Sau đại học

Triết lý “lakei – kamei” trong cộng đồng người chăm ở nam trung bộ - NCS. Trần Nguyên Khoa

  • 24/05/2019
  • Tên luận án: Triết lý “lakei – kamei” trong cộng đồng người chăm ở nam trung bộ
    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 62.22.03.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Nguyên Khoa
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Trần Nguyên Việt
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 

    1. Tóm tắt nội dung luận án 
    Trong đời sống của cộng đồng người Chăm ở Nam Trung bộ, triết lý “Lakei - Kamei” là triết lý với nội dung cơ bản trong lĩnh vực nhân sinh quan, nó được hình thành từ quan niệm của cộng đồng này về thế giới xung quan liên quan đến đời sống tinh thần của chính họ. Triết lý “lakei – kamei” đã tác động dưới mọi hình thức đến hoạt động sống của con người, chỉ đạo thái độ ứng xử của con người với tự nhiên xung quanh và với chính cộng đồng của mình. Triết lý này đã góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, xã hội và được biểu hiện trong đời sống thường nhật của con người; định hướng tư duy của con người đến các vấn đề nhân sinh thông qua sự điều chỉnh cách ứng xử của con người với tự nhiên, cộng đồng, thần linh, v.v. Cụ thể, triết lý này đã và đang tạo điều kiện cho cộng đồng người Chăm nơi đây duy trì sự đoàn kết và hòa hợp giữa các nhóm xã hội có niềm tin tôn giáo khác nhau trong cộng đồng, đồng thời giáo dục ý thức cho các thế hệ người Chăm về giữ gìn bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống của cộng đồng mình. 
               2. Những kết quả của luận án
    Thứ nhất, luận án góp phần làm rõ thêm khái niệm “Lakei – Kamei” từ góc độ triết học văn hóa dùng để chỉ hai yếu tố tự nhiên là đực và cái với mối quan hệ lưỡng hợp. Tuy chúng đối lập với nhau, nhưng không bài trừ nhau, mà tương tác, tương giao với nhau, làm cho sự vật và hiện tượng được sinh sôi, nảy nở. Quá trình hình thành khái niệm “Lakei – Kamei” được qui định bởi nhu cầu cuộc sống hiện thực của người Chăm ở Nam Trung bộ và các yếu tố góp phần tạo nên quan niệm về mối quan hệ này chính là hệ quả của sự tiếp biến văn hóa bản địa với các tôn giáo, tín ngưỡng được du nhập từ bên ngoài, đó là Bàlamôn giáo và Islam giáo.
    Thứ hai, Từ sự quan sát các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, người Chăm ở Nam Trung bộ rút ra triết lý về mối quan hệ “Lakei – Kamei” là mối quan hệ tương cầu, luôn cần đến sự hiện diện của nhau, nếu thiếu đi một trong hai yếu tố đó thì các sự vật và hiện tượng trong vũ trụ và xã hội không thể tồn tại. 
    Thứ ba, triết lý “Lakei – Kamei” đã giới tính hóa các sự vật hiện tượng, theo đó trong xã hội người Chăm ở Nam Trung bộ luôn tồn tại hai cộng đồng có niềm tin theo 2 tôn giáo khác nhau là Chăm Awal (Bàni) và Chăm Ahier (Bàlamôn). Chăm Ahier thuộc nam (Lakei) và Chăm Awal thuộc nữ (Kamei). Không chỉ hai cộng đồng người Chăm được giới tính hóa, mà đối với các sự vật, hiện tượng khác cũng vậy. 
    Thứ tư, triết lý “Lakei – Kamei” được phản ánh ở nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, nhưng biểu hiện tập trung nhất trong phong tục, tập quán và đời sống tâm linh với nhiều lễ hội.  Đó là sự thể hiện khát vọng của người Chăm về cuộc sống ấm no, vui vẻ, hạnh phúc…, song để đạt tới khát vọng đó, triết lý này hướng con người tới việc tôn trọng, tuân thủ các qui luật vận động của tự nhiên và xã hội. Đây cũng là những bài học lớn giáo dục cộng đồng về lao động sinh sống, mưu cầu hạnh phúc, về đạo lý làm người, về hòa hợp dân tộc - tôn giáo, về bảo vệ những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống. 
    Thứ năm, đối với cộng đồng người Chăm ở Nam Trung bộ, “Lakei – Kamei” vừa là triết lý sinh tồn, vừa là những bài học thiết thực cho các thế hệ người Chăm nơi đây về lối sống và phong cách tư duy nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của họ trong điều kiện tự nhiên và xã hội không mấy thuận lợi. Chính vì vậy, giá trị của triết lý này ở chỗ cảnh tỉnh từng cá nhân, cộng đồng phải sống trên cơ sở hòa hợp, không gây ra sự đối kháng với nhau dù niềm tin tôn giáo khác nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc và gắn bó với các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. 
              3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án
    Luận án làm rõ sự hình thành và một số nội dung cơ bản của triết lý “Lakei - Kamei” trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung bộ, đồng thời chỉ ra những giá trị và ý nghĩa chủ yếu của triết lý này trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm nơi đây. Do đó, nội dung và các kết quả nghiên cứu của nó có thể làm tài liệu tham khảo có ý nghĩa cho những người quan tâm đến văn hóa và triết học văn hóa của cộng đồng người Chăm ở Nam Trung bộ. 


     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên