Tin tổng hợp

Một diện mạo mới về văn học Hàn Quốc

  • 14/09/2017
  • Giữa năm 2017, những ai quan tâm đến văn học Hàn Quốc tại Việt Nam được nhận một món quà quý: bộ sách Hợp tuyển văn học dân gian Hàn Quốc, Hợp tuyển văn học cổ điển Hàn Quốc, Văn học cổ điển Hàn Quốc - tiến trình và bản sắc, Giáo trình văn học Hàn Quốc và Dạo bước vườn văn Hàn Quốc. Có thể xem đây là một cuộc “đổ bộ” chuyên nghiệp và bài bản nhất của văn học Hàn Quốc vào Việt Nam từ trước đến nay.

       

     Bộ sách văn học Hàn Quốc ấn hành vào tháng 6/2017. 

        Không chỉ là một chuyên khảo dày dặn, công phu, phong phú và mang tính thẩm mỹ cao, bộ sách do PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền cùng với 25 tác giả, dịch giả uy tín của Hàn, Mỹ, Nhật và Việt Nam thực hiện có một trữ lượng lớn thông tin đáng tin cậy về văn học Hàn Quốc từ khởi thủy đến hiện đại, góp phần không nhỏ trong việc đặt nền tảng nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam và làm rõ hơn diện mạo văn học Đông Á. Đặc biệt, phần văn học Hàn Quốc cổ điển gần như được truyền tải trọn vẹn các trào lưu, tác giả và tác phẩm tinh hoa. Các thông tin này được trình bày khoa học nhưng không quá “hàn lâm”, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận của giới học thuật lẫn giới đại chúng. Độc giả có thể tiếp cận bộ sách theo tiến trình lịch sử văn học hay phân chia thành các nhóm như tương chiếu văn học - văn hóa, so sánh loại hình văn học, đặc điểm loại hình nhân vật, tác giả, đề tài, thể loại… nhưng cũng có thể tùy nghi mở bất cứ đề mục nào mà thư thả thưởng thức. 

        Mặc dù là một món ăn lạ với độc giả Việt Nam (đa số người Việt biết nhiều về phim ảnh, âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực Hàn Quốc) nhưng bộ sách không thiếu những nét thân quen. Chỉ riêng trong phần văn học dân gian, Công chúa Nakrang giúp người đọc liên tưởng đến Mỵ Châu Trọng Thủy, Kongchuy-Patchuy sao mà giống Tấm Cám quá đỗi, Nolbu-Heungbu tương đồng với Ăn khế trả vàng, Hà rầm hà rạc; Seo Dong-Seon Hwa gần gũi với Chử Đồng Tử - Tiên Dung… Trong khi đó, phần thơ ca cổ điển Hàn Quốc cũng cho thấy những dạng thức rất sát sao với văn học Việt Nam như dòng văn học của quý tộc và tăng lữ, hiện tượng kỳ nữ sáng tác văn chương, những áng thơ “thần” có sức mạnh của mười vạn quân, những chuyện tình văn nhân - ca nữ… Sang thời kỳ hiện đại, Hàn Quốc cũng có một phong trào “thơ mới” với thi phẩm mở đầu là Tiếng biển gọi thiếu niên của Choe Nam Seon, tiếp theo đó là hành trình để đi tới các giá trị văn học đương đại toàn cầu.

        Có thể thấy, ngoài phần nội dung về văn học sử đầy lôi cuốn và mới lạ, đóng góp quan trọng của bộ sách còn nằm ở chỗ: cung cấp được giáo trình văn học Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam với kiến thức khái quát và hệ thống về đặc trưng lý luận, phê bình, thi pháp văn học Hàn Quốc. Một số nhận định, đúc kết mới mẻ, chân xác, chẳng hạn cảm thức Tự nhiên, cảm thức Phong lưu, cảm thức Tính linh và cảm thức Hài hước… là những ngọn nguồn cơ bản tạo nên bản sắc văn học cổ điển Hàn Quốc.

        Bộ ba cuốn sách Chuyện tình ma nữ, Thi tăng Đông Á và Thượng Hải - Tokyo - Hà Nội - Seoul trong văn chương Đông Á đầu thế kỷ XX cùng xuất bản đợt này như những minh họa sống động và cụ thể cho chủ đề sáng tác, tác giả và bối cảnh của văn học Hàn Quốc trong mối quan hệ tương chiếu với các nền văn học Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

        Như vậy, sau các quyển Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á (2013), Những kỳ nữ trong thơ ca Đông Á, Huyền thoại lập quốc và Ngụ ngôn Hàn Quốc (2014), bộ sách về văn học Hàn Quốc vượt trội cả về độ dày cũng như độ sâu lần này sẽ giúp người đọc có dịp sưu tầm trọn vẹn các giá trị văn học Hàn Quốc để thưởng thức, nghiền ngẫm và tôn thêm giá trị cho kệ sách của mình. Qua việc tiếp cận một nền văn chương, người Việt chắc chắn sẽ cảm thấu xứ sở kim chi ở những góc độ khác: giàu mới mẻ và sâu lắng, đầy mơ mộng và bác ái, lắm dữ dội và đau thương, thừa tài hoa và trác tuyệt... Và theo lẽ thường, không gì diễn đạt trọn vẹn tâm hồn một dân tộc bằng công năng của ngòi bút.

    DIỄM TRANG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên