Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu quần xã lưỡng cư ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng - NCS. Lê Thị Thùy Dương

  • 19/10/2020
  • Tên đề tài luận án: Nghiên cứu quần xã lưỡng cư ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng
    Ngành: Sinh thái học
    Mã số ngành: 62420120
    Họ tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Thùy Dương
    Khóa đào tạo: 2013
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. HOÀNG ĐỨC HUY, TS. JODI JUSTINE LYON ROWLEY
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên - ĐHQG.HCM 
    1. Tóm tắt luận án 
    Sinh thái học quần xã cung cấp các kiến thức nền tảng để quản lý một cách khôn ngoan các hệ sinh thái tự nhiên hiện đang bị con người tác động và khai thác quá mức. Hiện nay, gần một phần ba số loài lưỡng cư ở Đông Dương nằm trong danh sách bị đe dọa và hơn 60% số loài có quần thể đang suy giảm. Tuy nhiên, lưỡng cư ở khu vực hầu hết nằm ngoài các chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học do sự quan tâm tập trung vào những nhóm động vật có xương sống khác như chim và thú. Đề tài nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu đặc điểm cấu trúc quần xã lưỡng cư tại các sinh cảnh suối trong Vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà đồng thời bước đầu xem xét ảnh hưởng của sự thay đổi môi trường sống trong VQG tới quần xã lưỡng cư. Việc khảo sát thực địa thu số liệu được thực hiện tại 45 điểm ven suối với ba mức độ môi trường sống bị tác động (không bị tác động, bị tác động nhẹ và bị tác động mạnh). Các loài lưỡng cư được phân tích đặc điểm vi môi trường sống và thức ăn, sự chồng lấn vi môi trường sống, thức ăn giữa các loài. Sự thay đổi trong quần xã lưỡng cư gồm thành phần loài, độ đa dạng và phong phú được so sánh giữa các mức độ môi trường sống bị tác động khác nhau.
    Kết quả phân tích đặc điểm vi môi trường sống cho thấy các loài trong quần xã có sự phân chia môi trường sống rõ rệt theo phạm vi thủy vực, độ cao vi môi trường và chất nền cư trú. Về đặc điểm thức ăn, các loài ếch nhái tại VQG Bidoup – Núi Bà sử dụng động vật không xương sống làm nguồn thức ăn chủ yếu trong đó Dế Orthoptera và Bọ Cánh cứng Coleoptera là hai loại thức ăn được ưa thích trong số 32 bộ côn trùng được ghi nhận. Loài Cóc mày mắt đỏ Leptobrachium pullum được xác định là loài chỉ ăn chuyên biệt các loài Dế thuộc bộ Cánh thẳng Orthoptera trong khi các loài còn lại có chế độ ăn không chuyên biệt. Mức độ chồng lấn ổ sinh thái thức ăn giữa các loài cao cho thấy việc phân chia vi môi trường sống đã giúp cho các loài sử dụng cùng một nguồn thức ăn mà không bị cạnh tranh với nhau. Môi trường sống trong VQG bị tác động làm giảm độ giàu loài, độ phong phú, độ đa dạng và thay đổi cấu trúc loài trong quần xã lưỡng cư. Mối liên hệ giữa các loài ếch nhái tại đây thể hiện chặt chẽ với các yếu tố môi trường như độ che phủ tán, nhiệt độ và độ ẩm trung bình trong ngày, độ ẩm đất hay biến thiên nhiệt độ, độ ẩm trong ngày. Trong bối cảnh con người tác động ngày càng nhiều hơn đến rừng tự nhiên trong khu vực nghiên cứu, kết quả của đề tài cho thấy cần có kế hoạch sử dụng hợp lý sinh cảnh tự nhiên trong VQG để bảo vệ quần xã lưỡng cư đa dạng và đặc hữu tại đây.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    - Phân tích được đặc điểm vi môi trường sống của 19 loài và đặc điểm thức ăn của 10 loài ếch nhái trong VQG Bidoup – Núi Bà. 
    - Phân tích được cấu trúc quần xã lưỡng cư trong hệ sinh thái suối nhiệt đới trên núi cao. 
    - Xác định được ảnh hưởng của sự thay đổi môi trường sống lên quần xã lưỡng cư ở VQG Bidoup – Núi Bà. 
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    - Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp các thông tin cơ sở cho việc xây dựng các chương trình bảo tồn lưỡng cư trong VQG Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng.
    - Các hướng nghiên cứu tiếp theo đề xuất gồm: phân tích ảnh hưởng sự thay đổi môi trường sống lên đặc điểm thức ăn của các loài và lên giai đoạn trứng, nòng nọc; giám sát dài hạn các điểm nghiên cứu ven suối chưa bị tác động và bị tác động nhẹ.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên