Tin tổng hợp

"Bố già" ngành Kỹ thuật Y sinh

  • 15/11/2019
  • GS Võ Văn Tới là một trong những trí thức Việt kiều có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ĐHQG-HCM. Ông chính là người sáng lập ngành Kỹ thuật Y sinh (KTYS) mới mẻ và hứa hẹn ở Trường ĐH Quốc Tế. Trong mắt giảng viên và sinh viên, ông không chỉ là nhà nghiên cứu đầu ngành mà còn là “người bố” khơi nguồn cảm hứng, lan tỏa đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.

    GS Võ Văn Tới hướng dẫn sinh viên thực hành với máy Functional Near-Infrared Spectroscopy (fNIRS).

    Tuy sống ở nước ngoài hơn 40 năm nhưng GS Võ Văn Tới vẫn giữ đậm khí chất của người Sài Gòn: hào sảng, đôn hậu và đầy ắp tình cảm qua từng câu chữ.

    Chọn phương án thứ ba

    Vào đầu thập niên 1980, Võ Văn Tới theo học tiến sĩ ngành kỹ thuật cơ khí chính xác (Micro - Engineering) tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông vẫn đau đáu về những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.

    Trong một lần gặp gỡ vị giáo sư người Mỹ, ông có dịp hiểu hơn về ngành KTYS và tiềm năng phát triển của nó trong tương lai. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới lạ nhưng phù hợp với hướng nghiên cứu mà ông mong ước theo đuổi. Năm 1983, bài luận về lĩnh vực KTYS thành công đã giúp ông nhận bằng tiến sĩ và giành được học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ trong chương trình liên kết giữa hai trường danh giá hàng đầu Hoa Kỳ - Trường Y của ĐH Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Hơn một năm sau, ông bắt đầu giảng dạy ở ĐH Tufts của Mỹ. Đến năm 2003, ông sáng lập Bộ môn KTYS và được Đại học Tufts trao giải “Giáo sư giỏi nhất”.

    Năm 2004, Tổng thống Mỹ G. Bush bổ nhiệm GS Võ Văn Tới làm thành viên Hội đồng Quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF). Đây là tổ chức do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập để hỗ trợ Việt Nam phát triển giáo dục sau đại học về khoa học kỹ thuật. Năm 2007, ông được bầu chọn làm Giám đốc Điều hành VEF. Nhờ đó ông có nhiều cơ hội trở về Việt Nam hơn.

    GS Võ Văn Tới kể: “Đại học Tufts cho tôi nghỉ tối đa hai năm để làm giám đốc VEF. Nhưng VEF thấy tôi làm việc tốt nên họ muốn giữ tôi ở lại. Lúc đó, tôi phân vân: Mình ở Đại học Tufts hai mươi mấy năm rồi, nếu quay lại cũng tiếp tục giảng dạy thôi. Còn ở VEF thì chỉ lo về thủ tục hành chính chứ không liên quan gì đến chuyên môn KTYS cả. Cuối cùng, tôi quyết định chọn phương án ‘thứ ba’: về Việt Nam để xây dựng ngành KTYS”.

    Theo GS Võ Văn Tới, người “se duyên” để ông về Việt Nam là PGS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM. Là người lãnh đạo cởi mở và luôn ủng hộ những ý tưởng táo bạo, PGS Phan Thanh Bình hết sức ủng hộ quyết định thành lập ngành KTYS ở Việt Nam và giới thiệu GS Võ Văn Tới vào Trường Đại học Quốc Tế, tạo mọi điều kiện để ông tự do phát triển hướng nghiên cứu của mình. Nhờ thế ông đã gắn bó với Bộ môn KTYS, Trường Đại học Quốc Tế từ tháng 3/2009 đến nay.

     

    “Anh Tới đã trăn trở, yêu thương, sống chết cùng với sự hình thành phát triển của ngành Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam. Không có anh, không có Bộ môn Kỹ thuật y sinh”.

     PGS.TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM

     

    Nghỉ ngơi chính là làm việc

    Văn phòng Bộ môn KTYS gần như chưa bao giờ tắt đèn. Sau giờ tan trường, những người trẻ độc thân vẫn ở lại tiếp tục làm việc từ chiều đến tối, những người có gia đình làm việc từ tối đến khuya. Riêng “bố già” Võ Văn Tới  khó ngủ hay dậy sớm, miệt mài đến sáng. Và hôm sau, họ lại gặp nhau ở trường và bắt đầu công việc. Cứ thế 10 năm qua, tập thể Bộ môn KTYS đã hoàn thành hết mục tiêu này đến mục tiêu khác.

    GS Võ Văn Tới và TS. Nguyễn Thị Hiệp (áo trắng ở giữa, bên trái) đang thảo luận về Tế bào gốc cùng sinh viên trong phòng LAB.

    Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” người ta thường muốn dừng lại để ngắm nhìn quãng thời gian mình đi qua nhiều hơn là cố gắng làm việc. Nhưng GS Võ Văn Tới thì hoàn toàn ngược lại! Khi đồng hồ chỉ đúng 8 giờ, ông đã có mặt tại giảng đường để bắt đầu bài giảng mới. Ông đồng hành với sinh viên ngành KTYS qua 3 môn học chính yếu: Nhập môn KTYS, Cơ bản kỹ thuật điện và Thiết kế tổng công trình.

    Với GS Võ Văn Tới, sự thành công của sinh viên và giảng viên chính là động lực và niềm đam mê để ông hứng khởi trên giảng đường, cần mẫn trong phòng thí nghiệm. Ông cho biết, ở Việt Nam ông làm việc cật lực hơn lúc còn ở Mỹ: “Với tôi, nghỉ ngơi chính là làm việc. Tôi làm việc không phải vì ai bắt buộc. Khi chứng kiến các thầy cô, các em sinh viên làm việc và học tập rất hăng say, tôi hào hứng muốn làm theo. Có hứng thú thì không bao giờ thấy mệt mỏi”.

    TS Ngô Thanh Hoàn, Phó Trưởng Bộ môn KTYS, người đồng hành với GS Võ Văn Tới đặt viên gạch đầu tiên cho ngành KTYS tại Việt Nam, kể: “Nhớ nhất là lúc thầy Tới mới về Bộ môn. Lúc đó, chưa có bàn ghế gì hết, thế là hai thầy trò cứ ngồi ăn cơm dưới đất. Thầy Tới rất bình dị mà sâu sắc, luôn thấu hiểu cấp dưới của mình. Đó cũng là một người làm việc có chiến lược và ý chí mạnh mẽ. Khi thầy Tới quyết tâm làm việc gì thì dồn hết tâm sức vào việc đó. Thầy làm việc khủng khiếp lắm! Mấy thầy cô trẻ cũng khó đạt được cường độ làm việc như Thầy”.

    Nói về giải thưởng “Giáo sư giỏi nhất”, GS Võ Văn Tới bồi hồi nhớ lại ngày chân ướt chân ráo qua Thụy Sĩ du học, chẳng may gặp những thầy cô dạy “chẳng hiểu gì hết trơn hết trọi” mà còn rất khó tính nữa. “Đó là lý do tôi muốn sau này trở thành thầy giáo - một thầy giáo thân thiện với sinh viên và biết cách giúp họ mau hiểu bài, ham học hỏi” - Thầy kể hóm hỉnh.

    Ông lúc nào cũng khuyến khích sinh viên thẳng thắn, cởi mở. Ông kể lúc dạy ở trường Tufts, sinh viên gặp ông thường nói: “Chào! GS Tới” hay “Chào thầy Tới”, ông bảo không cần phải khuôn phép như vậy “Cứ chào Tới là được rồi”.

    Về Việt Nam, ông ước muốn “biến” ngôi trường mình đang giảng dạy thành  “ngôi nhà thứ hai” của sinh viên. Ông tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển kỹ mềm như viết BME Newsletter, tổ chức sự kiện, tư vấn tuyển sinh...  Ông khuyên sinh viên nếu có ý tưởng mới thì cứ thực hiện ngay. Nếu thành công thì tốt còn “không thành công thì đổ thừa tại thầy Tới xúi”.

    TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Bộ môn KTYS chia sẻ: “Khi các bạn trẻ đạt được thành tích thầy luôn hãnh diện khoe với mọi người. Thầy là tấm gương sáng và chỗ dựa tinh thần cho những người trẻ chúng tôi phấn đấu. Đôi khi, chỉ cần thầy thấy vui là mình có động lực làm việc rồi. Cũng có lúc thầy Tới rất cứng rắn nhưng đó chỉ là sự nghiêm khắc của một người ‘bố’ giúp chúng tôi bớt mông lung và đi đúng đường hơn mà thôi”.

    GS Võ Văn Tới và TS Nguyễn Thị Hiệp cùng ăn trưa với các bạn sinh viên năm nhất.

    Ước mơ cho một thế hệ vươn xa

    Theo GS Võ Văn Tới phẩm chất quan trọng nhất của nhà giáo là tâm huyết đối với thế hệ trẻ. Mọi cố gắng của người thầy là giúp người học vươn xa. Bất chợt, ông đến bàn làm việc, lấy quyển tập san Kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, rồi cẩn thận lật từng trang. Ông kể về các thầy cô trong Bộ môn đã giúp đỡ mình từ những ngày đầu tiên. Ông nói: “Người Việt Nam chúng ta sống rất tình cảm. Có lẽ, ‘cái chất’ Việt Nam chưa bao giờ nhạt phai ở tôi chính là chỗ đó”. Để “kéo gần” khoảng cách thế hệ, ông hay mời các bạn sinh viên năm nhất ăn trưa. Những dịp lễ tết, các thầy cô và sinh viên thường đến nhà ông cùng nấu nướng ăn uống với nhau, rất là thoải mái.

    Phòng làm việc của GS Võ Văn Tới sạch sẽ, ngăn nắp. Ngoài những giấy khen được treo trên tường, các vật trang trí khác đều là của sinh viên tặng. Ông trân quý, giữ gìn tất cả, không bỏ sót món nào, dù đó chỉ là một mảnh giấy nhỏ, một chiếc bút chì có khắc tên ông, hay một chậu cây bé xíu. Ông mở chiếc lọ đầy ắp ngôi sao giấy, bên trong là những dòng chữ thân thương: “Chúc cho bộ môn BME của ‘bố già’ ngày càng vươn xa. Mong là đại gia đình BME luôn đoàn kết để thực hiện điều đó”; “Thầy ơi! Luôn mạnh khỏe và hạnh phúc nha thầy! Em yêu thầy lắm!”. Đây chính là những “kỷ vật” rất đặc biệt mà không phải người thầy nào cũng có được.

    Hiện tại, GS Võ Văn Tới chỉ giữ vai trò trợ lý cho hiệu trưởng và cố vấn cho Bộ môn. Tâm nguyện “đền đáp món nợ với đất nước” của ông đã gần xong một nửa nhưng “bố già” ngành KTYS ấy vẫn đêm ngày làm việc cho một thế hệ vươn xa.

    KIM QUYÊN (Bản tin ĐHQG-HCM số 197)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên