Tin tổng hợp

Thứ hạng đại học Việt Nam đang tăng

  • 25/09/2016
  • Xếp hạng đại học là một xu thế tất yếu khi giáo dục đại học Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới. Có rất nhiều bảng xếp hạng đại học để các trường đại học lựa chọn và tham gia. Việc lựa chọn bảng xếp hạng đại học phù hợp với sứ mạng, mục tiêu, điều kiện hoạt động của trường đại học là rất cần thiết.

    Hiện nay, bảng xếp hạng QS châu Á (Asia Quacquarelli Symonds University Ranking) là chọn lựa phù hợp đối với các trường đại học Việt Nam. 

    Hai ĐHQG vào top 150

        Tham gia bảng xếp hạng QS châu Á là cách tích cực thúc đẩy các trường đại học nâng cao chất lượng, khẳng định với khu vực về chất lượng đào tạo của nhà trường. Tham gia bảng xếp QS châu Á, các trường đại học sẽ biết mình đang đứng ở đâu trong khu vực; từ đó có chiến lược hành động nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhanh chóng khắc phục tình trạng tụt hậu so với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

    Danh sách các trường đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng QS Asia. Ảnh: QS Asia

    Năm 2016, Tổ chức xếp hạng đại học Quốc tế QS vừa công bố kết quả xếp hạng QS Asia, ĐHQG-HCM đã lên top 150 của bảng xếp hạng (vị trí 147, với số điểm tổng là 38/100 điểm), ĐHQG-Hà Nội (vị trí 139, với số điểm tổng là 39/100 điểm). ĐHQG-Hà Nội hơn ĐHQG-HCM một điểm nhưng vị trí xếp hạng cao hơn 8 bậc. So với các năm trước hai ĐHQG năm ở top 200-250 thì năm nay đã lọt vào top 150 của bảng xếp hạng.


        Ngoài hai ĐHQG, Việt Nam còn có thêm ba đại học lọt vào bảng xếp hạng này, đó là ĐH Cần Thơ (top 251-300), ĐH Huế và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (top 301-350). QS Asia năm 2016 đã cải tiến phương pháp xếp hạng, các chỉ số và trọng số tính điểm có thay đổi và số lượng trường trong bảng xếp hạng cũng tăng lên 350.


        QS Asia 2016 đánh giá xếp hạng đại học theo 3 tiêu chí cơ bản. Đầu tiên là chất lượng nghiên cứu (research quality), được đánh giá bằng cách khảo sát ý kiến đồng nghiệp danh tiếng về học thuật (30%), tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên và trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố (10%).


        Thứ hai là về chất lượng giảng dạy (reaching quality), khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (15%), tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%).


        Cuối cùng là mức độ quốc tế hóa (internationalization), khảo sát tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), trao đổi sinh viên trong nước (2,5%), trao đổi sinh viên với nước ngoài (2,5%).


    Làm gì để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng?

        Khi đi sâu vào phương pháp xếp hạng QS Asia mới với từng số liệu do tổ chức này tính điểm (tối đa 100 điểm) để xếp hạng và so sánh, có một số vấn đề chúng ta cần quan tâm.


        Chỉ số khảo sát danh tiếng về học thuật và chất lượng sinh viên tốt nghiệp của ĐHQG-HCM khá cao trong bảng xếp hạng (70,3 và 35,9) cao hơn ĐHQG Hà Nội (63,3 và 29,2). Chỉ số tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên và trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố của ĐHQG-HCM ở số điểm rất thấp trong bảng xếp hạng, nhất là tỷ lệ bài báo trên số lượng giảng viên. Cụ thể, ĐHQG-HCM là 2,8 và 41,9; ĐHQG Hà Nội là 2,6 và 31,6.


        ĐHQG-HCM thấp điểm hơn ĐHQG Hà Nội ở các chỉ số như tỷ lệ sinh viên trên giảng viên (18,3 - 39,7); giảng viên có trình độ tiến sĩ (14,9 – 29,5); sinh viên quốc tế (2,7 – 4,4) và cũng có mức điểm tương đối thấp so với các trường đại học trong bảng xếp hạng QS Asia.


        Các chỉ số khác như tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ trao đổi sinh viên trong nước, tỷ lệ trao đổi sinh viên ngoài nước, ĐHQG Hà Nội và các tổ chức khác đều có số liệu cung cấp cho tổ chức QS hoặc tổ chức QS lấy số liệu từ trang website của các trường. Trong khi đó các số liệu này trong bảng xếp hạng của QS Asia, ĐHQG-HCM đều để trống, không có số liệu! Nguyên nhân là do tổ chức QS không tìm thấy số liệu này trên website của ĐHQG-HCM hoặc do ĐHQG-HCM chưa cung cấp số liệu này để tham gia xếp hạng.


        Các chỉ số xếp hạng năm 2016 đã mở ra cho ĐHQG-HCM một hướng đi mới và chúng ta nhìn thấy rõ hơn những mặt mạnh và những hạn chế của mình qua các chỉ số của bảng xếp hạng. Nhưng đây cũng là tin đáng mừng vì lần đầu tiên hai ĐHQG của Việt Nam lọt vào top 150 của bảng xếp hạng này và chúng ta cần phấn đấu hơn nữa để đạt được vị trí cao hơn.


        ĐHQG-HCM từng đi đầu cả nước trong công tác đào tạo tín chỉ, trắc nghiệm khách quan, thiết kế chương trình đào tạo theo CDIO, kiểm định đánh giá theo tiêu chuẩn AUN, ABET… Do đó, công tác xếp hạng đại học quốc tế cần gắn với công tác đảm bảo chất lượng và tiến hành triển khai công tác xếp hạng đại học quốc tế trong ĐHQG-HCM.


    TS. ĐINH ÁI LINH (TT KT&ĐGCLĐT)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên