Hội thảo

Công bố hơn 100 nghiên cứu mới về lĩnh vực Việt Nam học

  • 26/07/2019
  • Hơn 100 nghiên cứu mới nhất của các học giả trong nước và quốc tế đến từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Mỹ… đã được công bố tại Hội thảo “Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức ngày 26/7.

    PGS.TS Đoàn Lê Giang phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

    Khái quát về lịch sử nghiên cứu Việt Nam của các học giả quốc tế, PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho biết: “Kể từ ghi chép đầu tiên Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristophoro Borri, ngành Việt Nam đã có lịch sử gần 400 năm. 400 năm ấy cũng chính là quá trình Việt Nam đi ra thế giới, được biết đến ở thế giới, làm bạn với năm châu”.

    Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, quá trình lịch sử này găn liền với 5 giai đoạn nghiên cứu về Việt Nam, gồm: thế hệ Việt Nam học đầu tiên (du ký, hồi ký, từ điển của các nhà truyền đạo, thương gia châu Âu thế kỷ 16-18); thế hệ các nhà nghiên cứu Đông Dương người Pháp (tiêu biểu nhất là ở Viện Viễn Đông Bác Cổ); các nhà Việt Nam học ở các nước khác (đặc biệt là học giới Nhật, mở đầu là giáo sư lịch sử Trường Đại học Lục quân Hikita Toshiaki, tác giả của các công trình: Lịch sử quan hệ Pháp-An Nam (4 tập, 1888), An Nam sử); các nhà Việt Nam học quốc tế từ 1945 đến 1985 (Pháp, Nhật, Trung Quốc, Nga và Đông Âu); và các nhà Việt Nam học quốc tế từ 1985 đến nay.

    “Các nhà Việt Nam học này đã tìm hiểu, tạo dựng hình ảnh Việt Nam - bằng các công trình khoa học, để Việt Nam ngày càng được hiểu sâu hơn trong thế giới năm châu - một thế giới mà Việt Nam đang hòa mình trong ấy và làm sinh sắc thêm bằng những giá trị của mình” - Trưởng khoa Khoa Việt Nam học đánh giá.

    Hội thảo đã nhận được hơn 150 tham luận tập trung vào bốn lĩnh vực chính: (1) Việt Nam học quốc tế, (2) Việt ngữ học và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt, (3) Văn hoá - Văn học Việt Nam, (4) Lịch sử - Xã hội Việt Nam.  Nhiều tham luận nổi bật, thu hút sự thảo luận của các học giả như: Khảo sát lại lộ trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813-1814 và thứ tự các bài chữ Hán trong Bắc hành tạp lục (Nohira Munehiro), Lịch sử giảng dạy và học tập tiếng Việt tại Nhật Bản vào thế kỷ 18-20 (Shimizu Masaaki), Từ lịch sử Việt Nam học của nước Nga: Những sinh viên Đông Dương ở nước Nga Xô viết, các năm 1920-1930 (Socolov A.A)…

    Các học giả tham dự hội thảo.

    Tin, ảnh: TẤN ĐỒNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên