Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Tận dụng thời gian nghỉ dịch, nhóm sinh viên trẻ “ôm” giải thưởng Google

  • 21/08/2020
  • Thời điểm diễn ra cuộc thi Solution Challenge 2020 trùng với giai đoạn đất nước thực hiện giãn cách xã hội. Nhịp sống chậm lại, mọi công việc tưởng chừng như bị đảo lộn, thế nhưng nhóm sinh viên trẻ của Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM tận dụng khoảng thời gian ở nhà nghỉ dịch COVID-19 để tạo nên ứng dụng hỗ trợ tâm lý Shareapy.

    Bốn sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM giành chiến thắng cuộc thi Solution Challenge 2020. Ảnh: THY HUYỀN

    Vượt qua hơn 800 trường đại học từ 60 quốc gia, ứng dụng Shareapy đã mang về giải thưởng lớn và giúp nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa trở thành những người đầu tiên của Việt Nam chiến thắng cuộc thi này.

    Dự án chăm sóc tinh thần

     

    Mất 4 tháng để trình làng đứa con tinh thần của mình - Shareapy tại cuộc thi Solution Challenge. bốn bạn sinh viên thuộc Trường ĐH Bách Khoa là Võ Ngọc Khánh Linh (trưởng nhóm, K2018 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp), Trần Lâm Bảo Khang (K2018 chương trình chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp), Nguyễn Thành Nhân (K2018 chương trình Tài năng, ngành Khoa học Máy tính), Nguyễn Đăng Huy (K2017 chương trình đại trà, ngành Khoa học Máy tính) đã chinh phục được các kỹ sư công nghệ của hãng Google bằng chiến thắng top 10 chung cuộc qua dự án với mục tiêu chăm sóc tinh thần cho xã hội. Theo các bạn trẻ, giá trị của Shareapy ở chỗ đây là dự án đã đặt lên bàn cân so sánh tính quan trọng của thế giới bên trong mỗi cá thể song song với đời sống vật chất hằng ngày của con người.

     

    Xuất phát điểm là dự án chăm sóc tinh thần, người dùng sẽ nhận diện app qua cái tên đầu tiên, vì thế Shareapy chứa đựng những thông điệp mà chủ nhân muốn xây dựng và truyền tải. Giải mã về tên ứng dụng, bạn Khánh Linh bật mí: “Ý tưởng thành lập Shareapy xuất phát từ nhu cầu của chính em và những người gần gũi xung quanh, còn hình thức ‘Nhóm hỗ trợ’ được khơi nguồn cảm hứng từ các phim điện ảnh, truyền hình nước ngoài. Shareapy được ghép từ chữ Share (chia sẻ) và Therapy (trị liệu). Đó cũng là ý nghĩa của ứng dụng, lấy việc lắng nghe và chia sẻ làm giải pháp trị liệu tâm lý cho xã hội”.

     

    Quá trình tạo ra Shareapy trùng với thời điểm xã hội đang thực hiện giãn cách, vì thế nhóm phát minh đã gặp nhiều thử thách khi không thể làm việc trực tiếp với nhau như việc lên ý tưởng rất khó để truyền đạt được đúng ý của mình, cũng như việc minh họa, phác thảo cũng tốn nhiều công đoạn hơn vì từng người phải làm riêng lẻ rồi gộp lại thành ý tưởng hoàn chỉnh…

     

    “Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn đó, mỗi thành viên đều nhận ra được sức mạnh của tinh thần sẻ chia và đoàn kết. Nhờ sự động viên nhau liên tục, nhóm đã ‘khai sinh’ thành công đứa con đầu đời của mình” - thành viên Bảo Khang tâm sự.

     

    4 tháng, tưởng dài nhưng lại ngắn, là sinh viên nên các bạn phải phân bố thời gian, sức lực để cân bằng việc học và hoàn thành sản phẩm dự thi đúng thời hạn. Mô tả các giai đoạn thực hiện dự án, trưởng nhóm Khánh Linh cho biết, đầu tiên, nhóm phải tìm hiểu vấn đề của xã hội, lên ý tưởng cho giải pháp của vấn đề đó. Giai đoạn này được rút ngắn do nhóm đã có ý tưởng từ trước. Tiếp đến nhóm bắt đầu phác thảo và chọn ra phiên bản tối ưu nhất để dựng prototype. Đến bước này, các bạn tách ra thành hai nhóm, một nhóm thiết kế UI/UX, làm prototype và một nhóm bắt tay vào code. Sau khi có bản MVP của prototype, nhóm đi test với người dùng lần một, chỉnh sửa và tiếp tục cho tới khi UI/UX hoàn thiện. Bước cuối cùng là sau khi làm ra sản phẩm sử dụng được, nhóm mang đi test và lấy feedback, chỉnh sửa rồi làm báo cáo nộp sản phẩm.

     

    Nhớ lại thời gian đầu làm Shareapy, Linh bật cười kể: “Khó khăn lớn nhất của em là không có kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực công nghệ thông tin, khoảng thời gian ấy thật khó quên khi phải vừa tự mò tự làm frontend phụ bạn Nhân trên Android Studio, trong khi kiến thức về coding là bằng 0”.

     

    Trau chuốt để khác biệt

     

    Ngoài hức năng phụ là chia sẻ cảm xúc một chiều, app còn chức năng chính là “Nhóm hỗ trợ online”. Hình thức này chưa được phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên ở các nước phát triển, đây là một hình thức hỗ trợ và chữa trị tâm lý rất hiệu quả nhờ vào giá trị cốt lõi ở việc người tham gia được lắng nghe và chia sẻ với những người có cùng hoàn cảnh với mình. Đồng thời, họ ít tốn kém chi phí khi so với việc đi gặp các chuyên gia, bác sĩ tâm lý và giảm thiểu tối đa vấn đề phân biệt đối xử khi chia sẻ với những người xung quanh.

     

    Nhóm quan niệm rằng cuộc sống khoẻ mạnh không chỉ cần sức khoẻ về thể chất mà còn sức khoẻ tinh thần. Shareapy được kỳ vọng sẽ mang đến sự nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cũng như cung cấp một giải pháp hỗ trợ không tốn kém, gần gũi, lành mạnh và hiệu quả cho cộng đồng Việt Nam.

     

    Khi “đứa con” Shareapy được hoàn thiện các thành viên hy vọng nó sẽ được xã hội đón nhận, sử dụng và phản hồi để các bạn có thể càng ngày càng đưa ra được phiên bản tốt hơn, hữu ích hơn và giúp đỡ được nhiều người hơn. Hiện tại các thành viên đang cố gắng hoàn thiện các chức năng còn thiếu cũng như tiếp tục kiểm tra và chỉnh sửa sao cho phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.

    Nhóm cũng đang tìm kiếm thêm các quỹ đầu tư các các dự án công nghệ, cũng như các cuộc thi để đưa Shareapy đến gần hơn với người dùng. Dù các ứng dụng hỗ trợ có khả quan như thế nào thì cũng cần điểm khác biệt để có thể tồn tại lâu dài trên thị trường ứng dụng ở CH Play và Appstore. “Hiện tại thì chưa có ứng dụng hỗ trợ sức khoẻ tâm lý theo hình thức Digitized Support Group như Shareapy nên tụi mình tin đó là điểm mạnh lớn nhất” - trưởng nhóm Khánh Linh tự hào về sản phẩm của mình.

    Đoạt giải thưởng uy tín của Google, các bạn cho biết mình còn tự tích lũy được những kinh nghiệm quý giá sau 4 tháng chạy đua với thời gian. Các bạn chia sẻ bài học lớn nhất đối với họ là quản lý thời gian thật tốt, đừng để thời gian chết. Ngoài ra, phải luôn nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ các khía cạnh của vấn đề, một sự trau chuốt nhỏ cũng có thể tạo nên kết quả khác biệt.

    Solution Challenge là cuộc thi thường niên do cộng đồng Developer Student Clubs (DSC) tổ chức, với sự hậu thuẫn từ hãng công nghệ hàng đầu thế giới Google. Cuộc thi nhằm tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm nền tảng của Google.

     

    HOÀI THƯƠNG - HOÀNG AN (Bản tin ĐHQG-HCM số 201)

     

     

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên