Tin tổng hợp

Di sản văn học Nam kỳ đã náu mình quá lâu

  • 22/04/2019
  • Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân - Chủ biên tập sách Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 trong buổi giới thiệu tác phẩm này tại Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, sang 22/4. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG-HCM, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu văn học hàng đầu tại phía Nam tham gia.

    PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ quá trình nghiên cứu của nhóm tác giả tại buổi giới thiệu sách.

    PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, sự tiếp xúc với Pháp đã tạo nên cú hích cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Tại Nam kỳ, đó là sự ra đời của chữ quốc ngữ và hình thành tờ báo quốc ngữ đầu tiên trong cả nước - Gia Định báo. Hoạt động của báo chí, ấn loát và xuất bản đã tạo nên môi trường sinh hoạt văn học quốc ngữ hết sức đa dạng với những cây bút tiên khởi như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh…

    “Tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam theo chúng tôi đã bắt đầu ở Nam kỳ, gắn liền với các sự kiện về chữ quốc ngữ và báo chí. Nam kỳ là nơi khai sinh của hầu hết các thể loại văn học hiện đại như văn xuôi hư cấu, du ký, kịch hiện đại, tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ mới. Dù nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết bài thơ Tình già đã được Phan Khôi công bố lần đầu trên một giai phẩm xuân năm 1932 của báo Đông Tây, xuất bản tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến khi bài thơ này xuất hiện trên báo Phụ Nữ Tân Văn tại Sài Gòn qua bài viết Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, bài thơ này mới thực sự tạo tiếng vang để mở đầu cho phong trào thơ mới rực rỡ sau đó” - PGS.TS Thanh Xuân nhận định.

    Chủ biên tập sách Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 cho biết thêm, tác phẩm chủ yếu sử dụng phương pháp miêu tả, tái hiện sự kiện, để sự kiện tự cất lên tiếng nói của mình. “Sau khi truy tầm tài liệu từ Nam ra Bắc qua các trung tâm lưu trữ quốc gia, thư viện, nhóm tác giả đã tập hợp 64 tờ báo có bài viết liên quan với hơn 1.800 trang bài được chọn lọc. Đó là những tư liệu gốc được chúng tôi sao chụp lại. Với những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, chúng tôi đều dịch mới và rà soát, đối chiếu một cách cẩn trọng với các văn bản khác. Di sản văn học Nam kỳ đã náu mình quá lâu. Đã đến lúc để những di sản ấy được trả về đúng vị trí của mình” - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ.

    Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, từ năm 2005, Khoa Văn học đã dồn trọng tâm vào việc nghiên cứu về văn học quốc ngữ ở Nam bộ với nhiều đề tài cấp ĐHQG-HCM được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Công trình Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 là một bước tiến tiếp theo, nghiên cứu sâu hơn trên bình diện lý luận, phê bình văn học, góp phần định hình diện mạo di sản văn học Nam kỳ một cách sâu sắc hơn.

    “Tính đa dạng về tư liệu trong công trình này cho thấy sự dày công sưu tầm, khảo cứu tài liệu gốc của các tác giả. Đồng thời, quan niệm nghiên cứu về các tác giả văn học Nam kỳ thời kỳ này đều mang tính gợi mở, không còn những định kiến chính trị như nhiều nghiên cứu trước đây cũng như thoát khỏi nhận thức trung tâm - ngoại vi, xem Hà Nội là trung tâm văn hóa - văn học của cả nước” - PGS.TS Đoàn Lê Giang đánh giá.

    PGS.TS La Khắc Hòa - Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng ngoài những đóng góp quý giá về mặt tư liệu sáng tác, các tác giả của công trình cần lưu ý đến mảng dịch thuật của của giới trí thức Nam kỳ đầu thế kỷ 20 để tạo sự đa dạng trong cách tiếp cận về di sản của nền văn học này.

    Công trình Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 do NXB Giáo Dục ấn hành gồm hai phần chính. Phần một là tổng luận gồm bảy chương khái quát về lịch sử, xã hội, văn hóa và văn học Nam bộ qua các giai đoạn 1865-1912, 1913-1929, 1930-1945, 1946-1954 cùng với những đặc điểm, xu hướng, thành tựu, hạn chế… Phần hai giới thiệu 27 tác giả tiêu biểu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phan Khôi, Hồ Hữu Tường… Công trình thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu uy tín như: GS Huỳnh Như Phương, nhà văn bản học Lại Nguyên Ân, PGS.TS Võ Văn Nhơn…

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên