Khoa học công nghệ

Tổng kết Chương trình Tây Nam bộ: Nhiều nghiên cứu giải quyết hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở

  • 29/11/2020
  • Ngày 28/11, tại tỉnh Bến Tre, ĐHQG-HCM phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ năm 2020.

    Các nhà khoa học thảo luận tại hội nghị.

    Đến dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập.

    Tính đến tháng 9/2020, Chương trình Tây Nam bộ đã triển khai thực hiện 62 nhiệm vụ, gồm 21 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Khoa hoc xã hội, Nhân văn và Phát triển bền vững (KHXH&NV) cùng 41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ va Môi trường (KHTN). Trong đó, Chương trình đã nghiệm thu cấp quốc gia 21 nhiệm vụ gồm 13 nhiệm vụ KHXH&NV và 7 nhiệm vụ KHTN.

    Một số đề tài nổi bật ở lĩnh vực KHXH&NV như “Hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam bộ”, qua đó đề tài đã đề xuất các mô hình, gợi ý lựa chọn mô hình hợp tác xuyên biên giới va đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam bộ theo xu hướng phát triển bền vững. Đề tài “Phát triên nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” cho thấy để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2035, Tây Nam bộ phải huy động được quy mô nhân lực tăng gấp 5 lần quy mô nhân lực của năm 2015. Do đó các tỉnh vùng Tây Nam bộ phải có những chính sách, cơ chế đột phá để đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong nội vùng.

    Ở lĩnh vực KHTN, nhiều đề tài/dự án đã có kết quả ứng dụng vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế; góp phần phát triển sản xuất va nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực (lúa, cây ăn quả, thủy sản). Đồng thời, cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở (bờ sông, bờ biển), phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.

    Một số đề tài tiêu biểu ở lĩnh vực này như: “Khảo sát, đánh giá, xây dựng các giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm sinh khối (trấu) theo hướng sản xuất năng lượng bền vững, phục vụ phát triển kinh tế của khu vực Tây Nam bộ” (Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM); “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng Sông Cửu Long” (Trung tâm Địa Tin học, ĐHQG-HCM); “Xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao nuôi tôm bằng vật liệu và công nghệ nano” (Viện Công nghệ Nano, ĐHQG-HCM)…

    Đặc biệt là đề tài “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu”. Kết quả nghiên cứu của đề tài được UBND tỉnh Cà Mau cho phép ứng dụng vào dự án “Xây dựng Kè khẩn cấp đoạn 700m Bờ Băc Kênh Mới và đoạn 500m Bờ Nam Kênh Mới” tại xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

    PHAN YÊN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên