Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM những dấu ấn đầu năm 2018

  • 20/07/2018
  • Ngày 19/7, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội nghị Giao ban ĐHQG-HCM. Hội nghị đã nghe báo cáo Tình hình hoạt động của ĐHQG-HCM 6 tháng đầu năm 2018; Kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2018 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2019; Báo cáo tình hình kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học năm 2018 tại ĐHQG-HCM; Báo cáo chuyên đề Công nghệ Blockchain và ứng dụng trong đời sống.

    7 hoạt động, sự kiện nổi bật

        Trong sáu tháng đầu năm 2018, ĐHQG-HCM có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, trong đó có 7 điểm nhấn quan trọng. Nổi bật nhất là sự kiện ĐHQG-HCM đứng trong top 701-750 trong Bảng xếp hạng QS World. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hai trường đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

        PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết tham gia xếp hạng và phấn đấu, nỗ lực đạt được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng thế giới là việc nên làm và có thể xem là một trong những nhiệm vụ của các đại học hàng đầu Việt Nam hiện nay. Theo ông, việc chủ động tham gia công tác xếp hạng đại học thế giới là một trong ba bước khẳng định chất lượng của ĐHQG-HCM.

        Để hoàn thiện bộ máy nhân sự, trong sáu tháng đầu năm 2018, Giám đốc ĐHQG-HCM đã bổ nhiệm Hiệu trưởng, Viện trưởng các đơn vị thành viên. Trong đó, bổ nhiệm mới Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Quốc Tế, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài Nguyên. Bổ nhiệm lại Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN. Như vậy, ĐHQG-HCM đã hoàn thiện cơ cấu bộ máy nhân sự tại các đơn vị thành viên.

        ĐHQG-HCM cũng đã ký kết hàng loạt các hợp tác trong và ngoài nước. Cụ thể, ký kết với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Tỉnh Tây Ninh. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, ký kết mới và tái ký với ĐH Andrews (Hoa Kỳ); ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Nga), Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, ĐHQG Singapore; Trường ĐH Dublin (Ireland); Tổ chức Finland University (Phần Lan); ĐH Deakin (Úc). Đồng thời ký kết ghi nhớ hợp tác với ĐHQG Lào; ĐH Kyushu (Nhật Bản), ĐH Công nghệ Auckland và ĐH Waikato (New Zealand).

        Trong lĩnh vực KHCN của ĐHQG-HCM sáu tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Nổi bật là hai tạp chí khoa học của Trường ĐH KHTN có tên trong danh mục Scopus; Hàng loạt các nhà khoa học, sinh viên ĐHQG-HCM có mặt trong các giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước.
     
        Năm 2018 cũng là năm đầu tiên ĐHQG-HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả kỳ thi được sử dụng như một phương thức tuyển sinh. Kỳ thi chú trọng vào việc sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề nhằm đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.

        TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo cho biết, kỳ thi năm nay diễn ra với gần 5.000 thi sinh tại ba điểm thi TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn.

        Cũng trong năm nay, ĐHQG-HCM có thêm 69 Giáo sư, Phó Giáo sư nâng tổng số GS, PGS của ĐHQG-HCM lên 369 người chiếm 15% đội ngũ giảng dạy của ĐHQG-HCM.

        Bên cạnh đó, Dự án Easy Move với 100 xe đạp thông minh sử dụng năng lượng mặt trời lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại khu đô thị ĐHQG-HCM. Việc này đã góp phần nâng cao đời sống của sinh viên, cán bộ, giảng viên ĐHQG-HCM.

    Năm đầu tiên ĐHQG-HCM tổ chức thi đánh giá năng lực. Ảnh: ĐỨC LỘC

    Sáp nhập các trung tâm cùng chức năng

        Ngày 28/6, Hội đồng ĐHQG-HCM đã họp phiên thứ 6 khóa IV tại Chu Lai, Quảng Nam. Tại kỳ họp này, các thành viên Hội đồng đã đề nghị rà soát soát, chỉnh sửa Kế hoạch chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020, trong đó đảm bảo Kế hoạch chiến lược của ĐHQG-HCM phải mềm dẻo, linh hoạt, mang hơi thở của Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, ngày 20/7 ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội nghị rà soát Kế hoạch chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020 và có những chỉnh sửa.

        Bên cạnh đó, Hội đồng thống nhất thành lập Ban nghiên cứu khả thi đề án Xây dựng Trung tâm hợp tác Đại học - Doanh nghiệp; Nâng cấp Tạp chí phát triển KH&CN của ĐHQG-HCM đạt chuẩn quốc tế.

        Ngoài ra, Hội đồng ĐHQG-HCM tán thành chủ trương sáp nhập Trung tâm Đại học Pháp (PUF) vào Viện Đào tạo Quốc tế (IEI). PUF và IEI có những điểm tương đồng về loại hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ. Cả hai đơn vị đều tự đảm bảo kinh phí hoạt động, được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cả hai đơn vị cùng quản lý các chương trình đào tạo quốc tế trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác được ĐHQG-HCM ký kết với các trường đại học.

        Theo đề án, nguồn thí sinh sử dụng tiếng Pháp ngày càng ít và gây khó khăn cho việc tuyển sinh của PUF. Khi sát nhập, hai bên sẽ có cơ hội tái cấu trúc, thu gọn đầu mối đào tạo quốc tế và thêm chức năng đào tạo và cấp bằng kép cho IEI.

        Trước đó, vào tháng 4 ĐHQG-HCM đã quyết định sáp nhập Trung tâm Khảo thí tiếng Anh vào Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo.

    THÁI VIỆT

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên