Khoa học công nghệ

Gặp gỡ các nhà khoa học đạt Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2019

  • 17/06/2019
  • Đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức một giải thưởng nhằm vinh danh các công trình, đề tài, tác phẩm, giải pháp, mô hình sáng tạo. Theo các nhà khoa học, ngoài niềm vui và sự tự hào, giải thưởng này còn là động lực để họ tiếp tục đam mê nghiên cứu của mình.

    * Lê Hoàng Nhật - CEO Công ty Cổ phần Công nghệ BMG Ami, Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM - Giải Nhì công trình Ami - Nền tảng số cho khu đô thị thông minh

    Định danh số cho thị dân

    Nền kinh tế vận hành theo cách truyền thống, phụ thuộc vào nhân lực, lưu trữ chủ yếu trên giấy tờ. Do vậy, thông tin cư dân rời rạc, thiếu chính xác, không được quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không khai thác hiệu quả dữ liệu khách hàng, không tăng được chất lượng dịch vụ. Quy trình vận hành cồng kềnh, tốn nhiều thời gian, chi phí nhưng lại kém hiệu quả. Từ những vấn đề trên, chúng tôi đã phát triển nền tảng số hóa thông tin cư dân với định hướng một siêu ứng dụng di động như một hộ chiếu điện tử và một thẻ cứng tích hợp, có thể sử dụng mọi dịch vụ và tiện ích xung quanh, từ đó, người dùng không cần giấy tờ tùy thân hay tiền mặt.

    Ý tưởng này được chúng tôi bắt đầu từ tháng 5/2016. Ban đầu, nó là ứng dụng quản lý khách sạn, sau chúng tôi mở rộng sang quản lý nhà trọ. Từ 10 phòng đến 100 phòng và hiện nay là hơn 5.000 phòng ở Hà Nội và TP.HCM. Dữ liệu đầu vào được chúng tôi kiểm tra chặt chẽ, người sử dụng đăng nhập ứng dụng bằng số điện thoại của mình và số điện thoại đó liên quan đến thông tin cá nhân của họ. Việc xác định danh tính này giúp cho bạn dù là cư dân sống ở nhà phố hay chung cư, làm việc ở văn phòng nào, mua sắm, giải trí tích lũy ưu đãi ở đâu họ đều có thể được xác nhận thông qua một ứng dụng duy nhất với độ xác thực cao như một hộ chiếu cá nhân mà mọi giao dịch xảy ra trong hệ sinh thái.

    Bên cạnh phương thức định danh, chúng tôi tiếp tục phát triển về thanh toán với các tính năng như hỗ trợ vay vốn, ưu đãi. Phương thức này dựa vào dữ liệu cá nhân và dữ liệu cộng đồng. Việc đóng tiền trọ, các khoản sinh hoạt, thanh toán được xem là dữ liệu cá nhân. Các phản ánh, niềm tin, sự tín nhiệm là dữ liệu cộng đồng. Thông qua việc họ sống tốt, đóng tiền đầy đủ thì độ uy tín của họ cao và dễ dàng tiếp cận các khoản vay. Sự tín nhiệm của một người trong xã hội được công nghệ hóa như vậy. Dữ liệu càng lớn, độ điều chỉnh càng cao. Tuy nhiên, đó chỉ là những dữ liệu tham khảo. Những chỉ số luôn thay đổi vì sự thay đổi của con người. Sẽ không có những tiêu cực như một người là tội phạm và chúng ta đối xử với họ như một tội phạm.

    Hiện nay, chúng tôi cùng Khu Công nghệ phần mềm ITP xây dựng nền tảng trường đại học thông minh cho ĐHQG-HCM. Đặc biệt, trong các hạng mục đề cử của giải thưởng ASEAN Rice Bowl Startup Awards (ARBSA) năm 2018, chúng tôi được bình chọn là “Doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm phần cứng IoT giá trị nhất” và “Doanh nghiệp mang đến mô hình vận hành tự động tốt nhất”. Và trở thành đại diện của Việt Nam tham dự vòng chung kết khu vực tại Bali - Indonesia vào tháng 2/2019.

    * PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Bộ môn Hóa dược - Trưởng Khoa Hóa học - Trường ĐH KHTN - ĐHQG-HCM - Giải Nhì đề tài Xây dựng quy trình chiết xuất nọc ong Apis mellifera và đánh giá tác dụng dược lý theo hướng sử dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp 

    Điều trị viêm khớp từ nọc ong

    Các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga… đã nghiên cứu rất nhiều về các phương pháp chiết xuất nọc ong. Đa số các nhóm nghiên cứu tại các quốc gia này tập trung vào khả năng giảm đau, chống viêm khớp của nọc ong. Các nghiên cứu đã chứng minh tác dụng điều trị viêm thấp khớp của nọc ong rất hiệu quả. Song ở Việt Nam, phương pháp này hiện vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh viêm khớp nói chung và viêm khớp dạng hiện nay ở Việt Nam lại rất cao, chiếm 0,5-1% dân số, chi phí điều trị khoảng 10 tỉ đồng/1 năm. Do đó, việc nghiên cứu về các ứng dụng của nọc ong trong y học là rất cần thiết.

    Năm 2010, trong một lần tham gia nghiên cứu về keo ong tại các trang trại nuôi ong ở Nhật, tôi tình cờ biết đến nọc ong. Từ đó, tôi và các cộng sự của mình  bắt đầu nghiên cứu sâu về quy trình chiết xuất nọc ong. Thành công bước đầu, chúng tôi mạnh dạn trình bày đề tài lên Sở KH&CN và được duyệt. Thời gian này chúng tôi tìm kiếm đầu tư từ doanh nghiệp nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả đều từ chối do thời gian đầu tư khá dài hạn cũng như tính khả thi của đề tài... Sau đó, chúng tôi đã hợp tác với Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM để triển khai đề tài với mục tiêu sản xuất thuốc tiêm.

    Hiện nhóm đang nghiên cứu bào chế, đánh giá tác dụng chống viêm giảm đau của thuốc thủy châm (tiêm vào huyệt) và cao xoa ngoài chiết xuất từ nọc ong trên thực nghiệm và trên bệnh nhân đau lưng, viêm quanh khớp vai và thoái hóa khớp gối để phát triển thuốc điều trị bệnh viêm khớp từ nọc ong, vốn đã và đang được sử dụng trong dân gian nhưng chưa có cơ sở khoa học. Đây là nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam về quy trình chiết xuất, tinh chế, phân tích thành phần, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở của nọc ong cũng như đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tác dụng kháng viêm, giảm đau của nọc ong trên động vật thực nghiệm.

    Trên thế giới, quy trình để tạo ra một loại thuốc mới mất 10-20 năm. Do đó, chúng tôi vẫn trên đường nghiên cứu, xây dựng quy trình bào chế thuốc, liều lượng, bảo quản và đánh giá. Ngoài sự ủng hộ từ ĐHQG-HCM, Sở KH&CN, nhóm đang tìm kiếm sự đầu tư từ doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm. Chúng tôi chia qua trình ra nhiều giai đoạn nhỏ, hoàn thành từng giai đoạn và đến giai đoạn cuối thì đề nghị doanh nghiệp tham gia.

    * TS Nguyễn Tuyết Phương - Giảng viên Bộ môn Hóa vô cơ và Ứng dụng, Khoa Hóa học  Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM - Giải Nhì đề tài Các giải pháp tăng cường độ bền và hiệu năng hoạt động của pin quang điện hóa sử dụng chất màu nhạy quang

    Tìm độ bền cho pin mặt trời

    Pin quang điện hóa sử dụng chất màu nhạy quang, hay còn gọi là pin mặt trời chất màu nhạy quang là loại pin mặt trời mới, được xếp vào nhóm thế hệ thứ 3 sau pin silicon, pin màng mỏng vô cơ. Pin này có ưu điểm dễ chế tạo, giá thành thấp, hiệu quả hoạt động cao vượt trội (> 40%) trong điều kiện ánh sáng yếu nên phù hợp cho các ứng dụng trong nhà.

    Chúng tôi không nghiên cứu để làm ra một tấm pin mặt trời mà quan tâm đến hiệu năng và độ bền của các thành phần vật liệu cấu thành tấm pin ấy. Dưới tác động của điều kiện tự nhiên, các vật liệu ấy bị thay đổi thế nào, phản ứng với nhau ra sao? Các nghiên cứu về cơ chế giúp ta hiểu được bản chất của các sản phẩm công nghệ, từ đó dẫn đến những thay đổi để tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu sự hư hỏng và tăng hiệu năng cho pin. Công trình này là bước phát triển tiếp theo từ luận án tiến sĩ của tôi ở Đan Mạch.

    Nghiên cứu này được chúng tôi công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, trong đó có các tạp chí dẫn đầu trong lĩnh vực chuyên ngành hẹp về năng lượng mặt trời, khoa học về bề mặt vật liệu. 12 trong số 13 công bố này được đăng trên các tạp chí trong hệ thống ISI - Q1, với tổng chỉ số IF khoảng 49.

    Quả thật, để có những nghiên cứu chất lượng cao, đi sâu vào cơ chế hoạt động, và công bố trên các tạp chí quốc tế có hệ số ảnh hưởng cao, nhóm nghiên cứu phải cần rất nhiều trang thiết bị. Trong 7 năm tự vận hành, nếu điều kiện đầy đủ hơn, có lẽ kết quả của chúng tôi sẽ phát triển nhiều hơn hiện nay.

    Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019 có hẳn một lĩnh vực dành cho nghiên cứu cơ bản với chúng tôi vừa là sự khích lệ, động viên vừa là sự khẳng định tầm nhìn của lãnh đạo thành phố khi kiến tạo đô thị thông minh. Với định hướng đầu tư cho năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng mặt trời của chính phủ Việt Nam và TP.HCM, chúng tôi tin rằng các nghiên cứu này sẽ có đóng góp hữu ích cho việc phát triển loại pin này tại Việt Nam trong tương lai không xa.

    * TS Nguyễn Thị Lệ Thu - Trường ĐH Bách khoa ĐHQG-HCM - Giải Nhì đề tài Nghiên cứu tổng hợp polyurethane “tự chữa lành” ứng dụng trong chế tạo sản phẩm polyme kỹ thuật chống rạn nứt 

    Công nghệ vật liệu tự phục hồi

    Vật liệu polyme ứng dụng làm các sản phẩm kỹ thuật dưới tác động ứng suất hoặc dao động liên tục sẽ dễ bị rạn nứt, dẫn đến tình trạng suy giảm tính chất và hư hại vật liệu. Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu chế tạo một loại vật liệu polyme mới “tự lành”, có khả năng “tự phục hồi” khi bị rạn nứt hay biến dạng. Nghiên cứu chế tạo ra vật liệu tự lành không chỉ là hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Việc chế tạo ra vật liệu kỹ thuật “tự chữa lành” khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp cho sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng của sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

    Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về thiết bị phân tích. Phần lớn nhóm phải gửi mẫu đến các nơi khác nhau để phân tích, trong khi kết quả nghiên cứu sẽ không bị gián đoạn và hiệu quả hơn khi mình được trực tiếp sử dụng thiết bị phân tích.

    Tôi đã yêu thích nghiên cứu từ lúc còn là sinh viên ở Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM. Đề tài đầu tiên tôi đến với nghiên cứu khoa học là đề tài thực hiện cho luận văn tốt nghiệp đại học, và tôi được truyền thêm lửa từ các thầy cô hướng dẫn. Sau đó, tôi có cơ hội được học nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ trong các nhóm nghiên cứu uy tín ở Hà Lan và Vương quốc Bỉ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu và tác phong làm việc trong khoa học. Từ đó, niềm đam mê nghiên cứu khoa học càng lớn dần lên. Khi trở về Việt Nam, tôi tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học với một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới cùng với các bạn đồng nghiệp trẻ, phần lớn là các bạn học viên cao học và sinh viên tại Trường ĐH Bách Khoa. 

    Chúng tôi rất tự hào khi được trao Giải thưởng Sáng tạo của thành phố. Đây là sự ghi nhận và ủng hộ những nỗ lực trong nghiên cứu của chúng tôi, tạo thêm động lực để nhóm tiếp tục theo đuổi đam mê trong khoa học. Tương lai, nhóm tiếp tục nghiên cứu chế tạo và cải thiện tính chất của nhiều hệ vật liệu polyme thông minh “tự lành” với các hướng ứng dụng khác nhau, chẳng hạn sơn “tự lành vết xước”.

    12 công trình của ĐHQG-HCM nhận giải thưởng sáng tạo

    12/44 công trình, giải pháp sáng tạo đến từ các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã được lãnh đạo TP.HCM vinh danh trong đêm trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019 ngày 6/6.

    Theo đó, ĐHQG-HCM có 2 công trình đạt giải Nhất thuộc lĩnh vực Khoa học cơ bản (Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM), 5 công trình đạt giải Nhì thuộc lĩnh vực Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và lĩnh vực Khoa học cơ bản (Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM) và 5 công trình đạt giải Ba thuộc lĩnh vực Truyền thông và lĩnh vực Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

     

    PHIÊN AN - TẤN ĐỒNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên