Kinh tế - Xã hội

Sử dụng hiệu quả nhân lực y tế

  • 04/10/2021
  • PGS.TS Vũ Minh Phúc, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
    ---------

    Chưa bao giờ chúng ta thấy nguồn nhân lực y tế quan trọng như hiện nay.  Dịch Covid-19 được xem như là một thảm hoạ, mà trong cấp cứu thảm hoạ, việc tổ chức, phân bố và sử dụng nhân lực y tế là yếu tố quyết định hiệu quả của công tác phòng chống dịch.

    Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng. Thành ngữ này từ xa xưa đến nay luôn đúng. Biết người là biết về tình hình dịch bệnh, tình hình bệnh nhân, tình hình diễn biến đột biến của virus. Biết ta là biết nguồn lực của ta, bao gồm nhân lực và vật lực. Trong bài viết này tôi không bàn đến vật lực, chỉ xin phép bàn về nguồn nhân lực y tế. Bài toán về nhân lực phải được đặt lên hàng đầu. Gần đây, với con số tử vong tăng cao dần, hiện tượng bệnh nhân F0 trở nặng không được phát hiện và chuyển viện đúng thời điểm, cho thấy có vấn đề về phân bố nguồn nhân lực.

    Hiện thành phố và trung ương đã và đang hỗ trợ hết sức mình cho công tác điều trị nhóm bệnh nhân nặng nhất ở tuyến cuối, trang thiết bị, máy móc và cả nhân lực. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý là phải bảo toàn hệ thống y tế. Chúng ta đã áp dụng mọi phương tiện phòng hộ cá nhân cũng như tập huấn để tránh phơi nhiễm cho nhân viên y tế, nhưng luôn phải có một lực lượng dự bị thay thế vì đây là cuộc đua đường trường. Hiện tôi thấy có mặt trên chiến tuyến hầu hết những bác sĩ giỏi nhất tập trung làm việc liên tục ngày đêm, e rằng nếu có vấn đề với những trụ cột này, sẽ không có người thay thế. Chúng ta nên luôn có sẵn 2-3 ê kíp nội lực tương đương nhau luân phiên. Nếu một người giỏi làm hết mọi việc thì không có tính bền vững. Các lực lượng chi viện cho thành phố từ các tỉnh, nếu địa phương của họ dịch bệnh diễn tiến phức tạp hơn, khi đó bắt buộc họ phải rút về và thành phố sẽ hao hụt nguồn nhân lực rất lớn. Cần phân chia thành những đội trong đó có những thành viên mức độ năng lực trải đều cùng làm việc và đồng thời huấn luyện, để chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

    Hiện nay ưu tiên của ngành y tế nên là: thứ nhất là giảm tỉ lệ tử vong, thứ 2 là chủng ngừa, thứ 3 mới là truy vết tách F0 khỏi cộng đồng. Để giảm tử vong ngoài việc tập trung nguồn nhân lực giỏi nhất cho các bệnh viện hồi sức tuyến cuối thì việc tập trung cho nhóm bệnh nhẹ và trung bình không nên xem nhẹ. Nếu không phát hiện và chuyển kịp thời những bệnh nhân trở nặng, tỉ lệ tử vong chắc chắn tăng. Để phát hiện nhóm trở nặng đòi hỏi bác sĩ rất có kinh nghiệm và rất nhạy lâm sàng. Không nên giao khoán các bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân nhẹ hiện nay cho những bác sĩ không thuộc chuyên khoa nội, nhiễm và không có kinh nghiệm lâm sàng nội khoa (như răng hàm mặt, da liễu, ngoại khoa…) vì như vậy rất nguy hiểm. Những nơi này cũng rất cần một số các bác sĩ kinh nghiệm để phân loại bệnh nhanh và chính xác, họ có thể nhìn là biết ngay bệnh nhân nào cần chuyển sớm. 

    Để chăm sóc nhóm F0 không triệu chứng và F1 tại nhà, ngoài y tế địa phương (y tế phường, quận) nên thiết lập hệ thống để tận dụng hệ thống y tế tư nhân để người bệnh đăng ký được theo dõi và tư vấn dưới sự kiểm soát trong hệ thống chung của thành phố, giảm gánh nặng cho hệ thống công lập . 

    Riêng việc tách F0 khỏi cộng đồng là một công việc hết sức khó khăn và kéo dài, ngốn rất nhiều tiền bạc và nguồn nhân lực. Với tình hình hiện nay, cần thay đổi chiến lược cho công việc này. Một lượng lớn nhân viên y tế toả đi khắp nơi lấy mẫu xét nghiệm làm RT-PCR, nhưng kết quả của các xét nghiệm này chỉ có giá trị 3-5 ngày. Khi cả nước là vùng dịch tễ như hiện nay thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, chi phí rất cao nhưng về lâu dài không giúp ích nhiều cho việc tách F0 khỏi cộng đồng, vì không thể xét nghiệm toàn dân mỗi 3-5 ngày. Tuy nhiên, chúng ta không thể để F0 làm lây lan bệnh trong cộng đồng. Test nhanh kháng nguyên là một giải pháp khả thi nhất hiện nay. Nếu được hướng dẫn người dân có thể tự làm tại nhà và liên lạc với y tế để được hướng dẫn xác định chẩn đoán, cách ly và theo dõi tại nhà. Hiện tại nhiều người dân đã tìm cách tự mua các test này bằng những con đường khác nhau một cách không chính thức và không được kiểm soát. Nếu chính phủ có chiến lược rõ ràng, kiểm soát các nguồn cung về test nhanh đáng tin cậy, chính thống, hướng dẫn rõ ràng cách làm để dân tự làm sẽ tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực. Người có kết quả dương tính báo cáo để được kiểm chứng bằng RT-PCR và được theo dõi trong hệ thống y tế. Toàn thể nhân lực đi lấy mẫu xét nghiệm được chuyển sang phục vụ chủng ngừa nhanh nhất có thể hoặc phục vụ theo dõi bệnh nhân F0 và còn cả chăm sóc những bệnh thông thường khác không phải Covid-19. Hiện rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không được theo dõi và chăm sóc từ khi có dịch Covid-19.

    Việc giải bài toán về nhân lực rất quan trọng để bảo toàn hệ thống y tế trong cuộc chiến lâu dài, và cải thiện hiệu quả công việc.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên