Tin tổng hợp

Mô hình ĐHQG-HCM là đúng đắn

  • 05/08/2019
  • Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với ĐHQG-HCM chiều 2/8. Gần 100 đại biểu là đại diện các ban, sở, ngành, chính quyền TP.HCM cùng Ban Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM tham dự buổi làm việc.

    Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang làm việc với lãnh đạo ĐHQG-HCM.

    ĐHQG-HCM và TP.HCM hợp tác hiệu quả

    Tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM báo cáo về những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển ĐHQG-HCM, quan hệ hợp tác giữa ĐHQG-HCM và TP.HCM, xây dựng Khu Đô thị ĐHQG-HCM tại phường Linh Trung (quận Thủ Đức).

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay ĐHQG-HCM đào tạo gần 57.000 sinh viên chính quy, 8.000 học viên và nghiên cứu sinh. Hằng năm, ĐHQG-HCM cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao; 1.300 thạc sĩ và 50 tiến sĩ. ĐHQG-HCM cũng là đại học đang dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế.

    “Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, ĐHQG-HCM luôn được xếp trong tốp 150 trường tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng QS Asia và đứng trong nhóm 701-750 đại học tốt nhất thế giới theo QS World” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh.

    Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tham quan Viện Tế bào gốc ĐHQG-HCM.

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt khẳng định ĐHQG-HCM và TP.HCM đã và đang hợp tác hiệu quả về nhiều mặt. Cụ thể, TP.HCM hỗ trợ ĐHQG-HCM về ý tưởng và vật chất, về hoạt động chuyên môn, cũng như công tác tài chính để phát triển các công trình phục vụ đào tạo - nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 2011-2015, ĐHQG-HCM cùng TP.HCM triển khai nhiều đề tài, dự án trong lĩnh vực chế tạo robot, công nghệ vật liệu, điện - điện tử, công nghệ thông tin, môi trường… Trong đó, nổi bật là 4 chương trình: Chương trình vi mạch, Chương trình kỹ thuật Y sinh, Chương trình Khoa học Công nghệ giảm ùn tắc giao thông và Chương trình giảm ngập nước.

    Về xây dựng Khu Đô thị ĐHQG-HCM, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết tính đến tháng 6/2019 diện tích đất đã thu hồi tại Khu Đô thị ĐHQG-HCM là 531,86ha (đạt tỷ lệ 82,62%), công tác tái định cư cũng đang triển khai nhanh chóng nhằm đáp ứng chỗ ở cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

    6 kiến nghị tới TP.HCM

    Từ thực tế đó, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt đưa ra 6 kiến nghị tới Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM: (1) TP.HCM và ĐHQG-HCM quyết tâm triển khai thành công Chương trình hợp tác giữa TP.HCM và ĐHQG-HCM giai đoạn 2017-2020; (2) Hỗ trợ ĐHQG-HCM giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng; (3) Ủng hộ Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM cho ĐHQG-HCM vay tài chính với lãi suất ưu đãi tối đa; (4) Ủng hộ và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bố trí vốn ODA cho ĐHQG-HCM triển khai xây dựng một phần trong số các hạng mục công trình phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; (5) Ủng hộ đầu tư xây dựng Khu Đô thị đại học thông minh ĐHQG-HCM trong Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM; (6) Hỗ trợ và đầu tư phát triển Khu Công nghệ Phần mềm thành Trung tâm ươm tạo đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.

    PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM), bày tỏ mong muốn TP.HCM sẽ quan tâm nhiều hơn tới giáo dục. “Để nâng giáo dục xứng tầm với khu vực và thế giới, chúng ta phải bắt đầu từ việc giải phóng mặt bằng” - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh.

    Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Thi (Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM) cho rằng việc TP.HCM đầu tư cho ĐHQG-HCM chính là đầu tư cho thành phố. Ông Thi đề nghị: “Có hai việc rất mong TP.HCM quan tâm: thứ nhất là giải phóng mặt bằng; thứ hai là kết nối giao thông giữa Khu Đô thị ĐHQG-HCM và Khu Công nghệ cao”.

    GS Võ Văn Tới (Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM) hy vọng thời gian tới TP.HCM sẽ có những chính sách cụ thể hơn trong việc thu hút, giữ chân nhân tài và quan tâm tới ngành Kỹ thuật Y sinh. PGS.TS Lâm Quang Vinh (Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM) mong muốn TP.HCM và các doanh nghiệp đồng hành với ĐHQG-HCM trong việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.

    Hỗ trợ cho ĐHQG-HCM là hỗ trợ cho chính TP.HCM

    Đánh giá cao những thành tựu ĐHQG-HCM đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang khẳng định mô hình ĐHQG-HCM là đúng đắn và TP.HCM sẽ luôn ủng hộ, hỗ trợ ĐHQG-HCM.

    Theo ông Trần Lưu Quang, ĐHQG-HCM có 4 điều đáng tự hào: (1) ĐHQG-HCM thuộc top 701-750 trong bảng xếp hạng các đại học thế giới QS World; (2) ĐHQG-HCM là nơi tập trung nhiều nhà khoa học lớn; (3) ĐHQG-HCM có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo; (4) ĐHQG-HCM luôn đồng hành, hỗ trợ TP.HCM cũng như nhiều địa phương.

    “Đứng vào top 701-750 các trường ĐH của thế giới, ĐHQG-HCM chứng tỏ là một đơn vị giáo dục có đủ tiềm năng để làm những điều mà không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn là rất lớn, ĐHQG-HCM phải cố gắng nhiều hơn, phải tính đến mô hình đào tạo mới trong thời đại mới, nếu không muốn bị chậm lại” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đánh giá.

    Đối với những kiến nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho biết TP.HCM và ĐHQG-HCM sẽ cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời triển khai thành công chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2020.

    Phó Bí thư Thường trực thành ủy TP.HCM trồng cây lưu niệm.

    Ông Trần Lưu Quang khẳng định: “Hỗ trợ để phát triển ĐHQG-HCM cũng là hỗ trợ cho sự phát triển của TP.HCM. Nếu ĐHQG-HCM phát triển, mối quan hệ giữa ĐHQG-HCM và TP.HCM cũng sẽ phát triển thì chúng tôi tự tin và hy vọng hơn về định hướng phát triển TP.HCM trở thành một trung tâm về khoa học công nghệ, một thành phố thông minh, sáng tạo”.

    Kết thúc buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.

    ĐỨC LỘC

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên