Sinh viên ĐHQG-HCM

Trao đổi tín chỉ Đông Nam Á: lợi thế của sinh viên ĐHQG-HCM

  • 31/05/2019
  • Trao đổi tín chỉ sinh viên Đông Nam Á (ACTS) là hoạt động đào tạo do Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) thành lập nhằm trao đổi sinh viên giữa các trường đại học thành viên. Chương trình này mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên trải nghiệm môi trường học tập quốc tế mà không làm xáo trộn quá trình học tập của mình.

    Diệp Phạm Phương Uyên và tấm hình kỷ niệm tại NUS. Ảnh: NVCC

    Tham gia chương trình, sinh viên được trải nghiệm nền giáo dục đại học của các nước trong khu vực Đông Nam Á, miễn học phí và hưởng một số chính sách ưu đãi, tích lũy tín chỉ vào chương trình học chính quy, giao lưu văn hóa bản địa và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

    Trải nghiệm nhanh đời sống du học

    Sinh viên chính quy thuộc ĐHQG-HCM hoàn thành ít nhất hai học kỳ, có điểm tích lũy các môn từ khá trở lên và đáp ứng được yêu cầu của trường đề cử và tiếp nhận đều có thể tham gia ACTS. Sinh viên được trao đổi tối đa hai học kỳ với các môn phù hợp trong chuyên ngành đào tạo.

    Được khởi động từ năm 2016, ACTS đã thu hút nhiều sinh viên tham gia. Trần Chí Thiện, năm I, Khoa Mạng máy tính Truyền thông Trường ĐH CNTT đang tìm hiểu về chương trình, cho biết bản thân muốn đi trao đổi để trải nghiệm môi trường học tập mới. “Học ở Trường ĐH CNTT chủ yếu là tự học, điều này phù hợp với việc học tập ở nước ngoài nên mình muốn thử sức. Mình tin là mình sẽ theo học được” - Thiện chia sẻ. Hè này Thiện dành thời gian ôn luyện, dự thi tiếng Anh để chuẩn bị nộp hồ sơ vào học kỳ 2 năm II.

    Tô Kim Thắm, năm II, Khoa Ngữ Văn Nga Trường ĐH KHXH&NV, biết đến chương trình qua các chia sẻ của ĐHQG-HCM trên mạng xã hội. Thắm muốn có cơ hội tìm hiểu về Đông Nam Á và ngôn ngữ, văn hóa châu Á nên đã tích cực chuẩn bị hồ sơ làm ứng viên ACTS.

    Khó khăn lớn nhất đối với sinh viên khi tham gia ACTS là việc chọn môn học tương ứng để có thể quy đổi tín chỉ. Bà Hoàng Thị Hiền Thương, chuyên viên Phòng Hợp tác Quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, chia sẻ: “Sinh viên nên chọn trường có chuyên ngành phù hợp, bởi mình có nền tảng và kiến thức ở chuyên ngành đó thì học sẽ thuận lợi. Cũng nên chọn lượng tín chỉ tương đương để khi về nước có thể chuyển đổi được ít nhất ba môn, như thế sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức”. Theo bà Thương, sinh viên cần chuẩn bị hồ sơ trước, nhất là bảng điểm dịch sang tiếng Anh có công chứng, để sẵn sàng nộp khi trường đối tác mở đăng ký tuyển chọn. Thời điểm tốt nhất để du học là vào dịp hè năm II hoặc vào học kỳ 1 năm III. “Khi về nước, sinh viên chỉ học thêm một học kỳ nhẹ nhàng, thi hoặc làm đồ án tốt nghiệp. Không nên nộp hồ sơ vào năm IV vì các trường thường dành rất ít cơ hội cho sinh viên sắp tốt nghiệp” - Bà Thương nhấn mạnh.

    Nhật Trường cùng các sinh viên quốc tế tại PSU. Ảnh: NVCC

    ACTS đa dạng văn hóa học tập

    Diệp Phạm Phương Uyên, cựu sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV, từng tham gia ACTS, chia sẻ sẵn sàng đánh đổi để có những trải nghiệm tuyệt vời cho thời sinh viên. Uyên bỏ một học kỳ 6 môn để nộp đơn vào ĐHQG Singapore (NUS) vào năm 2016. Uyên cho biết: “Ở châu Á, sinh viên ĐHQG-HCM có nhiều ưu tiên hơn các trường khác. Mình được miễn học phí 4 module trị giá 10.000SGD (tương đương 170 triệu đồng). Vì thế mình khá thoải mái trong sinh hoạt và học tập suốt 4 tháng ở NUS”. Nhờ được trải nghiệm trong môi trường học tập năng động, Phương Uyên có nhiều thuận lợi sau khi tốt nghiệp. Phương Uyên đã nộp đơn làm việc tại Malaysia, tham gia các chương trình phi chính phủ và nhiều hoạt động quốc tế khác.

    Nguyễn Phương Linh, năm II Trường ĐH Quốc Tế, thông qua ACTS, cũng đang theo học tại Trường ĐH KHTN Malaysia. Linh tự hào vì mình là sinh viên Việt Nam đầu tiên học tại trường này theo diện trao đổi tín chỉ. Một kỷ niệm đáng nhớ với Linh là trong đêm giao lưu văn hóa, Linh đã thuyết trình đề tài dạy tiếng Việt để giới thiệu về đất nước mình. Không ngờ sau đó nhiều bạn đến gặp và nói muốn học tiếng Việt từ Linh.

    Ở chiều ngược lại, nhiều sinh viên nước ngoài trong AUN cũng chọn ĐHQG-HCM làm điểm đến để học tập và trải nghiệm văn hóa. Sofian sinh viên Trường Darusalam Brunei (UBD) đã chọn học ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường ĐH Quốc Tế. Sofian cho biết: “Tôi đã có nhiều trải nghiệm thú vị trong suốt khóa học, như đi xe buýt giá chỉ 2.000 đồng cho sinh viên, cố gắng thích nghi món ăn Việt vì tôi theo đạo Hồi không ăn thịt heo và đồ uống có cồn. Bây giờ tôi đã rành cách gọi đồ ăn Halal (đồ ăn của người theo đạo Hồi) trên các ứng dụng”.

    Để tham gia ACTS, sinh viên ĐHQG-HCM có thể tìm hiểu và đăng ký tại https://acts.ui.ac.id/. ĐHQG-HCM hiện có hơn 500 môn học trao đổi theo chương trình này.

    Những trải nghiệm không thể nào quên

    Mình tham gia trao đổi tín chỉ tại Prince of Songkla University (PSU) Thái Lan. PSU là đại học lớn nhất phía Nam Thái Lan, campus mình đang theo học nằm tại Phuket. Lý do mình chọn PSU vì đây là một trong những trường hiếm hoi trong AUN cấp học bổng toàn phần, đặc biệt là trường có chương trình đào tạo du lịch chất lượng. Mình được học chung chương trình trao đổi châu Á của Phần Lan, cùng trải nghiệm với sinh viên đến từ hơn 30 quốc gia.

    Khó khăn lớn nhất đối với mình là việc chọn trường và chọn môn học trên hệ thống ACTS. Mình đã mất ba tháng kể từ lúc đăng ký cho đến khi nhận được thư chấp thuận. Vì có rất nhiều khóa học trên hệ thống nên bạn cần có người cố vấn để lựa chọn môn học tương đồng với khung tín chỉ tại Việt Nam. Mình đã nhờ đến sự giúp đỡ từ cô giáo chủ nhiệm và người liên lạc của trường PSU để chọn môn học phù hợp.  

    Mình đã có một trải nghiệm quý giá và chắc chắn không thể quên. Ngoài được sống, học tập trong một môi trường hoàn toàn mới, mình còn có những người bạn đến từ nhiều nơi trên thế giới. Chương trình là bước đệm để mình có thể tìm kiếm những học bổng tốt hơn trong tương lai.

    (Vũ Nhật Trường, Khoa Du Lịch, Trường ĐH KHXH&NV, sinh viên trao đổi tại Đại học Prince of Songkla Thái Lan)

     

    THÁI VIỆT (Bản tin ĐHQG-HCM số 194)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên