Hội thảo

Đưa Kinh tế tuần hoàn vào giảng đường

  • 05/07/2020
  • Đó là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường tại Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm thế giới và khả năng thực hiện ở Việt Nam” được Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn ĐHQG-HCM tổ chức ngày 2/7, tại khách sạn Rex.

    Các chuyên gia trong nước và nước ngoài cũng đã thảo luận về thực trạng, xu hướng và ứng dụng của kinh tế tuần hoàn (KTTH) trên thế giới và ở Việt Nam.

    PGS.TS Nguyễn Thế Chinh trình bày tại hội thảo.

    75% sinh viên Phần Lan được học KTTH
    Ông Matti Tervo - đại diện Đại sứ quán Phần Lan (ĐSQ) cho biết, chiến lược phát triển KTTH được chính phủ Phần Lan đưa vào trường THPT từ sớm. Hiện nay có 75% sinh viên Phần Lan được học KTTH. Chính phủ Phần Lan cũng cho biên soạn cuốn sách mô tả quy trình xây dựng mô hình KTTH với các bộ công cụ đánh giá cụ thể, nhằm giúp các quốc gia khác tham khảo. Theo ông, cuốn sách khá đầy đủ thông tin và dễ hiểu nên được phổ biến rộng rãi. Sách này đang có trên mạng, người dùng toàn cầu có thể tải về.

    Ông Matti Tervo còn chia sẻ những bài học về quá trình phát triển KTTH tại Phần Lan. Đầu tiên là phải xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động và lộ trình cụ thể. Thứ hai là phải vẽ ra bức tranh hiện tại, xác định rõ yêu cầu để phát triển KTTH. Thứ ba là phải có cơ chế giám sát để theo dõi và đối sánh với quốc gia khác. Thứ tư là đầu tư vào nguồn lực, con người để thực thi. Cuối cùng cần có sự tham gia ngay từ đầu của các bên liên quan, từ người dân, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đến chính phủ…

    Giáo sư Stefano Pascucci, Đại học Exeter (Vương quốc Anh), giới thiệu về KTTH trong nông nghiệp tại châu Âu. Ông cho rằng thực hiện mô hình KTTH trong nông nghiệp chính là sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên để tái tạo phục hồi đất đai, nguồn nước và sử dụng các thành phần của hệ sinh thái một cách thông minh hiệu quả hơn.

    Ông chia sẻ một mô hình thành công về KTTH trong ngành trồng trọt và chăn nuôi. Người ta đã chế biến những phế phẩm của nhành trồng trọt thành sản phẩm đầu vào cho ngành chăn nuôi, rồi từ chất thải của ngành chăn nuôi làm thành phân bón cho ngành trồng trọt. Tuy nhiên, mô hình này nên áp dụng theo chiều ngang - mỗi cụm chuyên canh chuyên biệt và hỗ trợ nhau chứ không phải theo chiều dọc là trồng trọt và chăn nuôi trong cùng một vùng. Các vùng chuyên trồng trọt hoặc chuyên chăn nuôi có thể kết nối với nhau theo chuỗi lớn để trụ vững trước cú sốc về môi trường.

    Việt Nam đã có những biểu hiện của KTTH
    PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh rằng KTTH chính là giải pháp cho vấn đề khan hiếm tài nguyên và bảo vệ môi trường trọn vẹn nhất hiện nay. “Trong những năm qua, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu và đi tìm câu trả lời đó là thay đổi cách nhìn và quan niệm từ tài nguyên đầu vào. Bản chất của KTTH là thay vì kết thúc vòng đời phát thải thì nguyên liệu sẽ quay vòng khép kín” - PGS.TS Chinh chia sẻ.

    Ông Chính cho biết, ở Đức, khí thải CO2 được thu gom và bán lại cho Cocacola hay ở Nhật, khí thải CO2 dùng để nuôi cây trồng trong vườn hoa quả. “Cái khó nhất là khí thải mà các nước tiên tiến đã tận dụng được. Vậy những cái đơn giản ở Việt Nam, như rác chẳng hạn, chúng ta cũng có thể làm được” - ông bình luận.  

    Việt Nam cũng cần áp dụng KTTH để để giải quyết bài toán kinh tế khó. Bảo vệ môi trường chỉ cần không cần thải ra, không cần đào bới thiên nhiên và đưa rác thải trở về bằng 0. Ở Việt Nam, nếu áp dụng KTTH tại 4 khu công nghiệp Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng thì đã có thể tiết kiệm được 6,5 triệu USD mỗi năm.

    Ông Chinh cho rằng Việt Nam nên thay đổi các thiết kế để có được KTTH: “Đơn cử mô hình Vườn - Ao - Chuồng, cũng là một dạng KTTH nhưng nếu áp dụng phải tính toán thêm nước thải nuôi cá sẽ đi lên ruộng vườn và lọc ra sao. Vậy thiết kế ban đầu của mô hình KTTH rất quan trọng. Nó giúp kéo dài tuổi thọ sản phẩm hoặc để sản phẩm đó là đầu vào cho một sản phẩm khác”.

    Tại Việt Nam có biểu hiện của KTTH nhưng việc tái sử dụng chưa triệt để và công nghệ tái chế còn lạc hậu. Nguyên nhân từ thiết kế cũ đã không tận dụng được tài nguyên, chưa có đầy đủ vòng tuần hoàn.

    Đại diện PRO Việt Nam chia sẻ trong hội thảo.

    Nói về rác thải, tái chế, Ông Lảurent Levan -  Tổng Giám đốc Công ty URC Việt Nam, Đại diện PRO - Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, cho biết nhựa là nguyên liệu sử dụng nhiều nhất trên thế giới nhưng không được tái chế hoàn toàn. Khoảng 10 triệu tấn nhựa rác thải ra đại dương mỗi năm và chỉ có 9% thu hồi tái chế. Ngay các quốc gia đã phát triển cũng chỉ thu gom được 30%. Nếu tái chế tăng lên sẽ giảm được tác động tới môi trường.

    Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn nhựa rác đưa ra môi trường tự nhiên mỗi năm và ⅓ trong số đó là không thể tự phân hủy. “Từ góc nhìn của doanh nghiệp, chúng tôi muốn hành động cho Việt Nam sạch hơn, thúc đẩy KTTH trong sản xuất bao bì tái chế nhanh và hiệu quả, bền vững hơn. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030, sản phẩm của PRO Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế hoàn toàn” - ông Lavan phát biểu. 

    BTC trao hoa cảm ơn các diễn giả.

    Bài, ảnh: THÁI VIỆT

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên