Tin tức - Sự kiện

Tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam - NCS. Nguyễn Trọng Nghĩa

  • 03/11/2021
  • Tên đề tài LATS: Tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam
    Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
    Mã số: 62340201
    Họ tên NCS: Nguyễn Trọng Nghĩa
    Mã số NCS: NCS402011454
    Người hướng dẫn khoa học: HD1: PGS.TS. Phan Đình Nguyên, TS. Nguyễn Ngọc Huy
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Chính sách đầu tư, chính sách tài trợ, và chính sách cổ tức được xem là các quyết định tài chính quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Luận án này đánh giá tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động và đồng thời nêu rõ vai trò điều tiết của chính sách tài trợ và chính sách cổ tức đối với tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động. Luận án dựa trên hai lý thuyết nền tảng là lý thuyết Đại diện và lý thuyết Dòng tiền tự do để lập luận cho tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như tác động điều tiết của chính sách tài trợ và chính sách cổ tức đến mối quan hệ giữa đầu tư quá mức và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
    Luận án dựa trên ba tiêu chính chính để thu thập dữ liệu: (1) Lựa chọn các doanh nghiệp niêm yết vì số liệu báo cáo được kiểm soát khá chặt chẽ bởi thị trường thông qua quy trình hạch toán và kiểm toán nghiêm ngặt, (2) dữ liệu thu thập là từ năm 2009 nhưng dữ liệu hồi quy từ năm 2011 do loại trừ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 lên thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bị biến động mạnh, và (3) Xem xét các doanh nghiệp phi tài chính (không xét đến ngân hàng và công ty bảo hiểm) vì bản thân các doanh nghiệp tài chính có sự khác biệt lớn về cấu trúc tài sản và nguồn vốn với các doanh nghiệp phi tài chính. Từ đó, luận án thu thập số liệu từ nguồn FiinPro bao gồm 548 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên Sở chứng khoán Hà Nội và Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2009 – 2019.
    Biến độc lập chính bao gồm đầu tư quá mức, chính sách tài trợ và chính sách cổ tức. Đầu tư quá mức được đo lường dựa vào phần dư mang giá trị dương được dự báo thông qua Hàm cầu đầu tư. Chính sách tài trợ được đánh giá dựa trên tỷ lệ tổng nợ trên tổng tài sản, và chính sách cổ tức được đo lường dựa trên tỷ lệ chi trả cổ tức của doanh nghiệp. Biến phụ thuộc hiệu quả hoạt động được đại diện bằng tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản. Với giả định tiếp cận động đối với mô hình hồi quy, luận án sử dụng kỹ thuật ước lượng SGMM để khắc phục hiện tượng nội sinh gây ra do bởi sự xuất hiện của biến trễ hiệu quả hoạt động. Kết quả nghiên cứu chỉ ra (1) các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cho thấy dấu hiệu đầu tư quá mức, (2) đầu tư quá mức có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động và tác động này khác biệt giữa các ngành, (3) chính sách tài trợ và chính sách cổ tức có thể điều tiết tác động tiêu cực của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động, và (4) hàm ý chính sách phù hợp về quản lý tài chính đối với nhà quản trị doanh nghiệp và về đầu tư tài chính đối với nhà đầu tư. 
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Trên cơ sở các nghiên cứu thực nghiệm trong nước và quốc tế về việc đánh giá đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tác giả đúc kết được 4 khoảng trống nghiên cứu mà luận án lần đầu đưa ra giải quyết như sau: (1) Thứ nhất, các nghiên cứu trước đo lường đầu tư quá mức dựa trên biến đầu tư là tài sản lưu động và tài sản cố định hoặc tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Việc đo lường này có hạn chế là không thể hiện đầu tư quá mức trong điều kiện dòng tiền tự do cao, hơn nữa với đặc trưng của các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn xảy ra đầu tư quá mức là do đa dạng hóa đầu tư, đầu tư trái ngành, đầu tư vào xu thế thiếu tính phân tích chuyên nghiệp.  Trong luận án này tác giả sử dụng biến đầu tư tài chính (ngắn hạn và dài hạn) đại diện cho biến đo lường đầu tư quá mức để làm rõ đặc trưng đầu tư quá mức của các doanh nghiệp Việt Nam. (2) Thứ hai, các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào nghiên cứu tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chưa đánh giá tính tương tác của đầu tư quá mức với chính sách tài trợ và chính sách cổ tức. Luận án này đồng thời đánh giá vai trò điều tiết của chính sách tài trợ và chính sách cổ tức đối với tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hiện chưa có tại Việt Nam. (3) Thứ ba, các nghiên cứu trước đây chưa đề cập đến dạng mô hình động trong phương trình các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động, trong khi hiệu quả hoạt động trong quá khứ được xác định trong các nghiên cứu khác có thể giải thích cho hiệu quả hoạt động hiện tại của doanh nghiệp và biến độ trễ của biến phụ thuộc là yếu tố gây ra nội sinh. Luận án này  sử dụng kỹ thuật SGMM để khắc phục hiện tượng nội sinh gây ra bởi biến độ trễ hiệu quả hoạt động. (4) Thứ tư, đặc trưng của các ngành nghề là khác nhau về đầu tư, sử dụng nợ, phân chia cổ tức. Ngoài ra còn có những khác biệt lớn giữa các ngành nghề về quy mô, cấu trúc tài sản, cơ hội tăng trưởng,…Do vậy, luận án nghiên cứu tính khác biệt giữa đầu tư quá mức, tính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phân theo các nhóm ngành nghề khác nhau.
    Từ các khoảng trống nghiên cứu được phát hiện, luận án là công trình lần đầu giải quyết các khoảng trống này, qua đó tác giả có những kết quả đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp. Cụ thể:
    - Đóng góp về mặt khoa học: (1) Thứ nhất, về mặt lý luận tác giả đã tổng hợp được các lý thuyết, các khái niệm liên quan về đầu tư quá mức và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các phương pháp đo lường đầu tư quá mức nào được áp dụng và tính phù hợp của nó tại Việt Nam. Tác giả cũng chứng minh được tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động, từ đó củng cố cho lý thuyết đại diện khi đề cập đến xung đột đại diện là nguyên nhân của đầu tư quá mức và việc giải quyết xung đột đại diện làm suy giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. (2) Thứ hai, tác giả đánh giá được vai trò điều tiết của chính sách tài trợ và chính sách cổ tức đối với tác động của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua phân tích tính tương tác các biến trong mô hình bằng phương pháp hồi quy động SGMM. Tác giả cũng tìm ra tác động khác biệt các doanh nghiệp phân theo nhóm ngành nghề phù hợp với đặc trưng của từng nhóm ngành mà các nghiên cứu trước chưa xem xét. Bằng việc đánh giá tác động điều tiết này, tác giả mở rộng quan điểm của lý thuyết đại diện kết hợp với lý thuyết dòng tiền tự do. Chính sách tài trợ và chính sách cổ tức có thể giúp điều chỉnh dòng tiền tự do trong doanh nghiệp. Dòng tiền tự do là công cụ mà nhà quản trị sử dụng để gia tăng đầu tư quá mức. Vì vậy, can thiệp vào dòng tiền tự do có thể làm giảm xung đột đại diện và vấn đề đầu tư quá mức. (3) Thứ ba, thông qua việc làm sáng tỏ hai điểm mới nêu trên, tác giả cũng đóng góp vào các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến đầu tư quá mức, mở rộng khía cạnh nghiên cứu vấn đề này tại Việt Nam. Thay vì lý giải các nhân tố giải thích cho hành vi đầu tư quá mức thì tác giả chứng minh tác động thực sự của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động và cách thức mà doanh nghiệp có thể can thiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực của đầu tư quá mức đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
     - Đóng góp về mặt thực tiễn: Dựa trên việc đưa ra những phát hiện nghiên cứu mới thì kết quả của luận án có thể trở thành cơ sở tham khảo cho các nghiên cứu về sau liên quan đến đầu tư quá mức tại các doanh nghiệp Việt Nam. Việc phân loại các doanh nghiệp đầu tư quá mức và phân chia theo các nhóm ngành nghề trong đánh giá đầu tư quá mức đến hiệu quả làm cơ sở xem xét cho các doanh nghiệp trong thực tiễn về chính sách đầu tư trong quan hệ với các chính sách khác. Bên cạnh đó, tác giả có thể đưa ra một số gợi ý chính sách đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư dựa trên kết quả tìm được. Nếu đầu tư quá mức có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động thì doanh nghiệp cần phải đưa ra biện pháp hạn chế đầu tư quá mức (có thể sử dụng chính sách tài trợ và chính sách cổ tức như được chứng minh trong luận án), nhà đầu tư cần phải tránh đầu tư vào các doanh nghiệp có dấu hiệu đầu tư quá mức. Như vậy, các đối tượng khác nhau có thể sử dụng kết quả của luận án này để đưa ra quyết định trong từng trường hợp cụ thể. 
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Các phát hiện, kết quả và những đóng góp của luận án làm cơ sở xem xét chính sách đầu tư của doanh nghiệp trong mối quan hệ với các chính sách khác trong thực tiễn. Đối với doanh nghiệp cần đưa ra biện pháp hạn chế đầu tư quá mức thông qua sử dụng chính sách tài trợ và chính sách cổ tức hợp lý. Đối với nhà đầu tư cần tránh đầu tư vào doanh nghiệp có dấu hiệu đầu tư quá mức.
    Do giới hạn về phạm vi và thời gian nghiên cứu, luận án đã chỉ ra những vấn đề cần được phát triển thêm đối với các nghiên cứu về sau như: mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với các doanh nghiệp không niêm yết; mở rộng thời gian nghiên cứu dài hơn 11 năm; phân tích sự tương tác đồng thời giữa đầu tư quá mức, chính sách tài trợ và chính sách cổ tức; phân tích sự tương tác giữa dòng tiền tự do, đầu tư quá mức, chính sách tài trợ và chính sách cổ tức.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên