Tin tức - Sự kiện

Văn xuôi ở đô thị Nam Bộ 1945-1954 từ góc nhìn phê bình xã hội học -NCS. Nguyễn Thị Phương Thúy

  • 20/02/2020
  • Tên luận án: “Văn xuôi ở đô thị Nam Bộ 1945-1954 từ góc nhìn phê bình xã hội học”
    Chuyên ngành: Văn học Việt Nam    
    Mã số: 62.22.34.01    
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Phương Thuý    
    Người hướng dẫn khoa học:     PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân     
    PGS. TS. Võ Văn Nhơn    
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh    

    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
    Luận án nghiên cứu các sáng tác văn xuôi được đăng báo hoặc in sách ở đô thị Nam Bộ, mà chủ yếu là Sài Gòn, từ 1945 đến 1954 trong mối liên hệ với các biến động chính trị, xã hội, văn hoá, truyền thống thẩm mỹ của vùng đất và giai đoạn, với mục đích hệ thống hoá những thông tin tác giả, tác phẩm, độc giả và môi trường văn học đô thị trong cả giai đoạn, góp phần làm rõ hơn những khoảng mờ trong bức tranh lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, giúp người đọc hôm nay có thái độ khách quan và trân trọng giới văn nhân nghệ sĩ trong giai đoạn đặc biệt đầy biến động này. Luận án sử dụng phương pháp phê bình xã hội học, tập trung vào một số trường phái lý thuyết như lý thuyết phê bình Marxist, lý thuyết trường của Pierre Bourdieu, lý thuyết xã hội học văn bản.

    + Những kết quả của luận án
    1. Nhìn từ phương diện văn cảnh, tác động của những biến chuyển lịch sử, xã hội trong giai đoạn 1945-1954 đã tạo nên sự khác biệt về diện mạo văn học ở đô thị Nam Bộ trước và sau năm 1950. Việc có mặt hoặc can thiệp của nhiều thế lực ngoại bang vào Nam Bộ cùng với sự tồn tại phức tạp của các tổ chức chính trị và chính quyền bản xứ khiến đời sống văn học chặng 1945-1950 đầy hơi thở chính trị và dồi dào cảm hứng yêu nước. Trong chặng 1950-1954, chính quyền Quốc gia Việt Nam dần củng cố quyền lực, ổn định trị an ở khu vực đô thị, ban hành lệnh kiểm duyệt khiến văn học tranh đấu thoái trào, các dòng văn học khác nảy nở đa dạng, đặc biệt là bộ phận văn học giải trí. 
    2. Trường văn học ở đô thị bị chi phối mạnh mẽ bởi lực thị trường. Sử dụng những loại vốn chính trị, vốn kinh tế, vốn tượng trưng khác nhau, một thế hệ nhà văn trẻ xuất hiện rầm rộ và thống lĩnh trường văn học tranh đấu 1945-1950. Trong chặng 1950-1954, nhà văn một mặt bị kéo đi bởi lực thị trường tạo nên từ thị hiếu của công chúng dành cho các truyện giải trí diễm tình, trinh thám, kiếm hiệp... mặt khác cố gắng chống lại lực ấy, xây dựng phong trào văn nghệ lành mạnh dẫn đến trạng thái mâu thuẫn cân bằng lực trong trường văn học đô thị. 
    3. Nhìn từ phương diện văn bản, văn xuôi đô thị Nam Bộ bộc lộ sự mờ nhoè ranh giới thể loại, cho thấy tư duy hiện thực, đời thường và dung hợp rất cao của người viết và người đọc Nam Bộ. Một vài kiểu nhân vật nổi bật được khắc hoạ hoàn hảo, thể hiện quan niệm của nhà văn về thế giới lý tưởng, được nhân rộng trong đại chúng thành những công thức quen thuộc. Các diễn ngôn chính trị-xã hội cho thấy cả người viết lẫn người đọc cùng tư duy trong cùng một hệ thống ngôn ngữ thời đại đậm màu sắc chính trị và đạo đức. Các ước lệ cổ điển mang tính đại chúng tồn tại phổ biến trong những trang văn viết về kháng chiến, đối lập với ngôn ngữ hiện thực dành để miêu tả đời sống đô thành.
    4. Luận án cung cấp phụ lục gồm 367 mục từ tác phẩm với đầy đủ thông tin xuất bản, thể loại, kèm tóm tắt văn bản, và 53 mục từ tác giả với trích lược tiểu sử và hoạt độnng sáng tác của họ trong giai đoạn 1945-1954.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu: 
    1. Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo về văn học Việt Nam hiện đại trong trường phổ thông và cao đẳng, đại học.
    2. Danh sách tác phẩm và tác giả vẫn chưa đầy đủ, hứa hẹn được bổ sung trong tương lai vì việc sưu tầm tài liệu thất lạc của giai đoạn văn học này vẫn đang được tiếp diễn. Những tài liệu được tìm mới sẽ góp phần làm rõ hơn nữa, hoặc điều chỉnh những nhận định về văn xuôi giai đoạn này.
    3. Luận án chỉ tập trung vào đối tượng nghiên cứu là văn xuôi đô thị Nam Bộ 1945-1954 chứ chưa bàn sâu về mối quan hệ tương quan, liên kết với những đối tượng khác về mặt không gian và thời gian, như văn xuôi chiến khu Nam Bộ, văn xuôi đô thị miền Bắc cùng thời, hoặc văn xuôi đô thị Nam Bội giai đoạn liền trước và sau nó. Lý do chủ yếu là vì dung lượng luận án có hạn, lý do khác là vì người viết chưa có điều kiện thu thập hoặc hệ thống thông tin của đối tượng cần so sánh. Những vấn đề này có thể được nghiên cứu một cách hệ thống trong những công trình khác.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên