Tin tổng hợp

Xung đột trong phát triển kinh tế và thảm họa môi trường

  • 07/10/2016
  • Quá trình phát triển kinh tế thường gây ra nạn hủy hoại và ô nhiễm môi trường, đó có phải là một “định mệnh” đối với toàn cầu hiện nay? Thảm họa môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã quá rõ, Việt Nam còn tiềm ẩn nguy cơ nào khác? Làm sao để phát triển mạnh và bền vững mà thiên nhiên, con người và cả hậu thế không phải trả giá?... Bản tin ĐHQG-HCM xin ghi lại ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề trên.

    Các thảm họa môi trường trên thế giới

        GS Lê Huy Bá (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của loài người, trên thế giới từng xảy ra rất nhiều thảm họa môi trường. Thuở hồng hoang, khi con người sống trong giai đoạn hái lượm, cho đến đầu thời kỳ kinh tế nông nghiệp, giai đoạn mà khả năng tự làm sạch còn cao, hầu như không có thảm họa môi trường. Đến giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp vẫn chưa có thảm họa nào ghê gớm. Chỉ khi công nghiệp phát triển thì thảm họa xảy ra càng ngày càng nhiều và càng trầm trọng. Điển hình là vụ Sương quang hóa ở London (Anh) và Los Angeles (Mỹ), gây chết hàng ngàn người trong vài giờ. Thảm họa ven vịnh Minamata (Nhật) gây ra một dịch bệnh nguy hại và dai dẳng trong vài chục năm do nước thải công nghiệp chứa nhiều thủy ngân. Nó là lý do làm chết dần chết mòn hàng ngàn cư dân ven biển này. Họ bị ung thư với triệu chứng gầy còm, run rẩy tay chân. Cũng tại Nhật, những cánh đồng lúa hứng nước thải công nghiệp chứa nhiều Cd, đã gây ra dịch bệnh Itai-Itai (ngứa khắp mình mẩy) cho nông dân và cư dân ăn gạo nhiễm Cd. Vụ tràn dầu quanh vịnh Mexico của Tập đoàn BP gây nên thảm họa ô nhiễm hàng trăm cây số vuông, gây chết hàng loạt cá, sinh vật biển và chim biển. Sự cố nhà máy điện hạt nhân Checnobưl (Ukraine) gây phóng xạ kinh hoàng, mà di chứng mãi đến ngày nay vẫn còn. Vụ Formosa cũng là một ví dụ gần đây nhất. Đó là một thảm họa môi trường ghê gớm mà chúng ta chưa tiên lượng hết được sự tàn phá và nguy hại của nó.

        Theo ThS Cao Thị Nhung (Trường ĐH Bách Khoa) Trung Quốc là quốc gia điển hình về tốc độ phát triển kinh tế nhưng không thể kiểm soát nổi tình trạng ô nhiễm môi trường. “Trung Quốc từ 30 năm qua trở thành công xưởng của thế giới. Hàng hóa Trung Quốc bán khắp nơi trên thế giới với giá rẻ. Trung Quốc cũng hưởng lợi là phát triển rất nhanh, thu được rất nhiều tiền từ thế giới. Nhưng cái giá phải trả của Trung Quốc đối với sự phát triển này là khủng khiếp: cả môi trường không khí, đất và nước đều ô nhiễm quá nặng. Các con sông Trường Giang, Hoàng Hà, Mê kong đã bị khai thác triệt để, nhiều đoạn là sông chết. Rất nhiều người giàu Trung Quốc đã phải bỏ xứ ra đi” - ThS Nhung phân tích.

    Con người thường là nguyên nhân chính

        Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường. Tuy nhiên, có thể phân thành hai loại là do tự nhiên và do con người. GS Lê Huy Bá cho rằng phần lớn các thảm họa môi trường đều do con người gây ra, một số thì do thiên tai nhưng cũng có khi do cả hai yếu tố trên tác động.


    “Vedan, Sonadezi, Hào Dương, Formosa, Lee&Man là những công ty thuộc Đài Loan, Trung Quốc hoặc có yếu tố Trung Quốc. Họ chưa có nền ‘văn minh công nghiệp’ cao và cách làm ăn chưa chuẩn mực, thậm chí có lịch sử cũng không tốt đẹp lắm. Họ chỉ chạy theo lợi nhuận, ‘sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi’”.  

    GS Lê Huy Bá. Ảnh: NVCC

    Trong hai nguyên nhân trên, ThS Cao Thị Nhung nhấn mạnh nguyên nhân do con người gây ra thường nguy hại và nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ mặc dù những nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật… từng xảy ra thảm họa môi trường, nhưng sau đó họ đã kiên quyết đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm nặng. Đồng thời họ chấp nhận trả giá cao hơn cho hàng hóa để đủ chi phí xử lý chất thải. Trong khi đó, ở các nước kém phát triển vẫn mọc lên các nhà máy gây ô nhiễm nặng. Họ chỉ được lợi về tiền bạc, công ăn việc làm trong ngắn hạn nhưng môi trường thì ngày càng chết dần chết mòn.

    Việt Nam: nguy cơ ô nhiễm rộng khắp

        Cho rằng Việt Nam đang đối mặt nghiêm trọng với thách thức giữa bảo vệ môi trường, tài nguyên với phát triển kinh tế, GS Lê Huy Bá lo ngại: “Chúng ta đang gặp phải rất nhiều vấn nạn. Rừng đầu nguồn đã và đang bị tàn phá một cách không thương tiếc và có tổ chức. Mất rừng là mất tất cả. Mất rừng là mất thảm phủ xanh, là mất tài nguyên gỗ, mất tài nguyên sinh vật, mất cân bằng và đa dạng sinh thái. Rừng mất là mất nguồn nước, mất đất, gây ra xói mòn, sa mạc hóa hoặc lũ quét, sạt lở như ở Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang… trong nhiều năm qua. Ô nhiễm chất thải gây ra cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (Thanh Hóa), giết chết hàng trăm lồng nuôi tôm hùm ven biển, hàng tấn cá ở Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhiều làng ung thư ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa, Long An… mà nguyên nhân là do chất thải độc hại kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu. Các nhà máy, công xưởng thải ra khí, bụi, nước độc hại và cực độc”. 

        Tình trạng này gần như bất cứ địa phương nào ở Việt Nam cũng có. Nông thôn thì phun thuốc quá liều, rải phân hóa học vượt giới hạn, chăn nuôi thì dùng thuốc tạo nạc, bơm hóa chất và nước bẩn trước lúc giết thịt gia súc, gia cầm. Ở đô thị thì ô nhiễm nhà máy, ô nhiễm giao thông, ô nhiễm nước ngầm. Thực phẩm bẩn đã và đang hoành hành. Rõ ràng mức độ nguy cơ ô nhiễm là rất lớn và rộng khắp.

        Trước thực trạng đó, ThS Nhung cho rằng Chính phủ phải kiên quyết đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm nặng thì mới mong cứu vãn được môi trường Việt Nam.

    Lo ngại từ những công ty thuộc Đài Loan, Trung Quốc

        Có một thực tế không hoàn toàn ngẫu nhiên là hầu hết các thủ phạm đã (và sẽ) đầu độc môi trường Việt Nam đều là các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như Veddan, Sonadezi, Formosa, Lee&Man... GS Lê Huy Bá nói: “Không phải tất cả nhà máy có đầu tư nước ngoài đều là tai ương đối với môi trường, mà chỉ một số trong đó. Các nhà máy của Singapore, Nhật, Phần Lan, Pháp, Anh, Canada… - những nước phát triển có nền ‘văn minh công nghiệp’ cao - thì ít xảy ra ‘chuyện’. Còn Vedan, Sonadezi, Hào Dương, Formosa, Lee&Man là những công ty thuộc Đài Loan, Trung Quốc hoặc có yếu tố Trung Quốc. Họ chưa có nền ‘văn minh công nghiệp’ cao và cách làm ăn chưa chuẩn mực, thậm chí có lịch sử cũng không tốt đẹp lắm. Họ chỉ chạy theo lợi nhuận, ‘sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi’. Ngoài ra, công nghệ họ đang sử dụng là công nghệ lạc hậu. Khi không có công nghệ sạch thì sẽ gây ô nhiễm cao”.

    Formosa - thiệt hại không thể tính bằng tiền

        Sự cố môi trường được định danh khi xuất hiện một trường hợp đột ngột, ngoài ý muốn, gây ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ hẹp, tác hại không lớn cho môi trường. Trong khi đó, vụ cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm hàng ngàn tấn cá và hải sản chết, phá hủy hàng trăm cây số vuông rạn san hô và tảo biển, làm đảo lộn nghiêm trọng đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam trong một thời gian dài. Vì vậy những gì Formosa Hà Tĩnh gây ra từ đầu tháng 4 năm nay được các chuyên gia xác định đó là một thảm họa lớn của môi trường.

        Về mức bồi thường thiệt hại 500 triệu USD của Formosa, GS Lê Huy Bá phân tích: “Nếu căn cứ theo luật ‘Người gây ô nhiễm phải trả (PPP)’; căn cứ khoản 4, điều 4 Luật Bảo vệ môi trường (2005) quy định: ‘Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”; và tính đủ, tính đúng thì phải tìm đủ các thông số đầu vào bài toán kinh tế - sinh thái - tài nguyên môi trường, Formosa phải trả đủ để phục hồi hiện trạng như trước khi xả chất thải gây nên thảm họa. Các khoản tiền đền bù có thể gồm: tài nguyên biển và ven bờ bị hủy hoại; làm sạch môi trường, kể cả trầm tích biển độc hại phải hốt lên hết và xử lý đúng quy định; thiệt hại sinh kế của khoảng 300 ngàn người theo nghề đánh bắt hải sản, những người làm dịch vụ buôn bán, vận chuyển, chế biến hải sản, ngành du lịch của 4 tỉnh... Vậy nên, với mức đền bù 500 triệu USD của Formosa là chưa thỏa đáng, là không có căn cứ khoa học và căn cứ pháp lý”.

        Trong khi đó, đau lòng trước những gì đã diễn ra với biển miền Trung, ThS Cao Thị Nhung cho rằng “thiệt hại này không thể tính hết bằng tiền”.

    Sau đợt cá chết hàng loạt, đa số các thuyền công suất nhỏ, bơ nan chuyên đánh bắt gần bờ của ngư dân xã biển Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phải nằm bờ suốt ba tháng trời - Ảnh: Quốc Nam

    “Nhà máy giấy Lee&Man sẽ là một thảm họa”

        Nhà máy giấy Lee&Man (Tập đoàn Giấy Lee&Man Hong Kong) được xây dựng tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang), dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoạt động. Tuy nhiên, dư luận lo lắng vị trí và công nghệ của Lee&Man sẽ hủy hoại môi trường ở sông Hậu và Đồng bằng sông Cửu Long vốn bị đe dọa từ nhiều phía. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị Chính phủ dừng dự án này.

    “…tính sơ bộ, một ngày Lee&Man tiêu tốn 6.500m3 nước sạch, thải ra sông Hậu 130 tấn rác khô (tương đương 200 tấn rác ướt), 52 tấn hóa chất, 1,3 tấn NaOH. Thử hỏi, môi trường sông Hậu còn đủ sạch để nuôi cá, trồng lúa và trồng cây ăn trái hay không?”
                                                                                                     ThS Cao Thị Nhung 

        Đồng tình với VASEP và sự lo lắng của dư luận, GS Lê Huy Bá lý giải sâu hơn rằng nhà máy giấy Lee&Man cũng sẽ là một thảm họa cho dòng sông Hậu và cả vùng sông Hậu, không chỉ là sông Mái Dầm mà cả hệ thống kênh rạch chằng chịt xuống vùng Sóc Trăng, Cà Mau. Cả vùng nuôi trồng thủy sản thu về hàng tỷ USD mỗi năm sẽ mất. Đặc điểm địa hình, địa mạo vùng này là vùng trũng, lòng chảo, nên khi ô nhiễm xâm nhập thì khó mà khắc phục. Hơn nữa, vùng này nằm vào “khoảng giáp nước” của triều và dòng sông mỗi ngày hai lần, mà tại đó, vận tốc dòng chảy v = 0 m/ph; nghĩa là nó sẽ là khoảng “không gian” bị ô nhiễm nặng nhất. Chất thải từ việc sản xuất và tái chế giấy đòi hỏi tiêu hao rất nhiều xút (NaOH), cũng như các chất tẩy rửa, các chất phụ gia khác. Kinh nghiệm cho thấy, nhà máy giấy Bãi Bằng dùng công nghệ Phần Lan khá tốt nhưng ô nhiễm cho vùng Việt Trì cũng rất lớn, huống hồ Lee&Man - sử dụng công nghệ Trung Quốc - loại công nghệ lạc hậu bị chính nước họ từ chối đầu tư! Về nguyên liệu, vùng này là vùng đất ướt, không thể trồng rừng làm nguyên liệu cho nhà máy giấy này được nên Lee&Man phải dùng giấy tái chế, nghĩa là phải nhập rác giấy, bìa các tông - những thứ vốn chứa nhiều tạp chất là những chất thải độc hại.

        Là chuyên gia nghiên cứu về công nghệ cũng như quy trình sản xuất giấy, ThS Cao Thị Nhung đưa ra bài toán cụ thể: “Để sản xuất 1 tấn giấy các tông từ giấy phế thải, phải cần ít nhất khoảng 5m3 nước sạch, 10kg xút để xử lý. Công suất 420.000 tấn/năm, nghĩa là một ngày, nhà máy giấy Lee&Man sản xuất 1.300 tấn giấy các tông từ giấy phế thải. Giấy phế thải chứa 10% rác thải. Như vậy, tính sơ bộ, một ngày Lee&Man tiêu tốn 6.500m3 nước sạch, thải ra sông Hậu 130 tấn rác khô (tương đương 200 tấn rác ướt), 52 tấn hóa chất, 1,3 tấn NaOH. Thử hỏi, môi trường sông Hậu còn đủ sạch để nuôi cá, trồng lúa và trồng cây ăn trái hay không?”

    GS Phan Thanh Sơn Nam. Ảnh: BK

    GS Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách Khoa) cũng quan ngại: “Trong nước thải của nhà máy giấy còn chứa nhiều thứ có hại gấp trăm lần xút. Quy trình sản xuất giấy cổ điển sử dụng chlorine trong giai đoạn tẩy trắng bột giấy sẽ hình thành một lượng đáng kể dioxin, vốn là họ chất độc hữu cơ có hại nhất. Những công nghệ hiện đại không dùng chlorine thì sẽ không hình thành dioxin. Tuy nhiên, các chất thải từ công nghệ này dù không có dioxin vẫn dư sức làm người ta ‘chết tức tưởi’ hoặc chết dần chết mòn, cũng như ảnh hưởng đến cả những thế hệ con cháu về sau”. Bên cạnh đó, việc nhà máy giấy đặt ở vùng trũng, là nơi người dân sống phụ thuộc vào sông nước và là vựa lúa của cả nước cũng đe dọa đến sức khỏe và an ninh lương thực quốc gia.

    Không nhận các dự án làm nguy hại môi trường

        Trên phạm vi toàn cầu, con người đã có các giải pháp mang tầm quốc tế và từng khu vực hay từng nước, thậm chí từng địa phương để ngăn chặn hay giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: những nghị định thư Kyoto, Công ước Stokholm, Hiệp định Rio de Janeiro; gần đây là COP 17 Copenhagen, và cuối cùng là COP 21 Paris. Ở Việt Nam, cũng có các luật, nghị định, quy định cụ thể, đầy đủ về việc này.

        Tuy nhiên, để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên, các chuyên gia cho rằng không được nhận bất cứ nhà đầu tư hay dự án đầu tư nào gây hại đến môi trường. Chỉ nhận dự án ít gây ô nhiễm, với công nghệ kỹ thuật cao, đẩy mạnh công nghệ xanh, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo. Tuyệt đối không phát triển kinh tế bằng việc đánh đổi tài nguyên môi trường. Vị trí dự án cũng phải cân nhắc kỹ càng về cả địa kinh tế, địa chính trị, địa xã hội và địa quân sự. 

        Trong công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải đi trước một bước và chọn nhà tư vấn vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vừa có tâm với đất nước. Vụ thảm họa Formosa, Sonadezi, Hào Dương, Vedan… là những bài học xương máu về ĐTM. Công tác quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương cũng cần phải rà soát củng cố lại, không để các cá nhân làm giàu bất chính, chuyên “cắt dán” móc ngoặc, khoét lỗ tường rào cho dự án xấu, nhà đầu tư xấu chui vào đất nước.

    MINH CHÂU thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên