Sau đại học

Văn hóa ứng xử với thiên nhiên qua không gian ở của người Việt - NCS. Võ Thị Thu Thủy

  • 25/11/2013
  • Ngành: Văn hóa học.
    Mã số: 62.31.70.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Võ Thị Thu Thủy
    Người hướng dẫn khoa học: GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính
    Cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM.

    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Nghiên cứu văn hóa giao tiếp với thiên nhiên qua không gian ở của người Việt như một tiểu văn hóa (sub-culture), bao gồm 3 thành tố có quan hệ hữu cơ: (1) văn hóa nhận thức (2) văn hóa tổ chức (3) văn hóa ứng xử. Nhận thức của người Việt về môi trường thiên nhiên, xã hội, về môi trường cư trú ảnh hưởng đến cách thức người Việt tổ chức và ứng xử với thiên nhiên trong không gian ở. Phương pháp nghiên cứu liên ngành và phương pháp quan sát tham dự và phỏng vấn sâu thực hiện khảo sát bằng bản mẫu hỏi ghi và vẽ ghi, chụp ảnh hiện trạng gần 50 nhà ở truyền thống tại một số địa phương: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Đồng Nai, Cà Mau, từ đó đánh giá khách quan thực trạng ứng xử với thiên nhiên qua không gian ở truyền thống của người Việt còn hiện hữu  cuối thế kỷ XIX đến thời điểm khảo sát. Đây là giai đoạn kiến trúc Việt Nam chuyển dần sang hiện đại và còn tồn tại khá nhiều kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc. Phương pháp Tổng hợp và phân tích, phương pháp so sánh để làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong ứng xử với thiên nhiên qua không gian ở ba miền.
    Chương 1: Cơ sở lý thuyết và hướng tiếp cận văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Việt, sau khi xác lập khung lý thuyết và hướng tiếp cận nghiên cứu, luận án khái quát đặc điểm của thiên nhiên Việt Nam, các yếu tố lịch sử - kinh tế - xã hội, các yếu tố tác động đến văn hóa nhận thức và ứng xử với thiên nhiên của người Việt.  
    Chương 2: Văn hóa ứng xử qua yếu tố thiên nhiên trong không gian ở truyền thống các vùng miền. Vận dụng khung lý thuyết ở chương 1 để khảo sát và phân tích một số không gian ở truyền thống tiêu biểu của ba miền, các yếu tố thiên nhiên tự nhiên và thiên nhiên nhân tạo, qua đó phản ánh những sắc thái đa dạng trong diện mạo kiến trúc truyền thống bởi những khác biệt về văn hóa, tư duy, phong tục tập quán sinh hoạt… của cư dân.  
    Chương 3: Nhận diện đặc trưng Văn hóa ứng xử với thiên nhiên từ việc nghiên cứu không gian ở của người Việt. Đó là khai thác và tận dụng tiểm năng thiên nhiên sẵn có về vật chất và tinh thần. Thích ứng, bổ khuyết và chế ngự những hạn chế của thiên nhiên bằng nhiều giải pháp kể cả thông qua yếu tố tín ngưỡng và tâm linh. Từ đó đúc rút ra bản sắc, phẩm chất, tính cách của người Việt bộc lộ qua văn hóa ứng xử với thiên nhiên trong không gian ở đó là Tính hài hòa; Tính thích dụng và sinh lợi; Tính linh hoạt và tính thẩm mỹ. Các giải pháp thường là “xưa bày nay làm”, theo kinh nghiệm, thông lệ chưa thật sự tìm ra được mô hình và giải pháp tối ưu dù đã trải nghiệm qua nhiều thế kỷ ứng phó và chinh phục tự nhiên. Chưa thấy rõ sự đúc kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm một cách thực sự giữa các vùng miền, tìm ra những hình thức, giải pháp tạo dựng không gian kiến trúc ưu việt nhất về ứng xử và chinh phục thiên nhiên.
    Luận án gợi ra một số kiến nghị, bài học kinh nghiệm từ quá khứ vận dụng một cách khiêm tốn và sáng tạo, chúng đưa dẫn chúng ta đến với những giải pháp hữu hiệu và duy nhất, góp phần làm cho nền kiến trúc sớm có sắc thái riêng.  

    2. Những kết quả của luận án
    2.1. Về phương diện khoa học
    (1)  Qua khảo sát, tổng hợp thông tin, hình ảnh (phỏng vấn, vẽ ghi, ảnh chụp) liên quan, từ đó phác họa quá trình tiếp cận, khai thác và thích nghi với thiên nhiên của người Việt.
    (2) Định dạng và nhận biết những đặc điểm tương đồng hoặc khác biệt trong ứng xử với thiên nhiên ở mỗi miền, lý giải vai trò, giá trị và tác động dẫn đến cách ứng xử với thiên nhiên (cảnh quan, môi trường, khí hậu, kiến trúc, tôn giáo…) trong không gian cư trú, qua đó khẳng định giá trị nổi trội và sự tồn tại lâu bền của văn hóa ứng xử của người Việt.
    2.2. Về ý nghĩa thực tiễn
    (1) Hệ thống hóa các yếu tố ảnh hưởng đến không gian ở để cung cấp thêm tài liệu tham khảo khi trùng tu các di tích, nhà cổ hoặc xây dựng các ngôi nhà thuần Việt theo hướng hiện đại. Cũng có thể làm tài liệu tham khảo cho sinh viên và cán bộ giảng dạy các trường kiến trúc, văn hóa nghệ thuật…
    (2) Góp một phần nào đó vào cơ sở nguyên lý cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, khắc phục những hạn chế trong việc chế ngự, cải tạo thiên nhiên trên tinh thần sống thân thiện với môi trường.
    (3) Đóng góp một số ý kiến vào tiến trình tìm đến một nền văn hóa có bản sắc Việt trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng trong quá trình xây dựng các khu cư dân nông thôn hiện nay.

    3. Hướng phát triển nghiên cứu tiếp theo
    Trong những nghiên cứu tiếp theo, có thể nghiên cứu đề tài toàn diện hơn, sâu hơn cụ thể từng trường hợp của mỗi vùng miền.

    NCS. Võ Thị Thu Thủy

    Nội dung chi tiết tóm tắt luận án trong tệp đính kèm, tải về tại đây.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên