Tin tổng hợp

Thủ khoa thi ĐGNL: Đừng tự đóng khung kiến thức vào khối ngành nào

  • 18/07/2019
  • Khi được hỏi, “có nghĩ rằng mình sẽ thủ khoa không?”, Nghĩa cười nói: “Em chỉ biết là cố gắng làm hết sức mình thôi. Hơn nữa, ba em có nói nếu được thủ khoa sẽ thưởng lớn cho”.

    Nguyễn Phú Nghĩa - Thủ khoa Kỳ thi ĐGNL năm 2019 do ĐHQG-HCM tổ chức. Ảnh: NVCC

    1.108/1.200 điểm, Nguyễn Phú Nghĩa - cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG-HCM đã trở thành Thủ khoa kỳ thi ĐGNL năm 2019 do ĐHQG-HCM tổ chức. Phú Nghĩa cho biết sẽ xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL vào ngành Công nghệ Thông tin - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM. Riêng Kỳ thi THPT Quốc gia, Phú Nghĩa đạt 27,05 điểm ở khối A1.

    Học đều chứ không học lệch

    * Nghĩa đến với Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) như thế nào?

    - Từ hè năm lớp 11 lên 12 em tìm hiểu về ba phương thức xét tuyển đại học là ưu tiên xét tuyển, kỳ thi THPT Quốc gia và kỳ thi ĐGNL. Em xem qua đề mẫu ĐGNL thấy khá thú vị nên em quyết định thi.

    Bài thi ĐGNL tạo nhiều hứng thú về cách đặt vấn đề, buộc tụi em phải tư duy theo một cách khác chứ không theo khuôn mẫu được dạy trên ghế nhà trường phổ thông. Với các đề thi khác, thí sinh có thể dựa vào kinh nghiệm giải đề trước đó để hoàn thành bài thi. Nhưng với ĐGNL, nếu bạn không thực sự tiêu hóa được kiến thức đã học và tích lũy kiến thức đời sống, bạn sẽ không thể làm tốt bài thi này.

    Trong bài thi năng lực, em hứng thú với phần thi logic nhất vì tính tư duy của nó. Nó mới lạ và khác những bài học mà thầy cô giao trên trường. Nó ứng dụng thực tế nhiều hơn, không đơn thuần là một bài toán, phương trình mà dưới dạng câu đố, làm nó vui hơn làm toán, lý, hóa thông thường.

    * Bài thi ĐGNL dàn trải kiến thức trên nhiều lĩnh vực trong khi học sinh thường có xu hướng học lệch theo khối. Nghĩa có cảm thấy khó khăn khi làm bài thi này không?

    - Lúc đầu em khá lo nhưng nếu mình định hướng ngay từ đầu là chọn thi ĐGNL mình sẽ làm bài tốt hơn. Việc điều chỉnh từ năm 12 như tụi em đến với kỳ thi ĐGNL có hơi trễ. Em cũng có may mắn từ lớp 10 đã dần tìm hiểu về các môn khác chứ không đóng khung bản thân vào các môn tự nhiên. Nếu chúng ta biết tìm tòi, học hỏi nhiều hơn về văn hóa lịch sử sẽ hữu ích cho quá trình làm việc sau này. Như ba em nói, kiến thức chuyên môn sẽ không đủ vì khi rời khỏi nhà trường, một người muốn thành công còn phải có vốn hiểu biết về xã hội. Việc học đều sẽ luôn tốt hơn học lệch.

    * Vậy khi học lớp 10, điều gì tạo nên sự thay đổi trong em, rằng phải học đều hơn?

     - Ở Trường Phổ thông Năng khiếu có cuộc thi truyền thống của trường là Entropy. Vào năm lớp 10, tham gia kỳ thi này, em thuộc top 16 để vào vòng bán kết. Đợt đó, lớp em chỉ có mình em thi nên các bạn trong lớp ai biết điều gì, giỏi cái gì sẽ bồi dưỡng cho em những kiến thức sở trường của các bạn. Lúc đó, em nhận ra mình phải tìm hiểu nhiều thứ hơn nữa.

    Lúc đầu, thi ĐGNL chỉ là con đường phụ của em. Nhưng khi thi em cảm thấy việc học của mình cần thực chất hơn, sâu hơn nên em buộc phải thay đổi. So với kỳ thi THPQ QG, thi ĐGNL nhẹ nhàng hơn, kiến thức rộng nhưng không đòi hỏi phải hiểu quá sâu. Bài thi đánh giá được kỹ năng đọc hiểu nhiều hơn thuộc lòng và với mức độ vừa phải cũng một phần khuyến khích các bạn làm thử chứ không lụi ngay từ đầu - điều mà vô tình gây ra một số bất công không đáng có trong kì thi THPT QG. Vì thế bài thi theo em đã cho ban tuyển sinh một chân dung trọn vẹn hơn về thí sinh.

    Biết tự hào về quê hương

    * Đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT QG (27,05 khối A1) và thủ khoa thi ĐGNL, hẳn em tạo kỷ luật học tập khá tốt?

    - Năm lớp 10 và 11, em đặt nặng hơn về thành tích như theo quán tính cấp II, em học mọi thứ thầy cô giao. Lúc đó, em buộc phải sống chết vì nó. Nhưng sau này em thấy suy nghĩ ấy không khả quan. Bây giờ việc học với em là điều phải làm hơn là sống chết vì nó. Còn những thời gian khác, em dành cho các mối quan hệ xung quanh như gia đình, hàng xóm, bạn bè. Điều này giúp em vui vẻ và giảm áp lực học hành hơn.

    Về mục tiêu trong học tập, cơ bản là em chỉ duy trì danh hiệu học sinh giỏi, thứ hạng trong lớp. Em học là để giúp các bạn xung quanh hiểu bài nhiều hơn và em cũng thích điều đó.

    Quyển sách giúp việc học của em thay đổi khá nhiều là Tôi tài giỏi, bạn cũng thế. Nó cho em hiểu được sự tự lực của bản thân, phương pháp học tập và kỹ năng ghi nhớ mọi thứ cần thiết để học tốt hơn.

    * Công nghệ thông tin là đam mê của Nghĩa, đó cũng là ngành học mà em lựa chọn khi vào ĐH. Em có thần tượng doanh nhân nào trong lĩnh vực này không?

    - Là Bill Gates. Ngay từ nhỏ, em rất thích đọc sách về các danh nhân, và những người nổi tiếng trong giới khoa học. Bill Gates luôn tin rằng máy tính có thể thay đổi cuộc đời con người. Ông có tố chất của người thành công, và biết kiên trì với ước mơ của mình. Ở Bill Gates, em học được cách tôn trọng nguồn gốc của mình. Nhớ một lần ông gửi xe ở xa để không tốn tiền và đi bộ lại chỗ hội thảo. Khi được phóng viên hỏi tại sao ông lại tiết kiệm như vậy, Bill Gates nói rằng: ‘Con gái của tôi là con của người giàu nhất thế giới nhưng tôi là con của người đánh giày’. Mình tự hào nói lên nguồn gốc của mình, điều đó chứng tỏ mình đủ năng lực để nói như vậy. Do đó, em sẽ phấn đấu để trở nên như vậy, để có thể tự hào nói cho mọi người biết tôi sinh ra ở Việt Nam.

    * Hình dung về tương lai, em muốn mình sẽ là một người như thế nào?

    - Em muốn trở thành kỹ sư công nghệ, tạo ra phần mềm giúp ích cho xã hội. Cụ thể là một phần mêm liên quan đến hệ thống thoát nước. Bây giờ nạn thiếu nước diễn ra càng nhiều, em nghĩ mình cần phải làm điều gì đó giúp cho việc quản lý, và sử dụng nước không lãng phí. Em rất hứng thú với những vấn đề thiết thực như vậy.

    Em luôn muốn làm gì đó để thay đổi quê hương của mình. Quê em ở Quảng Nam, nhìn những thành phố khác như Đà Nẵng, sau vài năm vụt lên, em thấy mình nên làm gì đó cho quê hương của mình. Còn trước mắt, khoảng thời gian này em nên tập trung việc học nhiều hơn.

    Người luôn tìm hiểu sâu mọi vấn đề

    Cô Phong Lan - GVCN lớp 12 của Phú Nghĩa, cho biết: “Nghĩa là một học sinh ngoan, vui vẻ, năng động, tích cực trong học tập lẫn các phong trào trong lớp. Em ấy không thuộc tuýp học sinh mọt sách thường thấy mà sẽ là kiểu học hết sức chơi hết mình. Về quá trình học tập, Nghĩa chủ động trong suốt quá trình tiếp thu và ôn tập kiến thức. Việc học với Nghĩa cứ như không phải là một việc bắt buộc như ‘phải học’, Nghĩa luôn chủ động tìm hiểu sâu hơn”.

     

    PHIÊN AN

     

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên