Tin tổng hợp

Chống tin tức giả: Cuộc chiến còn dài

  • 12/09/2017
  • Công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo, tính chất truyền thông toàn cầu ở thế kỷ XXI. Giới làm báo và công chúng chưa hết nỗi ngạc nhiên và sung sướng trước những tiện ích vượt trội của các phương tiện truyền thông mới, nhất là các trang mạng xã hội, thì giờ đây, tất cả đều đang đối mặt với một vấn nạn nhức nhối khởi phát từ nó: Tin tức giả mạo tràn lan, kéo theo những hệ lụy khó lường…


        Trước đây, giới làm báo và công chúng gọi tin tức không có thật là tin vịt, tin bịa, tin thất thiệt. Tuy nhiên, từ năm 2009, đặc biệt là từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016 đến nay, khái niệm fake news (tin giả, tin tức giả, tin tức giả mạo) trở nên “đình đám”, cuốn hút sự quan tâm của toàn xã hội.

    Tin tức giả và “hệ sinh thái truyền thông mới”

        Tin tức giả (fake news) là tin tức được đưa ra không dựa trên sự thật, hoặc chỉ dựa trên một phần sự thật, hoặc phóng đại sự thật, hoặc bóp méo sự thật để dẫn dụ công chúng đi theo ý đồ của chủ thể thực hiện truyền thông. Tin tức giả tồn tại như “một phần tất yếu” của đời sống xã hội. Con người luôn hiếu kỳ (thích chuyện mới lạ, bất ngờ, đầy tính kích thích) mà năng lực và điều kiện để hiểu biết thế giới chung quanh lại có giới hạn. Tin tức giả ra đời, một phần gõ đúng vào nhu cầu và tâm lý đó của con người. Mặt khác, trong xã hội cũng không ít tổ chức, cá nhân chủ tâm “sản xuất” tin tức giả với nhiều mục đích khác nhau - mà thường là bất minh - như mua vui, cạnh tranh, trả thù, gây chiến… Nạn nhân của tin tức giả thường có kết thúc chẳng mấy vui vẻ, thậm chí còn có thể nhận lấy hậu quả thảm khốc! Nhẹ thì một phen “tẽn tò”, nặng thì “tiền mất tật mang”, kinh khủng hơn thì bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh “đầu rơi, máu đổ”…

        Thời kỳ tiền báo chí, tin tức giả truyền đi dưới dạng tin đồn, tin mật, tin rỉ tai, sấm truyền… Ở Ý, vào ngày lễ Phục sinh năm 1475, tràn ngập tin đồn rằng một đứa bé bị giết tàn bạo bởi người Do Thái làm cho chính quyền và dân chúng vô cùng phẫn nộ. Hậu quả là chính quyền và dân chúng truy bắt 15 người Do Thái hành hình để rửa hận! Thảm án Lệ Chi Viên (1442) khiến nhà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc cũng từ một tin rỉ tai khởi phát ở chốn hậu cung.

        Khi báo chí ra đời, tin tức giả có phần bị thu hẹp bởi cú “sốc” thông tin theo chuẩn mực “công khai, chính xác, cập nhật, trách nhiệm” của báo chí. Tuy nhiên, không lâu sau, tin tức giả bắt đầu thích ứng, thực hiện một cuộc “lột xác” và tìm mọi cách “hóa thân” tinh vi vào tin tức báo chí. Báo chí trở thành đối tượng lạm dụng, thỏa hiệp hoặc mua chuộc của người làm tin tức giả. Lúc này, tin tức giả có thêm một kênh truyền tải mới, nhanh nhạy hơn, rộng rãi hơn và nguy hiểm hơn. Nhưng tin tức giả xuất hiện trên báo chí, dù vô tình hay cố ý, không chóng thì chày cũng bị phát hiện. Khi đó, tác giả của nó, tờ báo đăng tải nó sẽ bị luật pháp và công chúng trừng phạt.Sự kiện tờ báo lừng danh ở Mỹ, đoạt 104 giải Pulitzer - The New York Times - đăng bài dài 14.000 chữ vào ngày 11/5/2003 để cáo lỗi độc giả về những thông tin bịa đặt trong 36 bài viết của phóng viên Jayson Blair, cho thấy tin tức giả “đu đeo” báo chí về lâu dài luôn “lợi bất, cập hại”!

        Internet ra đời vào giữa thập niên 1980 làm đảo lộn tận gốc nền tảng vật chất kỹ thuật truyền thông nhân loại, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của báo trực tuyến (1997), các trang mạng xã hội khổng lồ Google (1998), Facebook (2004), Twitter (2006), Instagram (2010)… cùng hàng triệu trang thông tin cá nhân khác. Tất cả tạo nên một “hệ sinh thái truyền thông mới” trên phạm vi toàn cầu.

        Những ưu thế tuyệt vời của “hệ sinh thái truyền thông mới” nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ để tin tức giả bành trướng khiến xã hội quay cuồng. Đây chính là một trong những mặt trái dễ thấy nhất của mạng xã hội, như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng cảnh báo: “Nhìn trên trang Facebook chẳng khác gì khi bạn mở tivi”, và “một khi tất cả như nhau không có gì khác biệt, nên chúng ta sẽ không biết phải bảo vệ cái nào”.

        Tin tức giả cắm sâu vào mạng xã hội vì các lý do: (1) Đó là môi trường ảo, cả người sản xuất thông tin lẫn người tiêu thụ thông tin đều có thể ẩn bằng một nickname hay một avatar bất kỳ, nên rất khó phát hiện đâu là tác giả thật của tin tức giả; (2) Tốc độ phát tán thông tin gần như “tự động” theo cấp số nhân, vượt qua mọi rào cản thông thường; chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc một máy tính nối mạng thì ai cũng có thể trở thành “nhà truyền thông”, làm người sản xuất tin tức giả; (3) Thông tin được đưa ra với dung lượng cực lớn,hình thức đa dạng nhưng không qua quy trình kiểm duyệt chuyên nghiệp nào, người đưa tin tức giả thỏa sức “múa gậy vườn hoang”; (4) Người dùng có thể chỉnh sửa, tháo gỡ nội dung mình đăng tải một cách dễ dàng và người làm tin tức giả xóa dấu vết của mình rất mau chóng. Bốn “bệ đỡ” này làm cho tin tức giả, từ con rắn lá luồn lách trong tán cây truyền thông, biến thành mãng xà vương nhiều đầu, nhảy xổ ra xa lộ thông tin, công khai phun nọc độc vào xã hội.

    Tin tức giả, thuyết âm mưu và tâm lý đám đông

        Các tin tức giả chỉ là trò đùa “Cá tháng Tư” hoặc đơn giản do ấu trĩ về nghiệp vụ của giới truyền thông mang lại, kiểu như Sharapova sang Việt Nam thành lập Câu lạc bộ cầu lông Bangky ở TP.HCM của hãng thông tấn UPI, hay bức ảnh chụp chiếc máy bay chở khách cỡ nhỏ dính đầy mũi tên được trang tin Snopes chú thích là “Máy bay chở tổng thống Mỹ bị cộng đồng dân tộc bản địa ở bang Bắc Dakota bắn hạ”…, nhìn chung không khó kiểm chứng đối với giới chuyên môn và công chúng. Đó là những tin tức giả được xếp vào loại ít nguy hiểm.

        Nhưng trong một thế giới đầy tính cạnh tranh và chất chứa nhiều xung đột ngấm ngầm hoặc công khai như hiện nay, không hiếm tin tức giả về chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo, sắc tộc đóng vai trò là bình phong, là kẻ tiền trạm của thuyết âm mưu. Đầu năm 2016, trên mạng xã hội xuất hiện tin tức giả về một bé gái người Nga 13 tuổi sống ở Đức, bị cưỡng hiếp tập thể ở Berlin. Câu chuyện được nhiều hãng tin chính thống Nga và Đức đăng lại, khiến quan hệ ngoại giao Nga - Đức rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nga cáo buộc Đức “tìm cách cho chìm xuồng vụ việc”. Đức phản pháo rằng đây là “một thủ đoạn kiểu KGB” của Nga. Đến nay, giới chính trị gia và giới báo chí Mỹ, nhất là những người ủng hộ đảng Dân chủ, vẫn chưa hết hoài nghi về sự can thiệp của Nga bằng hàng loạt tin tức giả đã dẫn đến sự thất bại của bà Hillary Clinton trước đối thủ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào cuối năm ngoái. Tờ Washington Post quy kết truyền thông nhà nước Nga đã “nâng cấp” nhiều tin tức giả trên mạng xã hội thành một chiến dịch xuyên tạc rộng lớn “nhằm gây mất lòng tin vào nền dân chủ Mỹ và các lãnh đạo của nó”. Sự leo thang căng thẳng quan hệ Mỹ - Nga gần đây, người ta thấy lởn vởn bóng ma tin tức giả trong đó, như là một tác nhân kích hoạt. 

        Tâm lý đám đông gắn liền với sự mù quáng và nỗi ám ảnh cố hữu bên trong mỗi con người: sợ tha nhân bỏ rơi, sợ bơ vơ, lạc lõng trong trăm mối hiểm nguy vô hình. Nó là mồi ngon cho kẻ quyền lực (và nham hiểm), là đối tượng và phương tiện để tin tức giả lan truyền. Khi tin tức giả cộng hưởng với tâm lý đám đông thì bi kịch sẽ giáng xuống đầu bất kỳ một ai và tình trạng vô pháp trong xã hội sẽ được dấy lên, hậu quả rất khó tiên lượng.

        Ngày 20/7/2017 tại tỉnh Hải Dương, tin tức giả (có kẻ thôi miên bắt công trẻ em) và tâm lý đám đông của dân chúng trở nên nguy hiểm như một lò thuốc súng. May nhờ chính quyền can thiệp kịp thời, giải thoát được hai nạn nhân - là người đi mua đồ gỗ - còn chiếc xe hơi của họ thì bị thiêu rụi hoàn toàn! 4 ngày sau, cũng từ tin tức giả có kẻ bắt cóc trẻ em, hai phụ nữ bán tăm dạo đã bị hàng trăm người dân quá khích ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đánh đập dã man. Một nhân chứng cho biết: “Lúc đó, nhóm người quá hung hãn nên chúng tôi không dám ra can ngăn vì sợ nếu can thì người ta hiểu nhầm mình là đồng bọn, họ sẽ lao vào đánh luôn cả mình”. Ý thức đám đông bị hỏa mù tin tức giả làm cho u mê, tăm tối!

        Tin tức giả, thuyết âm mưu và tâm lý đám đông đều là những hiện tượng tiêu cực ký sinh trênbáo chí và mạng xã hội. Chúng có con đường, phương thức tác động riêng. Và khi kết hợp hoặc cộng hưởng với nhau, chúng như “hổ mọc thêm cánh”, trở thành hiểm họa kép đối với cuộc sống con người.


    Thời đại của tin tức giả?

        Năm 1962, trong cuốn Hình ảnh (The Image), nghiên cứu về dòng chảy xiết ngày càng mạnh của truyền thông Mỹ, nhà sử học Daniel Boorstin đã tiên đoán không mấy lạc quan rằng: “Trong một xã hội dân chủ, con người có thể bị nhấn chìm bởi những sự kiện giả tạo. Tự do ngôn luận và tự do báo chí bao gồm cả tự do tạo ra những tin tức giả”. Khi truyền thông bùng nổ thì tin tức giả cũng sẽlan tràn, như một “định mệnh” nghiệt ngã.

        Tiên đoán của Daniel Boorstin đã trở thành hiện thực. Tin tức giả không chỉ được mọi người chứng nghiệm trong thực tế khi tiếp cận các phương tiện truyền thông và mạng xã hội mà còn được miêu tả, phân tích một cách chân xác, lạnh lùng trong những công trình nghiên cứu dầy dặn xuất bản trong thời gian gần đây, tiêu biểu là cuốn Tin tức Trái đất phẳng (Flat Earth News, 2009) của “phóng viên danh tiếng” người Anh Nick Davies và cuốn Tin tôi đi, tôi đang nói dối đấy (Trust me, I’m lying, 2013) của “bậc thầy truyền thông” người Mỹ Ryan Holiday. Hai tác giả luận chứng công phu, kỹ lưỡng về thực trạng, nguyên nhân và cách thức sản xuất tin tức giả của giới truyền thông chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư như thế nào.

        Theo Davies, tin tức trên báo chí, kể cả báo chí ở những quốc gia sớm có truyền thống thượng tôn nguyên tắc “chính xác, khách quan, công bằng” của tin tức, ngày càng chất chứa nhiều nội dung sai lệch, ngụy tạo, bất khả tín vì sự “đồng lõa giữa chủ sở hữu tờ báo và các công ty PR, quảng cáo”… Thậm chí “những người muốn can thiệp vào dòng tin tức cũng không nhất thiết đột nhập vào đây qua văn phòng của chủ báo hay văn phòng quảng cáo, bởi vì cửa trước của các phòng tin tức vẫn mở rộng cho họ”. Tin tức  giả về thảm họa Y2K vào năm 2000, tin tức thổi phồng về dịch cúm A/H1N1 vào năm 2009 trên báo chí toàn cầu, thực chất là do các chuyên gia PR, quảng cáo lão luyện sản xuất và lèo lái.

        Tình trạng trì trệ và thiếu công khai, minh bạch thông tin của chính phủ hoặc của cơ quan thẩm quyền cũng là tác nhân nảy sinh tin tức giả và thuyết âm mưu. Tổng thống Barack Obama đi nghỉ dưỡng thường niên nhưng Nhà Trắng chưa kịp ra thông cáo báo chí, đã có báo loan tin thất thiệt tổng thống bị tai nạn và đang điều trị bí mật trong một bệnh viện! Sự chậm trễ trong quá trình điều tra chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích (2014) kéo theo không ít tin vịt ra đời: bị không tặc, bị tên lửa Trung Quốc bắn hạ, bị người ngoài hành tinh bắt cóc…

        Tác giả Tin tức Trái đất phẳng còn nhấn mạnh rằng, khi báo chí tự nguyện hay bị lôi kéo vào mục đích tuyên truyền cho quyền lực thì tin tức giả có thể xuất hiện với quy mô rộng lớn. Chẳng hạn, ông chứng minh, phần lớn tin tức trên báo chí Mỹ và nhiều quốc gia khác về cuộc chiến ở Trung Đông (2003) đều do CIA làm tác giả kiêm đạo diễn: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, có một chiến lược được phối hợp nhịp nhàng thao túng nhận thức toàn cầu. Và truyền thông đại chúng đã suy yếu hoạt động như những trợ lý ngoan ngoãn của nó”. Trong đó, “CIA có khả năng bơm thông tin sai lệch vào các cơ quan truyền thông đại chúng thông qua 800 ‘tài sản’ nằm rải rác ở mọi quốc gia trên thế giới, tất cả đều được ngụy trang (…). CIA có đủ sức mạnh để thêu dệt tin tức bất kỳ khi nào họ muốn mà không phải lộ mặt”. Không kể những quốc gia độc tài, chuyên chế mà ngay ở Mỹ, nơi chính quyền luôn tỏ ra cởi mở với báo chí, nếu tin tức được cung cấp từ chỉ một nguồn thì đó có thể là tin tức giả. Ngày 31/5/2011, Tổng thống Obama và liền sau là bộ phận truyền thông Nhà Trắng tuyên bố đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama binLaden. Toàn bộ chi tiết, hình ảnh, diễn biến câu chuyện này, báo chí toàn cầu đều loan theo nguồn tin duy nhất, bởi không có phóng viên nào được tiếp cận hiện trường, gặp gỡ nhân chứng cũng như phỏng vấn thành viên của đội đặc nhiệm - những thao tác nghiệp vụ thiết yếu của nhà báo khi đưa tin tức về một sự kiện quan trọng và nhạy cảm như vậy. Cho nên, dù vẫn phải chạy tin bài về Osama binLaden bị giết nhưng các nhà báo phân tích, điều tra vẫn luôn đặt dấu hỏi về tính xác thực của những tin tức mà mình đăng tải!

        Trong khi Nick Davies tập trung mổ xẻ tin tức giả trên báo chí truyền thống thì Ryan Holiday “tự thú” những mánh khóe của mình và đồng nghiệp làm tin tức giả trên các trang blog và mạng xã hội. Trong Lời nói đầu cuốn sách, ông thành thật cho biết: “Dù không cố ý, nhưng tôi đã tạo ra một bộ máy truyền thông được dùng để lừa gạt, ve vãn/ngọt nhạt và đánh cắp thứ quý giá nhất trên thế giới: thời gian của mọi người. Tôi sẽ chỉ cho các bạn biết tất cả những mánh khóe này và ý nghĩa của chúng”.

    Theo Ryan, sản xuất tin tức giả trên mạng xã hội đã là một ngành công nghiệp phát đạt với sự góp mặt ngày càng đông những phù thủy truyền thông thượng thặng. Ở từng trường hợp và thời điểm cụ thể, người ta sản xuất tin tức giả trên mạng xã hội với mức độ, sắc thái và mục đích khác nhau nhưng chung quy vẫn không nằm ngoài câu chuyện kiếm tiền. “Lượng truy cập chính là tiền.(…) các trang blog kiếm tiền dựa vào việc bán quảng cáo. Những mục quảng cáo này được trả theo số lượt hiển thị (…). Một trang web có thể có nhiều đơn vị quảng cáo. Doanh thu của chủ trang được tính bằng số quảng cáo nhân với số lượt truy cập”. Ý của Ryan là chủ trang web phải làm mọi cách để thu hút công chúng, rồi sau đó bán lượng công chúng của mình cho các nhà quảng cáo: công chúng càng nhiều, doanh thu càng cao. Đó là một thứ ma lực đầy quyến rũ, kích thích các lò sản xuất tin tức giả chuyên nghiệp hình thành và hoạt động bất chấp pháp luật, đạo đức. Paul Horner - một người chuyên tạo tin tức giả và lan truyền chúng trên Facebook - tiết lộ rằng công việc tạo tin tức giả trên Google AdSense mang lại cho anh ta khoảng 10.000USD mỗi tháng. Tương tự, một sinh viên 19 tuổi có tên giả là Goran cũng đã cắt dán nhiều bài, tổng hợp thành tin mới về Donald Trump,đăng trên Facebook. Khi những người Mỹ bấm vào bài báo, hoặc thích, chia sẻ, cậu ta có tiền nhờ quảng cáo trên trang, tới 1.800euro/tháng.


    Mặt trận toàn cầu chống tin tức giả

        Tin tức giả như con quái vật nhiều đầu không chỉ đe dọa nghiêm trọng uy tín và tương lai của báo chí mà còn làm nhiễu loạn đời sống tinh thần, chính trị, kinh tế của hầu hết các quốc gia. Vì thế, ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu, giới hoạch định chính sách, giới truyền thông, giới hoạt động xã hội đã từng bước phối hợp đưa ra “gói” giải pháp đa dạng nhằm ngăn chặn làn sóng tin tức giả, bao gồm giải pháp về hành chính - pháp luật, giải pháp về kỹ thuật - công nghệ, giải pháp về đạo đức - lương tâm, giải pháp về nhận thức - giáo dục…

        Không hề ngẫu nhiên khi người tự “lãnh ấn tiên phong” trong cuộc chiến chống tin tức giả là các cường quốc.Nước lớn luôn là trung tâm sản xuất tin tức giả đồng thời cũng là đối tượng tấn công hàng đầu của mọi loại tin tức giả. Từ năm 2000, chính quyền Mỹ cho phép cảnh sát và nhân viên an ninh theo dõi những đối tượng có thể tung tin tức giả lên mạng xã hội. Điều này được tờ The Nation xác nhận qua bài Cảnh sát đang đọc phản hồi trên Facebook của bạn, trong đó cho biết 151 thành phố, hạt trên toàn Liên bang Hoa Kỳ đã chi hàng triệu đôla cho các phần mềm giám sát hoạt động của người dùng trên mạng xã hội. Tháng 3/2016, Bộ Tư pháp Đức trình một dự luật lên quốc hội trong đó có điều khoản phạt tới 50 triệu euro (53,8 triệu USD) đối với các công ty mạng xã hội chậm chạp trong việc dỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp, bao gồm tin tức giả, kích động hận thù và bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Ở Nga, ngày 21/11/2016, Cơ quan liên bang giám sát công nghệ thông tin liên lạc và các phương tiện truyền thông (Roskomnadzor) gửi lời kêu gọi đến người dùng mạng xã hội hãy cùng thảo luận những khả năng để hạn chế và phong tỏa tin tức giả. Việc chính phủ Việt Nam tăng cường xử phạt các cơ quan báo chí và cá nhân dùng mạng xã hội đăng tin tức giả (Dịch Ebola đến Việt Nam, Cây chổi quét rau, Lễ hội sờ ngực thiếu nữ làm từ thiện…) diễn ra gần đây, có lẽ cũng nằm trong nỗ lực chung của các nước.

        Song song đó, trước áp lực của chính quyền và công chúng, chủ sở hữu các trang mạng xã hội khổng lồ cũng tỏ ra đồng thuận trong việc chống đăng tải và phát tán tin tức giả bằng các giải pháp kỹ thuật - công nghệ. Tháng 10/2016, Google giới thiệu tính năng Fact Check ở Mỹ và Anh để kiểm tra độ tin cậy của hàng triệu thông tin được tìm kiếm mỗi ngày. Hiện tại tính năng này có mặt trên Google toàn cầu. Facebook cũng bắt đầu vô hiệu hóa khả năng biên tập phần duyệt trước các đường link mà mọi trang Facebook đã đăng tải, ngoại trừ một số nhà xuất bản nguyên gốc. Đây là cách khả dĩ chống lại tin tức giả nhưng không làm ảnh hưởng tới các tờ báo và hãng tin chân chính.

        Một giải pháp chống tin tức giả truyền thống và phổ biến là nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, rộng ra là giới hoạt động truyền thông. Nick Davies, trong cuốn sách của mình, đã viết những dòng thiết tha về sứ mệnh của báo chí: “Đối với nhà báo, giá trị được định nghĩa là tính trung thực - nỗ lực kể sự thật. Đó là mục tiêu hàng đầu của chúng ta. Tất cả việc làm của chúng ta - và tất cả những gì nói về chúng ta - đều phải xuất phát từ nguồn duy nhất là nói sự thật”. Thay vì nhắm mắt chạy đua với thời gian, dựa dẫm thông tin trên mạng xã hội, người làm báo nên tập trung chăm lo việc mang lại sự thật và điều hữu ích cho người dân - đối tượng dễ bị tổn thương trước các định chế quyền lực trong xã hội. Đó là phương cách hữu hiệu để lấy lại chỗ đứng và lòng tin của báo chí trong công chúng. Đối với người dùng mạng xã hội, giới nghiên cứu truyền thông thường kêu gọi và khuyến cáo rằng cần phải thận trọng và trách nhiệm khi post một status, send một comment, bấm like hay share một tin bài trên trang mạng, vì hành động đó, rất có thể vô tình bạn trở thành người loan truyền, người ủng hộ, người phát tán tin tức giả!

        Tuy nhiên, giải pháp được giới nghiên cứu truyền thông và giới đại học kỳ vọng nhất là tổ chức các khóa huấn luyện cho công chúng, giúp họ trở thành những độc giả thông minh và “miễn dịch” với tin tức giả. Các chương trình huấn luyện mang tên Media Literacy ở châu Âu hay News Literacy ở Mỹ đều hướng đến đối tượng công chúng trẻ tuổi, trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng căn bản để phân biệt được tin tức với thông tin, kiểm tra nguồn tin, đánh giá mức độ chính xác và tin cậy của các loại thông tin, phát hiện tin tức giả, ảnh giả trên báo chí và mạng xã hội… Các chương trình này cũng đề cao giá trị chuẩn mực của tin tức báo chí,xác lập những nguyên tắc đạo đức cốt lõi của người dùng Facebook và các trang mạng xã hội. Hiện nay, các chương trình dành cho độc giả thông minh đã được triển khai ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…

        Tất cả giải pháp trên chỉ là phát súng mở màn cho cuộc chiến chống tin tức giả. Mỗi giải pháp đều có ưu điểm và giới hạn riêng của nó.Thế giới tuy phẳng nhưng tồn tại quá nhiều mâu thuẫn, xung đột về lợi ích. Do vậy, tin tức giả vẫn còn đất sống. Và cuộc chiến chống lại nó sẽ còn dài.

    NGUYỄN HÀ

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên