Tin tức - Sự kiện

Diễn ngôn quảng cáo tiếng Việt từ góc độ phân tích diễn ngôn (so sánh với tiếng Anh) - NCS. Bùi Thị Kim Loan

  • 22/06/2020
  • Tên luận án: Diễn ngôn quảng cáo tiếng Việt từ góc độ phân tích diễn ngôn (so sánh với tiếng Anh)
    Ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
    Mã số: 62.22.02.41
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Bùi Thị Kim Loan
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Kính Thắng
    Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
    Luận án sử dụng khung lý thuyết ngữ pháp chức năng để so sánh đối chiếu diễn ngôn quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh. Luận án khảo sát 400 DNQC tiếng Việt và 400 DNQC tiếng Anh để tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt ở các bình diện như cấu trúc diễn ngôn, ngữ vực và mạch lạc của DNQC trong hai ngôn ngữ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra cả DNQC tiếng Việt và tiếng Anh đều có những đặc điểm tương đồng và khác biệt ở cả ba bình diện trên đây. Từ kết quả phân tích diễn ngôn quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh, luận án đóng góp những giá trị lý thuyết và thực tiễn cho lĩnh vực phân tích diễn ngôn quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh. Luận án cũng đưa ra những đề xuất cho việc giảng dạy ngoại ngữ có liên quan đến đề tài quảng cáo.
    + Những kết quả của luận án
    1. Về cấu trúc diễn ngôn quảng cáo, luận án đã chỉ ra những đặc điểm tương đồng và dị biệt trong cấu trúc bước thoại của DNQC tiếng Việt và tiếng Anh. Cả DNQC tiếng Việt và tiếng Anh đều sử dụng cấu trúc 10 bước thoại bao gồm Thị trường mục tiêu, Giải thích sản phẩm, Miêu tả sản phẩm, Tạo sự uy tín, Kiểm chứng, Tạo động cơ, Mẹo gây áp lực, Thu hút sự phản hồi, Tiêu đề và Khẩu hiệu/Logo. Các tiểu bước thoại được sử dụng trong từng bước thoại của DNQC tiếng Việt và tiếng Anh cũng có những điểm khác biệt. Người viết QC trong cả hai ngôn ngữ đều thiết kế bố cục trình bày từ ngữ và hình ảnh phù hợp với cách đọc và hiểu của mỗi nước, có nghĩa là có sự tương đồng trong cách xây dựng bố cục QC và cách hiểu QC về chữ viết, hình ảnh, chẳng hạn như phần hình ảnh và từ ngữ đặt ở phía trên hoặc bên trái của DNQC là thông tin cũ, còn phần hình ảnh và từ ngữ đặt ở phía dưới và bên phải của DNQC là thông tin mới.
    2. Đặc điểm ngữ vực của DNQC tiếng Việt và tiếng Anh đều có những điểm giống nhau ở bình diện từ vựng và ngữ pháp. Người viết sử dụng một lượng lớn tính từ để biểu thị nội dung QC. Bên cạnh đó, người viết QC trong cả hai ngôn ngữ phá vỡ các chuẩn mực để tạo nên sự phá cách hay lệch chuẩn nhằm tạo nên những DNQC bắt mắt, thu hút sự chú ý và thuyết phục người tiếp nhận QC mua sản phẩm hay dịch vụ.
    3. Mạch lạc trong DNQC tiếng Việt và tiếng Anh chủ yếu là mạch lạc ngoại hướng. Người viết QC trong cả hai ngôn ngữ khai thác các yếu tố bên ngoài hay phi ngôn ngữ kết hợp với ngôn ngữ để giúp tạo ra DNQC mạch lạc. Người đọc phải giải thích sự kết hợp cả yếu tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để hiểu đúng, đầy đủ về thông tin QC. Người viết QC trong cả hai ngôn ngữ chú trọng đến yếu tố văn hóa để thiết kế nội dung và hình ảnh sao cho phù hợp với văn hóa địa phương, đặc biệt với những QC có chiến lược QC toàn cầu. 
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    1. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ những lý thuyết của ngữ pháp chức năng, xác đinh hiệu quả của việc vận dụng lý thuyết này vào việc nghiên cứu, giảng dạy những đề tài có liên quan đến DNQC tiếng Việt và tiếng Anh.
    2. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp các nhà giảng dạy ngoại ngữ, người viết QC và những nhà nghiên cứu QC có thể tạo ra những mẫu QC nghệ thuật, hiệu quả và có giá trị giao tiếp cao.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên