Khoa học công nghệ

Chương trình Tây Nam bộ: Gắn với đời sống, giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội

  • 31/12/2019
  • Ngày 28/12, tại TP Cần Thơ, ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Tây Nam bộ 2019, triển khai kế hoạch năm 2020. Đây là chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.

    Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Diệp

    Tính đến tháng 12/2019, Chương trình Tây Nam bộ đã triển khai 63 nhiệm vụ, trong đó có 22 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và phát triển bền vững; 41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường, đáp ứng những vấn đề thực tiễn của sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng Tây Nam bộ.

    Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chương trình đã có nhiều nghiên cứu và giải pháp khoa học công nghệ có tính ứng dụng và hiệu quả cao như: Ứng dụng và nghiên cứu hoàn thiện một số giải pháp kỹ thuật trong tổ chức sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tra; Nghiên cứu mô hình nuôi nghêu bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long; Nghiên cứu giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn vùng Tây Nam bộ; Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm ngao móng tay chúa Cultellus maximus; Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình aquaponics.

    Chủ trì hội nghị, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá: “Đến nay, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang triển khai đều gắn với sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề bức thiết, giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ”. 

    Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về cơ chế, chính sách liên kết vùng và phát triển bền vững, trong đó tập trung đánh giá thực trạng và giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng bền vững và hợp tác xuyên biên giới vùng Tây Nam bộ. Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi những nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành thủy sản, ngành sản xuất lúa gạo và cây ăn quả; đưa ra những giải pháp cân bằng cung cầu thị trường, phát triển bền vững các ngành hàng chủ lực, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và khai thác phụ phẩm cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

    “Những nội dung trao đổi thảo luận tại hội nghị là cơ sở để hai đơn vị chủ trì tiếp tục triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đúng trọng tâm và đạt hiệu quả cao, mang lại những tác động rõ rệt trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách tích cực cho vùng Tây Nam bộ”, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh.

    BẢO KHÁNH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên