Tin tức - Sự kiện

Giao lưu văn hóa Ấn Độ - Hy Lạp thời cổ đại - NCS. Lê Thị Sinh Hiền

  • 18/02/2021
  • Tên đề tài luận án tiến sĩ: Giao lưu văn hóa Ấn Độ - Hy Lạp thời cổ đại 
    Chuyên ngành: Văn hóa học 
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Sinh Hiền
    Người hướng dẫn khao học: PGS.TS. Đặng Văn Thắng
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) 
    Ấn Độ được xem là một quốc gia có bề dày lịch sử và nền văn hóa liên tục, nền văn minh phương Đông với nhiều đóng góp cho văn hóa thế giới. Trong khi đó, Hy Lạp lại được xem là cái nôi của văn hóa phương Tây. Hai nền văn hóa lớn này đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo các học giả. Chỉ riêng văn hóa Ấn Độ cũng đã thu hút các học giả thế giới và Việt Nam nghiên cứu trên nhiều phương diện, lĩnh vực. Ở Việt Nam, nội dung nghiên cứu về Ấn Độ và Hy Lạp một cách riêng biệt khá phong phú và trải rộng trên các bình diện văn hóa, lịch sử, chính trị-xã hội, triết học, tôn giáo, văn học, thần thoại, sử thi, nghệ thuật, v.v. Nội dung về giao lưu văn hóa thì có các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giao lưu tiếp biến văn hóa giữa Ấn Độ và Đông Nam Á. Một số công trình nghiên cứu sự ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Việt Nam như văn hóa Óc Eo và Champa. Một số công trình nghiên cứu giao lưu văn hóa Ấn Độ và phương Tây nói chung nhưng ở thời kỳ cận hiện đại. Cũng có một số công trình sử học bàn về sự tiếp xúc giữa Ấn Độ và Hy Lạp qua cuộc xâm lăng Ấn Độ của Ba Tư và Alexander Đại đế. Tuy nhiên, mối quan hệ giao lưu của hai nền văn hóa này cũng như những ảnh hưởng và biến đổi văn hóa của chúng sau khi tiếp xúc với nhau chưa được quan tâm làm rõ. Đề tài “Giao lưu văn hóa Ấn Độ-Hy Lạp thời cổ đại” sẽ tập trung tìm hiểu các yếu tố Hy Lạp trong văn hóa Ấn Độ và ngược lại. Vận dụng lý thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa của Berry và phương pháp so sánh văn hóa, đề tài sẽ tìm hiểu và lý giải tâm thế tiếp nhận yếu tố văn hóa mới của người Hy Lạp khi sinh sống ở Ấn Độ, cũng như văn hóa ứng xử của người Ấn Độ khi tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp.
    + Những kết quả của luận án
    Ấn Độ và Hy Lạp là hai nền văn hóa lớn của nhân loại. Giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Hy Lạp đã diễn ra trong khoảng mười thế kỷ được chia làm hai giai đoạn: tiền và hậu cuộc Đông chinh của Alexander Đại đế đến phương Đông. Đặc biệt, từ sau cuộc Đông chinh, mối quan hệ giao lưu giữa hai nền văn hóa này trở nên sôi động và mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đó do bối cảnh lịch sử và sự phát triển của xã hội, văn hóa lúc bấy giờ. Nhu cầu hàng hóa, tiêu dùng thúc đẩy phát triển thương mại Đông-Tây qua con đường Tơ lụa. Sự phát triển xã hội làm nảy sinh những tư tưởng mới và con người tìm kiếm những giá trị mới để giải quyết các vấn đề xã hội phát triển đặt ra.  Công cuộc hoằng dương Phật giáo của vua Ashoka đến các nước phương Tây như Địa Trung Hải và Hy Lạp góp phần giúp Hy Lạp tiếp xúc với Ấn Độ. Ngoài ra, việc người Hy Lạp sinh sống ở phương Đông, Viễn Đông, Bactria, Trung Á và Ấn Độ cũng góp phần cho giao lưu văn hóa Đông-Tây được diễn ra. Sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Hy Lạp vào thời cổ đại đã để lại cho thế giới nhiều di sản tinh thần có giá trị và các giá trị đó vẫn còn ứng dụng trong thực tiễn ngày nay.  Các giá trị đó gồm tư tưởng, triết học, tôn giáo, thiên văn và mỹ thuật. Dựa vào cơ sở thực tiễn trên và qua khảo sát tài liệu nghiên cứu công trình của các học giả trong và ngoài nước đi trước, chúng tôi đi đến một số kết luận sau:
    1. Thời cổ đại thật sự đã diễn ra sự giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Hy Lạp. Tính chất của mối giao lưu này là hai chiều: Hy Lạp ảnh hưởng đến văn hóa Ấn Độ và Ấn Độ cũng ảnh hưởng đến văn hóa Hy Lạp. Bên cạnh giả thuyết cùng gốc và nhân tố thứ ba, mối giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Hy Lạp hoàn toàn trực tiếp và tự nguyện, mặc dù người Hy Lạp có giai đoạn cai trị Ấn Độ. Người Hy Lạp chủ động, tự nguyện học tập văn hóa Ấn Độ thể hiện qua các nhà cai trị, quan lại, triết gia, sử gia, sứ giả, nhà du hành, và thương nhân. Về phía người Hy Lạp, nghiên cứu cho thấy họ đã chủ động và tự nguyện tiếp thu tư tưởng triết học tôn giáo của Ấn Độ. Thời kỳ tiền Alexander, các nhà tư tưởng Hy lạp chủ động đến Ấn Độ để tìm kiếm tri thức và học tập Ấn Độ. Đến thời kỳ Hy Lạp hóa, người Hy Lạp trong vai trò là những nhà cai trị, tuy nhiên họ cũng chủ động học tập Ấn Độ.  Người Hy Lạp cải đạo sang Phật giáo, điển hình nhất là vua Menander người Hy Lạp.  Những người Hy Lạp được xem là những Phật tử phương Tây đầu tiên.  Nhiều cao tăng Phật giáo là người Hy Lạp, điển hình là Mahadharmaraksita và sự kiện ngài đã dẫn đầu tăng đoàn ba mươi ngàn khất sĩ từ thành phố Alexandria, Hy Lạp đến Anuradhapura để tham dự lễ khánh thành Tháp Ruanvalli vào thế kỷ II TCN được ghi chép trong kinh điển Tích Lan Mahavamsa (Đại vương Thống sử).  Về phía người Ấn Độ, ban đầu họ rất căm ghét người Hy Lạp, cho rằng người Hy Lạp là kẻ xâm lược, người ngoại đạo, tầng lớp thấp kém, thổ phỉ, kẻ cướp…. Nhưng qua thời gian tiếp xúc và cộng sinh, người Hy Lạp dần dần chinh phục được người Ấn Độ.  Kẻ bị trị chuyển từ tâm thế thù hận sang tâm thế thán phục, kính phục, tôn trọng, và ca ngợi hết lời. Người Ấn Độ tán dương công lao của người Hy Lạp trong việc góp phần phát triển khoa học thiên văn của người Ấn Độ, và xem họ như những nhà hiền triết (Rishi) của Ấn Độ.  Sự giao lưu văn hóa Ấn Độ và Hy Lạp không chỉ diễn ra ở cơ tầng mà còn diễn ra ở tầng tâm thức.  Điều này được chứng minh qua minh văn ở Sophytos và Heliodora. Minh văn cho thấy người Ấn Độ quy chiếu vào chuẩn mực văn hóa Hy Lạp để xác định mình, trong khi người Hy Lạp thì cầu nguyện thần Ấn Độ bằng ngôn ngữ Ấn Độ (Mairs, 2006, p.3). 
    2. Về không gian giao lưu văn hóa Ấn Độ-Hy Lạp, vào thời kỳ Hy Lạp hóa, không gian văn hóa Hy Lạp mở rộng đến Afghanistan và Pakistan, Ấn Độ. Gandhara, vùng Tây bắc Ấn Độ cổ đại là nơi diễn ra giao lưu văn hóa Ấn Độ và Hy Lạp nhộn nhịp đầu tiên, sau đó lan truyền lên miền Bắc Kashmir và Mathura rồi xuống miền Nam ở Deccan. Ngoài ra, sự giao lưu văn hóa còn diễn ra ở Pergamon (Thổ Nhĩ Kỳ), Bamiyan (Afghanistan) và Bactria (Đại Hạ). Bằng chứng cho sự tiếp biến văn hóa là nhiều hiện vật được tìm thấy ở những nơi này.  Về thời gian, sự giao lưu văn hóa Ấn-Hy diễn ra trước cuộc Đông chinh của Alexander. Bằng chứng của giai đoạn giao lưu này là các trường phái triết học Hy Lạp được hình thành.  Giai đoạn giao lưu thời kỳ Alexander đã để lại nhiều bằng chứng khoa học và Khảo cổ học. Đặc biệt, cuộc giao lưu văn hóa Ấn-Hy diễn ra từ triều đại Maurya và phát triển ở triều đại Kushan (thế kỷ I-IV CN) và kéo dài đến thời kỳ Gupta (thế kỷ IV-VI CN). Nghệ thuật Ashoka đã bộc lộ một số yếu tố ngoại sinh như tượng Yaksha đứng trong tư thế bất đối xứng (contrapposto) và ở các điêu khắc phù điêu ở tháp Sanchi và Bharhut. Triều đại Kushan nổi bật với sự ra đời của nghệ thuật Gandhara miêu tả đức Phật bằng hình người, trong khi trước đó, đức Phật chỉ được tôn thờ qua các biểu tượng. Với sự ảnh hưởng của Phật giáo Mahayana, bên cạnh đức Phật, các Bồ tát cũng được tạo tác tôn tượng. Đặc biệt, phong trào thờ ảnh tưởng của Phật giáo đã ảnh hưởng đến Hindu giáo. Các thần Bà la môn giáo như Shiva, Vishnu, thần Chiến tranh, thần Mặt trời, nữ thần Laksmi cũng được khắc tạc bằng hình người. 
    3. Về nhân tố ảnh hưởng đã tác động đến mối giao lưu giữa Ấn Độ và Hy Lạp thời cổ đại. Các nhân tố như chiến tranh, chính trị, thương mại đóng vai trò là chất xúc tác cho sự giao lưu văn hóa Ấn Độ và Hy Lạp. Ngoài ra, nhân tố hôn nhân và cộng sinh cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ này. Bằng chứng lịch sử cho thấy vua Changdraguta, triều đại Maurya đã cưới con gái của nhà Seleucid để bang giao hữu nghị.  Nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy thế hệ người Hy Lạp F2 ở Ấn Độ đã đóng góp vì sự phát triển kiến trúc, nghệ thuật của đất nước này. 
    4. Về vai trò của tầng lớp cai trị, trí thức trong quan hệ giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Hy Lạp. Đối với trường hợp Ấn Độ, nghiên cứu cho thấy các tu sĩ, Rishis, triết gia, nhà văn, nhà thơ của Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc. Họ vừa là chủ thể tiếp nhận văn hóa mới, văn hóa Hy Lạp vừa là nguồn truyền bá văn hóa, tư tưởng Ấn Độ đến Hy Lạp. Đối với Hy Lạp, các vua, quan, triết gia, và thương nhân Hy Lạp vừa đóng vai trò là chủ thể tiếp nhận, và cũng là đầu mối giúp văn hóa Hy Lạp lan tỏa ở Ấn Độ nói riêng và khu vực Hy Lạp hóa nói chung. 
    5. Về các yếu tố vay mượn và những sáng tạo của Ấn Độ, Ấn Độ vay mượn từ Hy Lạp những yếu tố trang trí trên tôn tượng.  Ở các tượng nữ như Yakshi, Hariti và Laksmi, các yếu tố như lá nho, chùm nho, trang phục peplos (Hy Lạp), sừng sung túc, cột đá Ashoka. Nghệ thuật Ấn Độ thường mô tả yakshi ngực trần, mặc quần dhoti Ấn Độ trong suốt nhấn mạnh ở dây thắt lưng. Laksmi và Hariti cầm chiếc sừng sung túc (cornucopia) trong thần thoại Hy Lạp thay vì cầm hoa sen. Ở tôn tượng đức Phật và các Bồ tát, Ấn Độ vay mượn các yếu tố như Unisa, lá nho, vầng hào quang, râu ria mép, trong trang phục đắp y ướt. Đức Phật được tạo tác trong hình dạng của thần Apollo, Hy Lạp. Ngoài ra, thần Herakles và thần Zeus của Hy Lạp được các nghệ nhân Ấn Đô vay mượn và thể hiện thành những thần hộ Pháp của Phật giáo. Thần Herakles trở thành Kim Cương thủ bảo vệ đức Phật. Đức Phật đứng trong tư thế bất đối xứng (contrapposto) của nghệ thuật Hy Lạp. Hy Lạp học tập Ấn Độ ở tư tưởng triết học Hindu giáo và Phật giáo. 
    Có thể nói, những đặc trưng văn hóa mạnh của nước này sẽ có tác động thu hút nền văn hóa kia về phía mình. Kết quả là hai nền văn hóa được làm mới và trở nên phong phú hơn. Đây là sự dung hợp, bổ sung cho nhau chứ không loại trừ nhau (không đồng hóa).
    Một số kiến nghị:
    - Văn hóa Ấn Độ là một nền văn hóa mở, năng động và sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu cái mới, không phải một nền văn hóa đóng kín, ù lì, chậm phát triển như nhiều người vẫn nghĩ. Việt Nam cần tăng cường hợp tác, giao lưu với Ấn Độ về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, nhất là trong bối cảnh hai nước đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện của nhau.
    - Không chỉ học tập những yếu tố văn hóa, tư tưởng và khoa học của Ấn Độ, Việt Nam chủ động giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của mình đến người anh em Ấn Độ để quảng bá hình ảnh Việt Nam tới 1,4 tỉ người của thế giới.
    - Tăng cường thúc đẩy đầu tư kinh tế, thương mại hai nước.
    - Hợp tác chính trị và an ninh quốc phòng
    - Xúc tiến hợp tác về lĩnh vực y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Qua các kết quả trên, đề tài luận án đã giải quyết được mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Hy Lạp là một vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi nghiên cứu trong thời gian dài.  Hiện tại, đề tài luận án chỉ tập trung vào lĩnh vực giao lưu văn hóa tinh thần đó là triết học, mỹ thuật và thiên văn. Chúng tôi mong muốn có điều kiện để nghiên cứu các bình diện văn hóa khác như giao lưu chính trị, xã hội và kinh tế cũng như giao lưu giữa Ấn Độ và Hy Lạp qua bình diện văn hóa vật chất để làm sáng rõ hơn đặc điểm và tính chất giao lưu của hai dân tộc Ấn Độ và Hy Lạp. 
    Hướng ứng dụng:
    - Góp phần làm tài liệu nghiên cứu và học tập cho sinh viên Khoa Đông phương học, Lịch sử thế giới, Quan hệ quốc tế nói chung và sinh viên ngành Ấn Độ học nói riêng.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên