Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Lan tỏa tình yêu thoại kịch cho sinh viên

  • 09/10/2019
  • Ra đời vào năm 2014, Không gian kịch nói sinh viên của Đội kịch CKT - CLB Văn nghệ Xung kích CKT, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đã tạo một sân chơi mới lạ khi mang nghệ thuật thoại kịch đến gần sinh viên hơn.

    Từ những vở diễn miễn phí ban đầu với vài chục sinh viên đến xem, đến nay Không gian kịch nói sinh viên đã dàn dựng những vở kịch bán vé, thu hút hàng trăm sinh viên từ các trường ở TP.HCM đến thưởng thức.

    Một phân cảnh của vở diễn Khúc ca dao mùa trẻ của Không gian kịch nói sinh viên lần 6. Nguồn: Đội kịch CKT

    6 vở kịch, 21 đêm diễn

    Theo ThS Hồ Khánh Vân - Phó Trưởng khoa Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, xuất phát từ những buổi thực hành trong môn Tác phẩm và loại thể do cô phụ trách, Tấm và Hoàng hậu đã được thành hình từ đây. Vở kịch do sinh viên Bùi Thiên Huân làm đạo diễn, Nguyễn Tiến Phát viết kịch bản dựa trên truyện cực ngắn Tấm khóc, Bụt hiện ra của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. Vở kịch được dàn dựng trong phòng học với sức chứa tầm 150 khán giả. “Vở diễn khá ấn tượng và bật lên tiềm năng nghệ thuật của các bạn sinh viên, lan truyền cảm hứng và thôi thúc các bạn quyết định thành lập Đội kịch CKT cũng như Không gian kịch nói sinh viên” - ThS Hồ Khánh Vân chia sẻ.

    Mùa hè năm 2014, Không gian kịch nói sinh viên được thành lập và trình làng vở diễn đầu tiên mang tên Tấm và Hoàng hậu với mong muốn mang lại giá trị tinh thần mới mẻ và đầy tính nhân văn cho cộng đồng.

    “Mặc dù còn nhiều điểm cần điều chỉnh về kịch bản, lời thoại, cách diễn nhưng nhìn chung đây là vở kịch có chất lượng thực sự. Tôi rất ngưỡng mộ những người trẻ trong đội kịch bởi họ đã dũng cảm biến tình yêu của họ thành hành động, dựng nên một không gian kịch nói để hoạt động nghệ thuật và truyền cảm hứng đến những người cùng thế hệ, cùng sở thích” - ThS Khánh Vân đánh giá.

    Nói về cơ duyên xuất hiện Không gian kịch nói sinh viên, Bùi Thiên Huân - cựu Đội trưởng Đội kịch CKT chia sẻ: “Đến năm III đại học, mình được tín nhiệm giao làm đội trưởng đội kịch CKT. Bấy giờ mình cùng một người bạn trong đội ấp ủ dự án sân khấu kịch dành cho sinh viên. Vì mình và các bạn cùng nhận thấy kịch ở các sân khấu thường diễn ở trung tâm, khó khăn cho việc đi lại của sinh viên, lại diễn khuya, và nhất là giá vé hơi cao nên tụi mình muốn có một sân chơi phù hợp cho giới trẻ học đường. Vậy là Không gian kịch nói sinh viên ra đời”.

    Tấm và Hoàng hậu là thể kịch cổ trang, lấy bối cảnh cung đình nên đòi hỏi trang phục có tính riêng biệt. Bùi Thiên Huân và Nguyễn Tiến Phát (người đồng sáng lập dự án) đã cùng nhau tìm hiểu về phục trang sân khấu cổ Việt Nam, kết hợp phục trang người Việt trong lịch sử để lên ý tưởng cho trang phục của vở. “Ngày đó, hai đứa mỗi ngày ra Chợ Lớn lựa vải, mua vải, rồi về nhờ mẹ mình may. Cuối cùng cũng tạm cho ra được một set phục trang coi được” - Thiên Huân cho biết.

    Sau 5 năm, Không gian kịch nói sinh viên đã trải qua 21 đêm diễn với 6 vở dài làm nên tên tuổi của Đội kịch CKT: Tấm và Hoàng hậu, Hạc huyết - Tấm vải câm, Khúc ca dao mùa trẻ, Sông nuốt người, Những đứa  trẻ trong nhauHoàng Tự. Mỗi vở diễn trong gần 3 tiếng, tương đương các vở trên sân khấu chuyên nghiệp Sài Gòn. Đặc biệt, kịch bản Tấm và hoàng hậu đã được NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành 1.000 bản vào đầu năm 2019. Không gian kịch nói sinh viên cũng trình diễn các vở ngắn tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, đêm ra quân Xuân tình nguyện của trường để phục vụ sinh viên nhiều hơn.

    Sinh viên xếp hàng mua vé xem kịch của Đội kịch CKT. Nguồn: Đội kịch CKT

    Chịu lỗ để làm kịch

    Chia sẻ về những khó khăn mà Không gian kịch nói sinh viên đã trải qua, sinh viên Trần Phước Thiện - cựu Đội trưởng Đội kịch CKT, cho biết khán giả dành cảm tình cho điện ảnh nhiều hơn thoại kịch nên đòi hỏi Không gian kịch nói sinh viên đầu tư chỉn chu về khâu kịch bản và dàn dựng.

    Phước Thiện chia sẻ: “Chi phí cho một kỳ Không gian kịch nói sinh viên là rất lớn, có khi lên đến gần 100 triệu đồng. Tụi mình chỉ bán 80.000 đồng cho vé thường và 50.000 đồng cho vé sinh viên nên hầu như vở nào tụi mình cũng chịu lỗ. Hơn nữa, tụi mình đứa đi học, đứa đi làm nên phải cố gắng lắm mới có thể tập hợp lại để hoàn thành một kỳ Không gian kịch nói sinh viên trọn vẹn”.

    Phước Thiện cho biết nhiều vở thành công với sự tham gia của gần 20 diễn viên, bán được 1.200 vé và diễn 3 suất liên tục Sông nuốt người, Hoàng Tự.

    Nhìn lại hành trình của Không gian kịch nói sinh viên, Huân bày tỏ: “Đi được cùng nhau tới đây, thấy mọi thứ đi qua rất nhẹ nhàng nhưng bình tâm nhìn kỹ thì quả đáng giật mình. Vì nhiêu đó con người thuộc các khoa khác nhau, không ai giống ai nhưng cứ hễ làm kịch là xúm lại với nhau. Xích mích, hờn giận, tan đàn xẻ nghé đều có hết; rồi lại làm lành, lại gắn kết, yêu thương nhau vượt qua mọi thử thách để tồn tại đến hôm nay”.

    Loại hình nghệ thuật nào cũng sẽ chết nếu không có công chúng của mình. Sinh viên Hoàng Bảo - Khoa Văn Học, cho biết : “Tôi chưa từng bỏ sót vở diễn nào của đội. Hai vở diễn làm tôi ấn tượng nhất là Tấm và Hoàng hậuSông nuốt người. Vì đây là các kịch bản được cảm tác từ tác phẩm văn học yêu thích của mình”.

    Còn bạn Lý Hoàng Ý Như mê cách diễn trẻ trung, sáng tạo của các diễn viên - sinh viên. Các bạn đều nhập sâu vào nhân vật và diễn hết mình, chẳng kém gì các diễn viên chuyên nghiệp: “Họ tin vào nhân vật của mình, thổi hồn vào đó, nên nó rất thật, rất tình”.

    NGỌC THẢO - HOÀNG AN (Bản tin ĐHQG-HCM số 196)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên