Ngày 02/4/2025, ĐHQG-HCM tổ chức Tọa đàm Tổng kết và Rút kinh nghiệm xây dựng môn học theo hình thức MOOC. Tại chương trình, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo về kết quả triển khai môn học MOOC và những định hướng cho thời gian tới.
ĐHQG-HCM đã triển khai xây dựng các môn học theo hình thức MOOC (Massive Open Online Course) và Blended Learning (BL) từ năm 2023 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Việc triển khai đào tạo theo hình thức MOOC giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả hơn. Các khóa học này không chỉ mở rộng cơ hội học tập mà còn hỗ trợ sinh viên học tập theo nhu cầu cá nhân, tiết kiệm thời gian và chi phí.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, xây dựng môn học theo hình thức MOOC đòi hỏi nhiều vấn đề liên quan đến con người, kỹ thuật và phương thức đánh giá người học. Phó Giám đốc ĐHQG-HCM kỳ vọng thông qua buổi tọa đàm, các đại biểu sẽ có những đóng góp nhằm điều chỉnh hệ thống MOOC hoàn thiện, phục vụ hiệu quả hoạt động đào tạo của ĐHQG-HCM.
Thử nghiệm cho hơn 100 học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu
Trình bày báo cáo tổng kết, PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Trưởng ban Ban Đào tạo ĐHQG-HCM cho biết, năm 2024, ĐHQG-HCM đã thực hiện được khối lượng công việc rất lớn như: ban hành được quy chế đào tạo, công nhận được 4 môn học, xây dựng 16 môn học trong đó có 6 môn học theo hình thức BL và thử nghiệm cho hơn 100 học sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu. Đồng thời, ĐHQG-HCM đã tổ chức 1 tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm; 4 đợt tập huấn chuyên sâu về cách xây dựng khóa học MOOC.
“Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp một số thách thức như thiếu sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, khó khăn trong giảng dạy các môn học thực hành, hạn chế về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, hệ thống MOOC vẫn cần được nâng cấp để đảm bảo hiệu suất và bảo mật thông tin”, PGS.TS Trần Mạnh Hà cho biết.
Cụ thể, PGS.TS Trần Mạnh Hà chỉ ra rằng việc học trực tuyến thường thiếu sự tương tác trực tiếp, dễ gây nhàm chán và khó duy trì động lực học tập của người học. Thiết kế khóa học cần đầu tư thời gian, công sức để tăng cường sự tương tác trong các video, diễn đàn thảo luận, bài tập và bài kiểm tra.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khóa học MOOC
Trước những khó khăn của hoạt động triển khai các khóa học MOOC, PGS.TS Trần Mạnh Hà đề xuất các giảng viên cần thiết kế nội dung khóa học đa dạng, phù hợp với trình độ và nhu cầu người học. Các khóa học cần vận dụng câu hỏi tích hợp video, tăng tính đa dạng của các tương tác, diễn đàn thảo luận, bài tập tình huống để duy trì sự hứng thú của người học. Đồng thời, hình thức đánh giá khác nhau như trắc nghiệm, bài tập nhóm cũng cần được chú trọng để tăng tính công bằng và chính xác cho người học. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình giảng dạy cần được cập nhật thường xuyên, phù hợp với sự phát triển của kiến thức và công nghệ.
Tại chương trình, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đến từ các đơn vị trường đại học thành viên đã có ý kiến, đóng góp nhằm hoàn thiện và phát triển hệ thống khóa học MOOC. Theo đó, các đại biểu cho rằng để nâng cao hiệu quả khi đào tạo theo hình thức MOOC cần phải có mục tiêu rõ ràng trong công tác đào tạo. Đồng thời, sự đồng nhất về hình thức truyền đạt kiến thức giữa các giảng viên giảng dạy theo nhóm cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút người học.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa đề xuất cải tiến cơ sở vật chất, các phòng ghi hình phục vụ đào tạo trực tuyến, giúp giảng viên có thể trình bày bài bảng sinh động, trực quan và thu hút người học. PGS.TS Trần Thiên Phúc cũng cho biết Trường ĐH Bách Khoa sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị thành viên trong hệ thống ĐHQG-HCM về việc xây dựng các phòng dành riêng cho đào tạo trực tuyến.
Đại diện Trường Phổ thông Năng khiếu bày tỏ quan điểm về việc truyền tải bài giảng dưới hình thức trực tuyến. Theo đó, cách giảng dạy truyền thống trên lớp không còn phù hợp với việc đào tạo trực tuyến, đòi hỏi giảng viên phải thay đổi và cập nhật để mang lại hiệu quả cao.
MẠNH QUANG - KHẮC HIẾU
Hãy là người bình luận đầu tiên