Thông cáo báo chí

Thông qua đề án thành lập Phân hiệu ĐHQG-HCM

  • 27/11/2016
  • Ngày 25/11, Hội đồng ĐHQG-HCM đã họp kỳ thứ hai, khóa IV. Hội đồng lắng nghe báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016, góp ý dự thảo kế hoạch hoạt động ĐHQG-HCM năm 2017 và thảo luận Đề án Thành lập Phân hiệu ĐHQG-HCM.

    Tăng 54 bậc so với năm 2015

        Kỳ họp lần này Hội đồng ĐHQG-HCM thực hiện công việc kiện toàn nhân sự như đã thống nhất về số lượng thành viên và các tiểu ban tại kỳ họp đầu tiên vào ngày 24/6. Theo đó, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm Trưởng tiểu ban Chiến lược; PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM làm Trưởng tiểu ban Chuyên môn; Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Ô tô Trường Hải làm Trưởng tiểu ban Tài chính.

        Hội đồng bầu bổ sung ThS Ông Thị Ngọc Linh, Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM làm ủy viên đồng thời quyết định ông Phạm Thanh Sơn, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM thôi tham gia Hội đồng. PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Phó trưởng Ban TCCB ĐHQG-HCM được bầu làm Thư ký Hội đồng.

        Theo Báo cáo tổng kết hoạt động của ĐHQG-HCM. năm 2016 ĐHQG-HCM đạt được nhiều thành tựu khả quan. Về chuyển giao công nghệ, tính đến hết tháng 8/2016, ĐHQG-HCM đã đạt doanh thu 99,98 tỷ đồng, 340 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trong đó có 113 đơn được cấp bằng bảo hộ độc quyền. ĐHQG-HCM công bố tổng cộng 1.808 bài báo tại các hội nghị, trên tạp chí quốc tế và trong nước. Trong đó, có 205 bài báo nằm trong danh mục ISI. Tổ chức xếp hạng các trường đại học châu Á (QS Asia) xếp ĐHQG-HCM thứ 147 châu Á, tăng 54 bậc so với năm 2015.

        Về đào tạo, ĐHQG-HCM có 45 chương trình đánh giá nội bộ, 30 chương trình đánh giá ngoài AUN-QA, 2 chương trình đánh giá ABET, 7 chương trình đánh giá tiêu chuẩn CTI, 5 trường và 62 ngành triển khai chương trình CDIO.

    Hội đồng ĐHQG-HCM biểu quyết thành lập các tiểu ban. Ảnh: Đức Lộc

    Hội nhập chất lượng giáo dục

        Về định hướng năm 2017, ĐHQG-HCM sẽ ưu tiên triển khai 6 nhóm chiến lược và 6 chương trình trọng điểm gồm: Mô hình quản trị hệ thống; cơ chế tài chính và phát triển nguồn lực; chất lượng đào tạo; hiệu quả NCKH; khu đô thị đại học - thành phố khoa học; hợp tác phát triển và hội nhập.

        Các hoạt động trọng tâm theo chủ đề sẽ tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên, nhà khoa học; hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ và tiềm năng. ĐHQG-HCM cũng sẽ gắn kết hợp tác các nguồn lực nghiên cứu trong toàn thành phố, cải tiến công tác tuyển sinh…

        Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, năm 2017, hoạt động sở hữu trí tuệ và công bố khoa học của ĐHQG-HCM cần bài bản hơn và xứng đáng hơn với năng lực của một trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước. Những dữ liệu từ sở hữu trí tuệ sẽ chỉ ra được xu hướng sáng tạo công nghệ hiện tại. Trung Quốc mỗi năm có hơn một triệu đơn cấp bằng sáng chế, trong khi đó Việt Nam chỉ có 600-700 đơn, riêng ĐHQG-HCM dủ có hơn 300 đơn nhưng vẫn là một con số khiêm tốn. ĐHQG-HCM phải nhanh nhạy thương mại hóa những ý tưởng và nghiên cứu có giá trị. vì các bài báo và ý tưởng khi đã công bố thì không bảo hộ được nữa.

        GS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa đề nghị trước áp lực tự chủ toàn diện của các trường vào năm 2020, các trường thành viên ĐHQG-HCM phải rà soát lại các nguồn lực, đặc biệt là phát huy nguồn lực con người.

    PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu. Ảnh: Đức Lộc

        Theo PGS.TS Phan Thanh Bình năm 2017 ĐHQG-HCM sẽ bị thiếu hụt khoảng 300 tỷ đồng, do vậy cần xác định nguồn bổ sung khả thi và hiệu quả. Đề cập vấn đề xếp hạng đại học, ông nhấn mạnh: “ĐHQG-HCM phải phấn đấu đứng vào top 100 các trường đại học châu Á vào năm 2020. Điều đó có nghĩa trong 4 năm nữa, ĐHQG-HCM phải vượt qua 47 ‘đối thủ’. Đó là những trường nào và mình sẽ cạnh tranh với họ về mảng nào là điều cần có câu trả lời rõ ràng”.

        Hội đồng thảo luận kỹ dự thảo đề án xây dựng Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre. Các thành viên đều cho rằng, phân hiệu trường đại học là mô hình xuất hiện từ lâu trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã có 10 trường đại học có phân hiệu của mình. ĐHQG-HCM có các trường thành viên nên cần có một mô hình phân hiệu phù hợp. Hội đồng đã nhất trí thông qua đề án để trình lên các bộ ngành liên quan thẩm định và phê duyệt.

        Hội đồng chọn chủ đề năm 2017 của ĐHQG-HCM là “Hội nhập chất lượng giáo dục” và dự kiến kỳ họp thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 6/2017.

    THÁI VIỆT - ĐỨC LỘC

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên