Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam - NCS. Nguyễn Quế Diệu

  • 06/05/2020
  • - Tên luận án: “Tư tưởng đạo đức trong cao dao, tục ngữ Việt Nam”

    - Chuyên ngành: Triết học  
    - Mã số: 62.22.03.01 
    - Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Quế Diệu
    - Người hướng dẫn khoa học:     TS. Hồ Anh Dũng, TS. Thân Ngọc Anh
    - Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,  Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án 
    Ca dao, tục ngữ Việt Nam là một bộ phận của văn học dân gian mà nội dung của nó chứa đựng các quan điểm, tư tưởng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: văn hóa, đạo đức, lối sống… của con người Việt Nam. Trong đó, tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, hướng đến các giá trị đạo đức tốt đẹp, tránh xa cái ác, cái xấu nhằm xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 
    Quá trình dựng nước và giữ nước đã góp phần to lớn trong việc hình thành những giá trị tích cực ở người Việt, đó là: chịu thương, chịu khó, kiên trì, nhẫn nại, cần cù, tiết kiệm cũng như yêu nước, thương nòi, kiên cường, bất khuất, đoàn kết, tự lực, tự cường…. Người Việt coi những ai yêu nước, sống có nghĩa, có tình, trung thực, cần cù, tiết kiệm… là người tốt, người có đạo đức. Ngược lại, ai phản quốc, hèn nhát, lười biếng, hoang phí… là kẻ xấu, kẻ phi đạo đức. Chính vì vậy, tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam chịu sự quy định, tác động từ điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc Việt Nam.
    Tư tưởng đạo đức nổi bật trong ca dao, tục ngữ Việt Nam chính là tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân - nghĩa cũng như tinh thần đoàn kết và các đức tính trung thực, cần cù, tiết kiệm. Đó là những câu ca dao, tục ngữ chứa đựng các nội dung về tình yêu, về ý chí của nhân dân ta trong xây dựng, bảo vệ đất nước; về lòng thương yêu giữa con người với con người, về hành động vì lẽ phải, phù hợp với truyền thống, đạo lý hay về tinh thần đoàn kết và các đức tính trung thực, cần cù, tiết kiệm của con người Việt Nam. Thông qua đó, nó giúp con người nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, hướng đến các giá trị đạo đức tốt đẹp, tránh xa cái ác, cái xấu nhằm xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 
    Tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam thể hiện tính khái quát, tính giản dị nhưng rất sâu sắc, tính đại chúng và tính nhân văn. Chính vì vậy, nó góp phần nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi cũng như giáo dục con người ngày càng hoàn thiện mình theo các yêu cầu, chuẩn mực đạo đức mà xã hội đặt ra. Bên cạnh đó, tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định, đó là: Nó mới chỉ dừng lại ở ý thức thông thường và tâm lý xã hội, chưa đạt tới cấp độ lý luận hay tính khái quát của nó chỉ mới ở trình độ thấp, chỉ mang tính chất cổ động, khuyến khích con người thực hiện cũng như chịu sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng phong kiến và mới chỉ chỉ truyền tải những giá trị, chuẩn mực truyền thống, không đủ để xây dựng nền đạo đức mới – đạo đức cách mạng.
    Trong giai đoạn hiện nay, khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, bên cạnh việc thuận lợi trong công tác sưu tầm, lưu giữ cũng như khai thác các nội dung bên trong của ca dao, tục ngữ, thì việc sử dụng ca dao, tục ngữ để giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ mang những ý nghĩa tích cực, nhất là trong giáo dục lòng yêu nước, lòng thương yêu, bao dung, vị tha hay tinh thần đoàn kết và các đức tính trung thực, cần cù, tiết kiệm….
    2. Những kết quả mới của luận án
    Một là, luận án đã luận giải, phân tích một cách có hệ thống những điều kiện hình thành, các nội dung, đặc điểm cơ bản của tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam. 
    Hai là, luận án đã đánh giá về mặt giá trị và hạn chế của tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng như rút ra ý nghĩa đối với vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Qua sự trình bày có hệ thống những điều kiện hình thành, các nội dung, đặc điểm cơ bản của tư tưởng đạo đức trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, luận án đã đánh giá được giá trị, hạn chế của nó và rút ra ý nghĩa đối với vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần củng cố, lưu giữ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và nghiên cứu giảng dạy về tư tưởng Việt Nam nói chung và tư tưởng đạo đức của người Việt nói riêng.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên