN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên