Giáo dục 4.0

Hội thảo phương pháp giảng dạy trực tuyến hiệu quả

  • 15/12/2020
  • Nhằm đánh giá hiệu quả và cải tiến chất lượng đào tạo giảng dạy theo phương thức trực tuyến tại ĐHQG-HCM cũng như định hướng cho hoạt động đào tạo đại học trong giai đoạn tới, ngày 02/10/2020 tại Phòng họp 512 Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Ban Điều hành Đề án GD 4.0 đã tổ chức thành công Hội thảo “Phương pháp giảng dạy trực tuyến hiệu quả”

    Trong hình thái dạy và học mới của dạy học trực tuyến, công nghệ đã góp phần vào nâng cao tính linh hoạt của việc học và đảm bảo duy trì hoạt động giáo dục, góp phần cho việc thực hiện kế hoạch năm học trong khung thời gian cho phép. Tuy vậy, hoạt động dạy học trực tuyến vừa qua cũng đã cho các đơn vị thấy một số khiếm khuyết của giáo dục trực tuyến ở Việt Nam. Giảng viên và sinh viên chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang học tập trực tuyến, cả về phương pháp cũng như tư duy.

     

    TS. Nguyễn Tấn Đại, Nghiên cứu viên LISEC, ĐH Strasbourg, Pháp khẳng định: “Đối với giảng dạy truyền thống, giảng viên có thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của người học trên lớp vì không gian bị giới hạn, đồng thời có thể tương tác trực tiếp nhiều hơn với sinh viên. Khi đưa mô hình giảng dạy này lên máy tính từ xa, toàn bộ không gian bị thu hẹp lại trong 01 màn hình, giảng viên sẽ mất hết toàn bộ các góc quan sát. Tuy nhiên, video conference vẫn cần thiết vì sinh viên vẫn có sự tương tác với giảng viên và giúp giải quyết các vấn đề khác như: thay vì giảng bài trong 03 tiết, giảng viên chỉ cần gặp sinh viên trong vòng 45-60 phút để giải quyết được những vấn đề mà sinh viên không thể tự học được trên mạng giúp cho việc học trở nên hiệu quả hơn.

     

    Thông qua các chia sẻ từ các diễn giả trong Hội thảo, giữa yếu tố con người và yếu tố công nghệ thì yếu tố con người mới là trung tâm của quá trình dạy học. “Đối với việc dạy học trực tuyến hay trực tiếp, các chiến lược mà chúng ta đưa vào trong thiết kế, tổ chức, triển khai, quản lý hoạt động trực tuyến cần phải xoay quanh yếu tố con người, đáp ứng nhu cầu/lợi ích của con người.” – TS. Nguyễn Thị Hảo, Quyền Trưởng ban Đại học cho biết.

     

    Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá rất cao tinh thần nhiệt tình đóng góp, chia sẻ của các trường và sự tham gia đầy đủ của các đơn vị thành viên, trực thuộc trong buổi Hội thảo cũng như đề nghị các đơn vị phác thảo ý tưởng ban đầu về mô hình đại học chia sẻ, trong đó có 01 chương trình đột phá về phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế và 01 chương trình về mô hình đại học chia sẻ.

    Thông qua các báo cáo tham luận và trao đổi của diễn giả, Hội thảo đã giúp các trường trong và ngoài ĐHQG-HCM đánh giá hiệu quả về triển khai giảng dạy theo phương thức trực tuyến. Các đại biểu tham dự đánh giá cao về nội dung của Hội thảo và những chia sẻ kinh nghiệm thực tế triển khai tại các trường trong, ngoài hệ thống ĐHQG-HCM.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên