Hội nghị - Hội thảo

Chúng ta không được phép lãng quên họ

  • 24/09/2018
  • Đó là chia sẻ của nhà báo, diễn giả Pierre Daum tại buổi tọa đàm “Lính thợ Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh thế giới - Tiếp cận nghiên cứu và xuất bản sử phẩm”, do Khoa Lịch Sử, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức chiều 24/9.

    Diễn giả - nhà báo Pierre Daum chia sẻ tại tọa đàm.

    Mở đầu buổi nói chuyện, tác giả của Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên cho biết khi đang thực hiện phóng sự về một nhà máy đóng gói gạo tại vùng Camargue, miền Nam nước Pháp cho tờ báo Le Monde, ông đã tìm thấy tấm ảnh cũ về một người châu Á đang cấy lúa.

    “Bên dưới tấm ảnh có lời chú giải: Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, người Việt Nam đã đến trồng lúa tại Camargue. Tấm ảnh đã gợi cho tôi sự tò mò về sự xuất hiện của người Việt Nam trong giai đoạn này. Tại sao họ lại đến đây để trồng lúa? Họ có bao nhiêu người? Ở lại trong bao lâu và cuộc sống ly hương của họ như thế nào? Bắt tay vào tìm tài liệu cho đề tài hấp dẫn này, tôi biết được một trang sử đen tối trong lịch sử nước Pháp, sự cố tình lãng quên những hành động xấu xa trong quá khứ. Gần 20.000 ngàn người Việt đã bị đưa sang Pháp để làm việc tại các nhà máy chế tạo vũ khí từ năm 1939, phụ vụ cho thế chiến thư hai” - diễn giả Pierre Daum chia sẻ.

    Tuy nhiên, diễn giả Pierre cho biết, công việc của những người thợ Việt Nam này kéo dài không lâu do Pháp thất bại trước các cuộc tấn công của phát xít Đức vào năm 1940. Họ được đưa về cố quốc thông qua đường biển. Con đường trở về đầy chông gai do những con tàu này liên tục chịu sự tấn công của hải quân Anh.

    Ông nói: “Chỉ có 5 ngàn người Việt được đưa về nước. 15 ngàn người còn lại bị kẹt trong suốt thế chiến. Họ được đưa về miền Nam nước Pháp, nhốt tại các trại tập trung và bị đối xử như những tù nhân. Những trại tập trung này không giống với các trại tập trung cùng thời của Đức Quốc xã. Trong suốt 10 năm tại đây, công việc chủ yếu của họ là làm lúa, sản xuất ra những hạt gạo Camargue lừng danh lúc bấy giờ. Dù phải sống trong điều kiện khó khăn và làm việc không lương, nhưng buổi tối họ vẫn được vài giờ tự do. Trong số họ còn kết hôn với phụ nữ Pháp”.

    Vào những năm 1950, lính thợ Việt Nam được thả tự do để trở về cố quốc. Khoảng 1 ngàn người  trong số họ đã chọn định cư ở Pháp. Diễn giả Pierre Daum cho biết, ngày 5/10/2014, tượng đài tưởng nhớ 20.000 người lao động Việt Nam bị  chính quyền thuộc địa Pháp cưỡng bức lưu đày trong Thế chiến II được khánh thành ở Camargue. Tại buổi lễ, lãnh đạo cấp cao của hai nước Việt - Pháp đã đến dự.

    “Những người lính thợ này là nạn nhân của chế độ thực dân thuộc địa một thời. Chúng ta không được phép lãng quên họ” - diễn giả Pierre Daum đúc kết câu chuyện.

    Diễn giả Pierre Daum là cựu thông tín viên tờ Libération ở Áo. Ông đồng thời cộng tác với nhiều tờ báo lớn ở châu Âu: Le Monde, L’Express, La Libre, Belgique, La Tribune de Genève... Sau khi trở về Pháp năm 2003, ông là phóng viên tờ Libération ở vùng Languedoc-Roussillon.

    Ngoài các công trình về chủ nghĩa thuộc địa Pháp, Pierre Daum còn thường xuyên thực hiện nhiều phóng sự lớn về thế giới cho Le Monde Diplomatique - tạp chí phát hành hang tháng ở Pháp.

    Từ 2005, ông bắt đầu nghiên cứu đề tài những người Việt Nam bị chính quyền thuộc địa bắt sang Pháp năm 1939 để lao động trong các nhà máy sản xuất vũ khí và thuốc súng (lính thợ) hay trực tiếp tham chiến chống Đức Quốc xã (lính tập). Sau thời gian sưu tầm tài liệu và đi gặp nhân chứng, năm 2009, ông xuất bản sách Immigrés de force, les travailleurs indochinois en France (1939-1952) và được đông đảo độc giả ở Pháp và Việt Nam đón nhận. 5 năm sau, bản dịch của cuốn sách trên được NXB Tri Thức ấn hành tại Việt Nam với tiêu đề Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1953) một trang sự thuộc địa bị lãng quên

    Do những tranh đấu của ông, chính phủ Pháp phải chính thức công nhận những đóng góp của những người Việt Nam này. Pierre Daum đã tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết và triển lãm tại các trường đại học ở Pháp. Ông nhiều lần sang Việt Nam trở thành diễn giả ở các trường đại học và trên các kênh truyền hình như: VTV1, HVT4... để nói chuyện về đề tài này.

     

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên