Tin tổng hợp

Người viết tiếp “cuộc đời” cho tư liệu Hán Nôm

  • 19/10/2020
  • Là cựu sinh viên thuộc Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, chàng trai 8X Bùi Tiến Phúc đã dành 10 năm tìm tòi, nghiên cứu để trở thành “bác sĩ sách” phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm.

    Bén duyên từ những năm đầu đại học, Bùi Tiến Phúc đã có thời gian sưu tầm và nghiên cứu các văn bản, tài liệu Hán Nôm xưa cũ cùng các thầy cô trong khoa. Tiến Phúc cho biết nhờ những ngày dài vùi mình trong thư viện, phòng nghiên cứu ngôn ngữ ở đại học, anh đã tìm được thế giới mình yêu thích, dù đôi lần nhìn đi ngoảnh lại, vùng đất đó thật vắng những người trẻ có thể đồng hành cùng anh.

    Nhìn những cuốn sách Hán Nôm cổ như một “kho báu” đã bị thời gian làm cho hoen cũ, Bùi Tiến Phúc càng hiểu được giá trị văn hóa xưa mà cha ông để lại cần được gìn giữ và bảo tồn cho đời sau.

    Anh cho biết mình đã dành thời gian dài ở Việt Nam để nghiên cứu, thực tập, nhưng như thế chưa đủ, anh quyết định rèn nghề chuyên sâu trong thời gian du học ngành Bảo tồn và Phát huy Di sản Văn hóa ở Đài Loan. Sau đó anh trở lại quê nhà thành lập Hán Nôm Đường và tiếp tục công việc “viết tiếp” cuộc đời cho những trang giấy cũ cùng người vợ người Đài Loan. Anh tâm sự: “Hán Nôm đã kết nối hai con người, mang hai dòng máu nhưng chung một tình yêu tư liệu cổ, nó đã khiến tôi không còn cô độc trong hành trình dài này nữa”.

    Trong tương lai, Bùi Tiến Phúc sẽ phát triển Hán Nôm Đường thành “bệnh viện sách” và truyền nghề cho những người có đam mê với công việc này.

    Anh Bùi Tiến Phúc (31 tuổi, chủ nhân Hán Nôm Đường) ngắm nghía lại một trang sách vừa được phục chế cho khách từ bản cũ bị ố màu và rách góc.
    Một tấm bia được sao in nguyên bản trên giấy dó được bọc gói cẩn thận.
    Vết nứt từ hiện vật (tấm bia) trong quá trình rập văn bia vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn trên giấy để đảm bảo công tác sao lưu chính xác, hoàn hảo.
    Anh Phúc cùng vợ Trần Bội Tuyền (29 tuổi, Đài Loan) đang dán keo để bồi giấy dó bảo quản cho tư liệu. Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng đường quét keo.
    Một trong những bước đầu tiên phục chế tư liệu. Trong ảnh, đây là công đoạn nối những tờ giấy được rập từ bia mộ và văn bia ở khắp các tỉnh thành do phòng Nghiên cứu Tư liệu Hán Nôm thuộc khoa Văn học Trường ĐHKHXH&NV giao anh Phúc làm - để có thành quả là một tấm bia phiên bản trên giấy hoàn chỉnh với kích cỡ, tỷ lệ y như thật.
    Những trang sách Hán Nôm cũ khoác lên màu áo mới dưới bàn tay của Bùi Tiến Phúc.

     

    HOÀNG AN (Bản tin ĐHQG-HCM số 202)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên