Tin tổng hợp

Thầy Phan Kim Ngọc: Tận dụng bục giảng để làm đẹp cho đời

  • 14/11/2019
  • Thạc sĩ Phan Kim Ngọc thuộc lớp giảng viên trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM. Ông gần như dốc hết đam mê đời mình vào việc đứng trên bục giảng và nghiên cứu khoa học.

    Thầy Ngọc giảng bài cho sinh viên Khoa Sinh học và Công nghệ Sinh học. Ảnh: Nhật Linh 

    ThS Phan Kim Ngọc là một trong những người tiên phong xây dựng công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam và là người sáng lập Viện Tế bào gốc (năm 2007), trực thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.

    Người lính trên bục giảng

    “Năm 16 tuổi, học xong lớp 10/10, lại là học sinh giỏi toán cấp quốc gia nên tôi được tuyển thẳng vào đại học. Nhưng vì dân mình lúc đó khổ quá, đất nước lại trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Vì vậy tôi tình nguyện nhập ngũ vào tháng 12/1972, rồi lên đường vào Nam chiến đấu” -  thầy Ngọc chậm rãi kể.

    Trải qua 5 năm kề vai sát cánh cùng đồng đội, ông quay lại giảng đường tiếp tục việc học tại Khoa Môi trường Sinh thái, Trường Đại học Tổng Hợp (nay là Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên) và trở thành giảng viên. Nhưng tinh thần người lính vẫn còn mãi trong ông. “Trước đây, tuổi trẻ, tôi lãng mạn và cao ngạo lắm! Đứng trên đỉnh Trường Sơn mà muốn ôm trọn mọi thứ vào lòng, dám đương đầu, dám hi sinh mọi thứ để có thể bảo vệ được Tổ Quốc. Sau này trở về học tập và giảng dạy tôi vẫn giữ mãi tinh thần người lính, hết lòng với sinh viên và sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì các em như hy sinh cho Tổ Quốc của mình” - thầy Ngọc chia sẻ.

    Thật vậy, ông như kéo cả cuộc sống tràn đầy vào bục giảng, cái cách mà ông truyền đạt kiến thức cho sinh viên rất khác, rất đặc biệt. Không chỉ tận tình truyền thụ kiến thức chuyên môn, ông còn chia sẻ những bài học trong cuộc sống và khuyến khích sinh viên ứng dụng các lý thuyết vào thực tế. Bạn Đức Anh, Khoa Sinh học và Công nghệ Sinh học, không giấu được xúc cảm của mình sau giờ học của thầy Ngọc: “Từng câu nói, từng cử chỉ của thầy đều khiến tụi em phải chăm chú nhìn và lắng nghe. Thầy tâm huyết lắm! Nay bệnh thầy lại trở nặng rồi, thương thầy nhưng vẫn không muốn thầy rời xa giảng đường...”

    Hiện tại, dù sức khỏe đã yếu nhưng thầy Phan Kim Ngọc vẫn ngày ngày chăm chỉ và nhiệt tình đến lớp. Ông giải thích: “Chỉ chân thành mới có thể đổi lại chân thành, nên tôi luôn cố gắng để cho học trò thấy rằng mình cống hiến vì các em, hết lòng quan tâm các em. Tại sao không tận dụng việc đứng trên bục giảng để làm đẹp cho đời, đừng bỏ phí cơ hội làm điều tuyệt vời như vậy!”. Có lẽ vì thế mà ông nhận được rất nhiều sự yêu mến từ học trò. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện Tế bào gốc, học trò của ông đã làm những tập san về chặng đường 10 năm gắn bó của ông với Viện và gửi gắm trong đó biết bao tình cảm, lòng ngưỡng mộ và kính trọng ông.

    “Hành trang” mỗi khi đến giảng đường của thầy Ngọc không chỉ là giáo trình, bài giảng mà còn có cả.. thuốc và bình oxy. Ảnh: Nhật Linh

    “Truyền lửa” bằng nhiệt huyết và đam mê khoa học

    Thầy Phan Kim Ngọc đam mê làm khoa học kể từ ngày đọc được một bài báo tiếng Pháp viết về “Định mệnh và luân hồi”. Khi làm luận văn thạc sĩ ông đã “bén duyên” với tế bào gốc. Ban đầu, việc nghiên cứu tế bào gốc của ông gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là ngành mới, cũng không phải là chuyên ngành mà ông được đào tạo. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm theo đuổi tới cùng đam mê của mình bằng cách tự tìm tài liệu, tự nghiên cứu và đi sang một số nước phát triển hơn như Singapore, Đài Loan,... để học hỏi. Cuối cùng công sức của ông cũng được đền đáp: các dự án của ông và các công sự được nhà nước, địa phương công nhận, tôn vinh, tặng thưởng Huân chương Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác.

    Thầy Ngọc còn là người “truyền lửa” bằng chính đam mê và nhiệt huyết của mình dành cho khoa học. Ông nói: “Tôi không ngại đứng chung dự án, làm chung với sinh viên, chỉ cần các em có đam mê và dám theo đuổi nó. Tôi sẵn sàng làm mọi cách để các em có thể thực hiện được đam mê khám phá của mình”.

    Học trò của thầy Ngọc nhiều người đã trở thành phó giáo sư, tiến sĩ ở tuổi còn rất trẻ. Có những người nổi tiếng và được bạn bè quốc tế biết đến, nhưng sau khi nhận bằng hay bảo vệ thành công luận án, tất cả đều quay về thăm ông và ký tên mình lên tấm bảng “Tri ân” như một cách bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với bậc khai sáng.

    PGS.TS Phạm Văn Phúc - Viện trưởng Viện Tế bào gốc đương nhiệm, một trong những đồng nghiệp trẻ của thầy Ngọc, từng trả lời trên báo chí rằng “không có thầy Ngọc là không có Phúc”. Bởi thầy Ngọc đã giúp đỡ anh về mọi thứ, từ tiền ăn, tiền học cho đến chiếc xe. “Và đó là cái mà tôi mang nặng ơn nghĩa. Nên tôi làm để vì mong muốn lớn nhất của thầy, đó là phát triển tế bào gốc” - TS Phúc cho biết.Dù đang điều trị bệnh, thầy Ngọc vẫn ấp ủ đề án mở ngành học mới gọi là “Tầm soát Gen”. Biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng ông luôn mong ước đề án này được chấp thuận bởi nó có khả năng mở ra bước tiến lớn cho nền y học Việt Nam.

    Tấm bảng Tri ân có chữ ký của học trò được thầy Ngọc bảo quản bằng cách phun sơn để màu chữ không bị phai. Ảnh: Nhật Linh

    Chạy đua với 10 cuốn sách

    Năm 2005, thầy Phan Kim Ngọc biết mình bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) ở giai đoạn 4. Tất cả với ông chỉ là tìm cách kéo dài sự sống. Đến năm 2011, bệnh tình ngày một trở nặng, may mắn chạy chữa mà ông đã vượt qua được “lưỡi hái tử thần”. Nhưng những năm gần đây, do di chứng của chiến tranh và tuổi đã cao, ông lại bị thêm bệnh tim, thiếu máu.

    Bác sĩ điều trị cho thầy chia sẻ: “Thầy các em kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Thầy luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, lòng yêu nghề và niềm đam mê khoa học, đấy cũng là một cách chữa trị bệnh bằng liệu pháp tinh thần. Nhưng những năm gần đây bệnh thầy trở nặng....  Điều đó có nghĩa, việc dạy học và nghiên cứu sẽ là điều rất khó khăn đối với thầy”.

    Đam mê và nhiệt huyết của ông vẫn còn đó, nhưng vì sức khỏe không cho phép nên ông dự định nghỉ hưu, ngưng việc dạy học, ít nghiên cứu khoa học và thay vào đó ông dành thời gian để viết sách. Bởi theo ông, sách là phương tiện có thể lưu trữ tri thức lâu bền cho cho đời. Thực ra, từ năm 1991 ông đã bắt đầu viết sách và đến nay được 8 cuốn, trong đó có 2 cuốn về chuyên môn. Những cuốn sách của ông xuất bản đều được học giới đánh giá cao và sinh viên rất yêu thích. Ông nói, mục tiêu cuộc đời ông là viết được 10 cuốn sách. Mong rằng, trong cuộc đua với thời gian và cả bệnh tật lần này, ông sẽ lại là người chiến thắng.

    NHẬT LINH (Bản tin ĐHQG-HCM số 197)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên