Tin tức - Sự kiện

NHỮNG HÌNH THỨC DUNG HỢP TAM GIÁO TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - NCS. Vũ Thị Thanh Thảo

  • 27/02/2020
  • Tên luận án: NHỮNG HÌNH THỨC DUNG HỢP TAM GIÁO TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM
    Chuyên ngành: Lịch sử Triết học
    Mã số: 62.22.80.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Vũ Thị Thanh Thảo
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Trương Văn Chung
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 

    1. Tóm tắt nội dung luận án 
    Luận án bắt đầu bằng việc giải quyết cơ bản từ khóa “dung hợp” cũng như quan niệm “dung hợp Tam giáo” làm cơ sở lý luận cho việc thực hiện nội dung nghiên cứu. Với việc chỉ ra, phân tích những điều kiện hình thành và tiền đề lý luận, luận án như tái hiện những nguyên nhân cho sự xuất hiện những hình thức dung hợp Tam giáo ở Việt Nam. Nội dung những hình thức dung hợp Tam giáo trong quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam đã được tác giả chỉ ra và làm rõ qua việc luận giải 1) Hình thức dung hợp Tam giáo hòa đồng, trong đó Nho, Phật, Đạo cạnh tranh, hòa hợp, đồng hành thời kỳ Bắc thuộc; 2) Hình thức dung hợp Tam giáo đồng nguyên, lấy Phật giáo làm trung tâm, thời Lý Trần; 3) Hình thức dung hợp Tam giáo đồng nguyên, lấy Nho giáo làm hạt nhân, thời Lê - Nguyễn; 4) Hình thức dung hợp Tam giáo đồng quy, các yếu tố tư tưởng của Nho, Phật, Đạo quy về một nguồn gốc, pha trộn với yếu tố của tư tưởng, văn hóa, tôn giáo mới khác đồng thời kết hợp với các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, lấy Phật giáo làm nòng cốt, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, hình thành nên các hình thức tôn giáo mới - tôn giáo bản địa như Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Cao Đài, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương...; từ đó rút ra những ý nghĩa lịch sử bổ ích góp phần thiết thực vào việc gìn giữ, phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. 
               2. Những kết quả của luận án
     1. Dung hợp là một trong những hiện tượng phổ biến trong lịch sử văn hóa, tư tưởng, tôn giáo của nhiều dân tộc, khi quá trình truyền bá, giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới diễn ra. Thuật ngữ dung hợp, nguyên nghĩa là sự liên kết, kết hợp, hòa trộn, vay mượn, hợp nhất các bộ phận, các yếu tố trong các hiện tượng khác nhau. Nó được sử dụng khá rộng rãi trong các lĩnh vực nhân chủng, văn hóa, triết học, tôn giáo… Sự dung hợp giữa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, gọi là sự dung hợp Tam giáo chủ yếu diễn ra ở các nước Đông Á, trong có có Việt Nam, là sự liên kết, pha trộn, hòa đồng, thống nhất không tách bạch các yếu tố triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị - xã hội của Tam giáo, trên nền tảng của văn hóa truyền thống bản địa và sự chi phối của điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, để hình thành một tổ hợp các yếu tố Tam giáo không có cấu trúc rõ ràng với các hình thức dung hợp khác nhau.
    2. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, sự dung hợp Tam giáo diễn ra bắt đầu từ khi Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo du nhập, tìm chỗ đứng trong đời sống của xã hội Việt Nam, và trải qua một quá trình biến đổi, trong đó các yếu tố, các lĩnh vực như triết lý, tôn giáo, đạo đức, giáo lý, lễ nghi của Nho, Phật, Đạo kết hợp, pha trộn, vay mượn, hòa đồng, thống nhất, ràng buộc với nhau, mặc dù chúng có nội dung, vai trò, vị trí khác nhau, biểu hiện ở những giai đoạn lịch sử cụ thể với nội dung, hình thức khác nhau. Có thể khái quát sự dung hợp Tam giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thành bốn hình thức dung hợp điển hình: 1) Hình thức dung hợp Tam giáo hòa đồng, trong đó Nho, Phật, Đạo cạnh tranh, hòa hợp, đồng hành thời kỳ Bắc thuộc; 2) Hình thức dung hợp Tam giáo đồng nguyên, lấy Phật giáo làm trung tâm, thời Lý Trần; 3) Hình thức dung hợp Tam giáo đồng nguyên, lấy Nho giáo làm hạt nhân, thời Lê - Nguyễn; 4) Hình thức dung hợp Tam giáo đồng quy, các yếu tố tư tưởng của Nho, Phật, Đạo quy về một nguồn gốc, pha trộn với yếu tố của tư tưởng, văn hóa, tôn giáo mới khác đồng thời kết hợp với các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, lấy Phật giáo làm nòng cốt, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, hình thành nên các hình thức tôn giáo mới - tôn giáo bản địa như Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Cao Đài, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương...
    3. Sự dung hợp Tam giáo ở Việt Nam, với các hình thức khác nhau, chính là sự phản ánh đặc điểm, yêu cầu, qua từng thời kỳ phát triển của thực tiễn lịch sử - xã hội Việt Nam. Theo tinh thần đó, có thể nói, sự dung hợp Tam giáo diễn ra ở Việt Nam luôn có nguồn gốc và chịu sự quy định của những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và phản ánh nội dung, yêu cầu về chính trị - xã hội ở mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử. Các nhân tố này quy định cách thức, hình thái kết hợp, pha trộn, hòa hợp các yếu tố của Nho, Phật, Đạo với nhau, hình thành các hình thức dung hợp Tam giáo khác nhau trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Thời kỳ Bắc thuộc là sự phản ánh yêu cầu đấu tranh chống xâm lược, chống đồng hóa, để bảo vệ nền độc lập dân tộc cũng như bảo tồn truyền thống, văn hóa dân tộc, trên cơ sở cạnh tranh, tiếp thu, hòa đồng Tam giáo, để khẳng định và tồn tại. Sự dung hợp Tam giáo thời kỳ Lý - Trần chính là để đáp ứng yêu cầu củng cố và xây dựng một quốc gia Đại Việt và một nền văn hóa Đại Việt độc lập, tự chủ, thống nhất, hùng mạnh, thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, cố kết lòng dân, chống lại sự xâm lăng của giặc Mông – Nguyên, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sự dung hợp Tam giáo thời kỳ Lê - Nguyễn là phản ánh yêu cầu của việc tổ chức, quản lý một quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ; và sự dung hợp Tam giáo thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự phản ánh sự biến chuyển to lớn của lịch sử - xã hội Việt Nam giai đoạn này, với sự vận động biến đổi của các yếu tố lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, cùng với sự thâm nhập, tác động, ảnh hưởng và va chạm lẫn nhau của các luồng tư tưởng văn hóa đa dạng khác nhau.
    Là một hình thái ý thức xã hội, quá trình dung hợp Tam giáo ở Việt Nam còn là quá trình tiếp thu, kế thừa, dung hợp những tiền đề tư tưởng khác nhau. Những hình thức dung hợp Tam giáo dù khác nhau như thế nào, nhưng đều phải lấy nội dung tư tưởng của Nho, Phật, Đạo làm căn bản, làm tiền đề tư tưởng để kết hợp, hòa trộn, đan xen, thống nhất các yếu tố tư tưởng đó với nhau, theo đặc điểm, yêu cầu của điều kiện thực tiễn lịch sử - xã hội khác nhau, trên cơ sở văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là ý chí độc lập dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cố kết cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung. Vì thế có thể nói, kế thừa, hòa hợp và khoan dung, cởi mở, chấp nhận lẫn nhau giữa các yếu tố của Nho, Phật, Đạo và các yếu tố của văn hóa bản địa, trên cơ sở thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam, là những điểm đặc sắc trong các hình thức dung hợp Tam giáo ở Việt Nam. Sự dung hợp Tam giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam vì thế có những giá trị về tư tưởng, về văn hóa, về chính trị - xã hội và đạo đức to lớn. Bằng sự tiếp thu, kết hợp, hòa đồng, dung hợp các yếu tố tinh túy, cốt lõi về triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị - xã hội của Nho, Phật, Đạo, trên nền tảng văn hóa dân tộc, nó đã tạo ra sự dung hợp Tam giáo, biểu hiện ở những giai đoạn lịch sử cụ thể với nội dung, hình thức khác nhau và tên gọi khác nhau. Vì thế sự dung hợp Tam giáo đã góp phần vào làm phong phú, sâu sắc tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam.
     Tìm hiểu, nghiên cứu sự dung hợp Tam giáo, không chỉ góp phần nâng cao sự hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc mà chính là để góp phần củng cố lòng tự hào dân tộc và tinh thần độc lập, tự chủ, tạo diện mạo văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam; là cơ sở đoàn kết xã hội khi cùng chung tay giải quyết nhiệm vụ lịch sử dân tộc đặt ra. Nó là một trong những nội lực của dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và gìn giữ độc lập dân tộc. Không những thế, nghiên cứu sự dung hợp Tam giáo, thể hiện qua bốn hình thức dung hợp, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam còn là bài học lịch sử bổ ích và thiết thực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay. Đó là bài học kinh nghiệm về cách thức tiếp thu, kế thừa, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình giao lưu, hội nhập hiện nay, trên tinh thần phủ định biện chứng và khoan dung văn hóa; đó còn là bài học về nắm vững nguyên tắc thực tiễn trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam hiện nay.
              3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án
    Luận án đã góp phần làm sáng tỏ những quan niệm về dung hợp Tam giáo, nội dung, đặc điểm của những hình thức dung hợp Tam giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, một cách cơ bản và hệ thống. Thông qua việc làm rõ nội dung và đặc điểm của những hình thức dung hợp Tam giáo trong quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam; luận án rút ra những ý nghĩa lịch sử bổ ích góp phần thiết thực vào việc gìn giữ, phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Do đó, nội dung và các kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo có ý nghĩa cho những người quan tâm đến văn hóa và triết học văn hóa, Triết học tôn giáo cũng như Lịch sử tư tưởng Việt Nam. 
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên