Tin tổng hợp

GS Nguyễn Thanh Nam: Cơ khí đem đến nguồn cảm hứng nghiên cứu

  • 12/11/2015
  • GS Nguyễn Thanh Nam (Trưởng ban KHCN, ĐHQG-HCM) gắn bó bền bỉ với NCKH gần 30 năm. Ông là cũng người tâm huyết tham gia gầy dựng nhiều phòng thí nghiệm của ĐHQG-HCM ngày nay.

    Tôi đã chọn nghiên cứu 
        GS Nam kể, năm 1977, ông dự thi vào Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và đạt điểm cao; nhờ đó, ông được Nhà nước cử đi học đại học tại Bulgaria. Cuối năm 1984, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc Trường ĐH Kỹ thuật Sofia, ông trở về Việt Nam và làm việc tại Nhà máy Cơ khí Cao su của Tổng cục Cao su Việt Nam. Đến đầu năm 1986 ông về công tác tại Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, quá trình làm NCKH của ông bắt đầu từ đó.
     
        Chia sẻ về con đường giảng dạy, nghiên cứu của mình, GS Nam cho biết: “Khi còn học ở Sofia, tôi đã theo thầy tập làm NCKH rồi làm luận văn tốt nghiệp. Bản thân tôi cảm thấy thích thú. Vì thế, khi trở về Việt Nam, tôi muốn tiếp tục con đường này, và Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM là nơi thích hợp nhất với tôi”.
     
        Sau hai năm giảng dạy tại Trường ĐH Bách Khoa, ông quay lại Bulgaria thông qua con đường quản lý lao động để hoàn thành luận án tiến sĩ. Tới năm 1991, sau khi nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật, một lần nữa ông quay về công tác, giảng dạy tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM.
     
        Từ đó đến nay, ông là cán bộ giảng dạy của Bộ môn Thiết kế máy. “Các nghiên cứu về thiết kế và phát triển sản phẩm cơ khí là nguồn cảm hứng nghiên cứu của tôi; đôi khi thói quen nghề nghiệp này đâu đó cũng len lỏi vào hoạt động quản lý KHCN của mình”, GS Nam tâm sự.
     
    Hình thành văn hóa NCKH
        Trong gần 30 năm lao động và cống hiến, dù đảm trách nhiều vị trí và công việc khác nhau, nhưng GS Nguyễn Thanh Nam luôn gắn bó với các hoạt động KHCN. Sau khi làm việc tại Khoa Cơ khí, ông chuyển sang làm quản lý tại Trung tâm Thiết kế Vi mạch ICDREC (ĐHQG-HCM), Khu Công nghệ Phần mềm và giờ là Trưởng ban KHCN ĐHQG. Trong quá trình công tác, GS Nam luôn trăn trở về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
     
        Nói về những tâm đắc của mình, GS Nam cho biết: “Trong thời gian qua, ĐHQG-HCM đã hình thành hệ thống các phòng thí nghiệm, làm cơ sở cho hoạt động nghiên cứu. Ngoài ra mảng KHCN của ĐHQG-HCM còn định dạng các nhóm nghiên cứu tiềm năng, xây dựng các hướng nghiên cứu mới, liên ngành, đẩy mạnh hoạt động NCKH trong cán bộ trẻ. Đó là những tiền đề của NCKH”.
     
        Nhờ đó, hoạt động NCKH đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, nhất là các đề tài, dự án phục vụ cộng đồng. Các công bố khoa học, số lượng bài báo quốc tế, các tài sản trí tuệ được tăng lên rõ rệt trong thời gian gần đây. Năm 2010 ĐHQG-HCM có 203 bài báo quốc tế, đến tháng 10/2014 tăng lên 320 bài.
     
        Tuy nhiên, theo GS Nam hoạt động KH&CN của ĐHQG-HCM cũng bộc lộ hạn chế như các hoạt động nghiên cứu còn phân tán, thiếu chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là văn hóa trong hoạt động NCKH và tổ chức hoạt động NCKH còn yếu.
     
        Là người đứng đầu mảng KHCN của ĐHQG-HCM, GS Nam luôn trăn trở vấn đề là làm sao cho hoạt động NCKH phải gắn liền với nhu cầu của xã hội, đầu tư kinh phí cho nghiên cứu phải thật sự tương xứng và hiệu quả, các sản phẩm nghiên cứu phải được xã hội chấp nhận, được thị trường hóa.

    GS Nguyễn Thanh Nam. Ảnh: Thái Việt


    Tôi phải làm những gì tôi đã bảo vệ
        Mỗi chúng ta đều có một người thầy của riêng mình. Với tôi, người thầy ấy là GS.TSKH Ivan Slaveikov Antonov. GS Antonov là người đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu học làm nghiên cứu khoa học, hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học, rồi hướng dẫn luận án tiến sĩ. Đến nay dù tuổi cao nhưng thầy vẫn dõi theo sự tiến bộ của tôi; gặp gỡ, nhắc nhở, dặn dò tôi mỗi lần tôi sang dự hội nghị khoa học. Học trò cũng là nguồn động lực buộc mình phải luôn cập nhật kiến thức và mỗi học trò đều để lại trong tôi một dấu ấn.

        Được công nhận chức danh giáo sư, với tôi mới chỉ là khởi đầu, hoàn thành nhiệm vụ chức danh đó là công việc phải làm trong thời gian tới. Tôi phải làm những gì tôi đã bảo vệ trước các hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư của tôi. Để phát triển nhanh và bền vững, theo tôi sáng tạo và hiệu quả là hai vấn đề rất quan trọng. 


    Thái Việt

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên