Tuyển sinh

Phương hướng tuyển sinh đại học năm 2019 tại ĐHQG-HCM

  • 15/01/2019
  • Trong các năm qua, công tác tuyển sinh luôn được ĐHQG-HCM thực hiện một cách nghiêm túc, đúng các quy định chung của Bộ GD&ĐT, đồng thời phát huy tính tự chủ của một đại học lớn với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

    Thí sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2017 do ĐHQG-HCM tổ chức. Ảnh: Đức Lộc

    Công tác tuyển sinh năm 2019 của ĐHQG-HCM thực hiện theo các nguyên tắc chính: (1) tuyển chọn những thí sinh đạt chất lượng, có nguyện vọng và năng lực phù hợp theo học các nhóm ngành/ngành/chương trình đào tạo; (2) tuân thủ và không trái với quy định tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; (3) đa dạng phương thức tuyển sinh; và (4) tăng cường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM.

    Các phương thức xét tuyển

    Điều kiện chung để được xét tuyển vào ĐHQG-HCM là thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và việc xét tuyển sẽ thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau.

    Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy của Bộ GD&ĐT với chỉ tiêu tối đa không quá 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành.

    Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của ĐHQG-HCM dành cho đối tượng là học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu thuộc các trường đại học, tỉnh thành trên toàn quốc; học sinh các trường THPT thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất trong các năm 2015, 2016, 2017, 2018.

    Chỉ tiêu tối đa cho phương thức này không quá 10-15% tổng chỉ tiêu ngành/nhóm ngành. Thí sinh được đăng ký tối đa không quá 3 nguyện vọng UTXT vào các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc của ĐHQG-HCM (có xác định thứ tự ưu tiên khi thí sinh đăng ký từ 2 nguyện vọng trở lên vào cùng một trường/khoa).

    Hội đồng tuyển sinh các đơn vị xem xét, quyết định theo các tiêu chí: điểm trung bình học kỳ THPT của tổ hợp môn xét tuyển do thí sinh đăng ký, bài luận viết tay, thư giới thiệu của giáo viên, điểm trung bình học kỳ THPT môn tiếng Anh hoặc các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế.

    Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019. Dựa vào chỉ tiêu của các trường/khoa mà xác định tỷ lệ chỉ tiêu theo điều kiện xét tuyển thực tế. ĐHQG-HCM thực hiện công tác xét tuyển thí sinh theo quy chế hiện hành của Bộ GD&ĐT, quy định chi tiết của ĐHQG-HCM và các trường/khoa.

    Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2018 do ĐHQG-HCM tổ chức. Ảnh: Đức Lộc

    Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức với chỉ tiêu tối đa 40% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành. Theo đó, thí sinh phải dự thi và có kết quả thi kỳ thi kiểm tra năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức. Thí sinh được đăng ký tối đa không quá 3 nguyện vọng vào các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc của ĐHQG-HCM (có xác định thứ tự ưu tiên khi thí sinh đăng ký từ 2 nguyện vọng trở lên vào cùng một trường/khoa).

    Phương thức 5: Dự kiến xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế. Dựa vào chỉ tiêu của các đơn vị mà xác định tỷ lệ chỉ tiêu theo điều kiện xét tuyển thực tế. Điều kiện: thí sinh có chứng chỉ quốc tế: SAT, ACT, BI, A-level…; đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học ở THPT và có hạnh kiểm tốt.

    Phương thức khác tại các đơn vị: Dựa vào chỉ tiêu của các đơn vị mà xác định tỷ lệ chỉ tiêu theo điều kiện xét tuyển thực tế. Trường ĐH Quốc Tế xét tuyển bằng kết quả thi Đánh giá năng lực do Trường ĐH Quốc Tế tổ chức; xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài tại Trường ĐH Quốc Tế. Xét tuyển các học sinh học theo chương trình THPT nước ngoài tại Trường ĐH Bách Khoa. Xét tuyển ngành Y đa khoa chất lượng cao đối với thí sinh tốt nghiệp đại học tại Khoa Y. Xét tuyển bằng phương thức phỏng vấn trực tiếp (hoặc có sự kết hợp với phương thức khác): kiểm tra thái độ nghề nghiệp, năng khiếu… với những ngành/nhóm ngành đặc thù tại các đơn vị.

    Những ngành học mới

    Số lượng mã ngành/nhóm ngành/chương trình tuyển sinh tại ĐHQG-HCM năm 2018 của ĐHQG-HCM là 189. Trong đó, Trường ĐH Bách Khoa là 54, Trường ĐH Kinh tế - Luật là 37, Trường ĐH KHXH&NV là 36, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là 22, Trường ĐH Quốc Tế là 19, Trường ĐH Công nghệ Thông tin là 18, Khoa Y là 3.

    Sinh viên Trường ĐH KHTN tốt nghiệp năm 2018. Ảnh: HCMUS

    Năm 2019, dự kiến số lượng mã các ngành/nhóm ngành/chương trình được tuyển sinh trình độ đại học tại ĐHQG-HCM là 196-197. Trường ĐH KHXH&NV mở mới ngành Quản trị Thông tin và ngành Việt Nam học (dành cho người Việt Nam), chương trình Chất lượng cao ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Khoa Y mở mới ngành Răng Hàm Mặt và Điều dưỡng. Phân Hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre mở mới 1-2 ngành đào tạo và tuyển sinh phù hợp với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

    Theo phương hướng tuyển sinh năm 2019 của ĐHQG-HCM, các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc và phân hiệu ĐHQG-HCM xem xét xây dựng Đề án tuyển sinh năm 2019 chi tiết với nội dung cụ thể: ngành/chương trình, mã tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức và ngành/nhóm ngành/chương trình, các điều kiện đảm bảo chất lượng cho năng lực tuyển sinh, đào tạo tại đơn vị. Đề án tuyển sinh 2019 của các đơn vị phải công khai, báo cáo về Bộ GD&ĐT và ĐHQG-HCM theo quy định.

    BAN ĐẠI HỌC (Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên