Tin tức - Sự kiện

Pháp luật Việt Nam về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu - NCS. Trần Vang Phủ

  • 10/05/2022
  • Tên đề tài LATS: Pháp luật Việt Nam về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu
    Chuyên ngành: Luật Kinh tế
    Mã số: 9380107
    Họ tên NCS: Trần Vang Phủ
    Mã số NCS: N18710038
    Người hướng dẫn khoa học: HDĐL: PGS. TS. Dương Anh Sơn
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Luận án được thực hiện với mục đích phân tích và xây dựng các kiến nghị về mặt pháp lý để góp phần hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu. Dựa trên các số liệu thống kê của các cơ quan chức năng của Việt Nam, hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu chủ yếu gặp trở ngại về mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, chính vì vậy, phạm vi nghiên cứu của luận án được giới hạn ở hai vấn đề: (i) quy định về mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật; (ii) quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá xuất khẩu có nguồn gốc thực vật và kiểm dịch thực vật xuất khẩu. Các vấn đề sau đã được làm rõ trong luận án:
    Một là, các khái niệm được sử dụng trong luận án đã được làm rõ, đồng thời phân tích sự cần thiết phải hoàn thiện quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu, vai trò của hoạt động xuất khẩu nông sản đối với Việt Nam.
    Hai là, liên quan đến mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, luận án đã xác định và phân tích bất cập trong quy định pháp luật Việt Nam về mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, so sánh với quy định tương ứng của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu để qua đó xây dựng các kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về quản lý thuốc bảo vệ thực vật và mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật.
    Ba là, liên quan đến kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật xuất khẩu, luận án không chỉ xác định những nội dung chưa phù hợp trong pháp luật Việt Nam về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá xuất khẩu có nguồn gốc thực vật và kiểm dịch thực vật, mà còn chỉ ra những quy định pháp luật khác có liên quan đến việc bảo đảm chất lượng của nông sản xuất khẩu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế an toàn thực phẩm như: quy định về chế độ sử dụng đất, chính sách xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, dịch vụ hậu cần thương mại, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ…
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Thứ nhất, luận án đã phân tích, đánh giá một cách có hệ thống các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến biện pháp vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu. Đồng thời, có sự phân tích và so sánh các quy định pháp luật có liên quan của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.
    Thứ hai, luận án đã xây dựng các kiến nghị để hoàn thiện việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam cũng như các quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật xuất khẩu. Đồng thời, luận án còn chỉ ra sự cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất – xuất khẩu hàng nông sản theo hướng chất lượng cao.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Một là, luận án đã phân tích các cơ sở về phương diện lý luận và thực tiễn để chứng minh cho sự cần thiết phải hoàn thiện quy định pháp luật về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản nói chung, hàng nông sản xuất khẩu nói riêng. Về mặt thực tiễn luận án đã đề xuất những giải pháp ở góc độ pháp lý để hoàn thiện các quy định cụ thể của Việt Nam về quản lý thuốc BVTV và thiết lập MRL thuốc BVTV; quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm xuất khẩu có nguồn gốc thực vật và kiểm dịch thực vật xuất khẩu. Đồng thời xây dựng các kiến nghị để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật khung trong việc xây dựng và thực thi các quy định về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu.
    Hai là, kết quả nghiên cứu của luận án đóng góp những quan điểm khoa học về cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc quản lý chất lượng hàng nông sản xuất khẩu liên quan đến các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị và đáng tin cậy cho sinh viên, học viên, người nghiên cứu và những người làm công tác thực tiễn.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên