Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Nữ giảng viên trẻ được vinh danh trong top 15 giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc

  • 01/01/2023
  • ThS Nguyễn Lê Ánh Phương - giảng viên Khoa Ngữ văn Nga, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, vừa được Giám đốc ĐHQG-HCM khen thưởng danh hiệu Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc 2021 nhờ những nỗ lực nghiên cứu và thực hành mô hình dạy học mới.

    PGS.TS Vũ Hải Quân và PGS.TS Nguyễn Minh Tâm trao giấy khen Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc cho ThS Nguyễn Lê Ánh Phương.

    Lấy kết quả làm động lực

    Những năm đầu dạy học, ThS Nguyễn Lê Ánh Phương được tiếp cận lý thuyết của mô hình “lớp học đảo ngược” và phương pháp “lấy người học làm trung tâm” thông qua các khóa học nghiệp vụ sư phạm. ThS Phương lý giải, sự “đảo ngược” chính là ở trình tự dạy học so với lối học truyền thống, bằng cách cung cấp học liệu trực tuyến cho sinh viên tự học kiến thức mới ở nhà, còn thời gian ở lớp để thảo luận, thực hành kỹ năng dưới sự hỗ trợ của giảng viên.

    Nhận thấy đây là một mô hình giáo dục hay, ThS Phương tiếp tục tìm hiểu và bước đầu ứng dụng các phần mềm tạo trò chơi như Kahoot!, Quizizz… vào quá trình dạy trực tiếp trên lớp nhằm tăng hiệu quả tiếp thu của sinh viên.

    Từ năm 2021, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nhờ có sự hoàn thiện của hệ thống quản lý học tập (LMS), học phần Thực hành tiếng tổng hợp 3 do cô Phương phụ trách đã được số hóa và trực tuyến hoàn toàn theo mô hình lớp học đảo ngược.

    "Nếu biết chấp nhận những khó khăn, trau dồi để thích ứng, mọi thứ sẽ dễ dàng thôi."
    - ThS Nguyễn Lê Ánh Phương

    ThS Nguyễn Lê Ánh Phương cho biết cô dành nhiều tâm huyết trong việc thiết kế khóa học. Trước mỗi buổi học trực tuyến, cô Phương giao nhiệm vụ cho sinh viên, gồm việc tự kiểm tra kiến thức cũ, tự học bài mới, tự củng cố kiến thức mới và ghi chú câu hỏi. Cô tổ chức các nội dung sao cho phù hợp với giao diện của LMS, giúp sinh viên dễ dàng nắm bắt các thông báo, yêu cầu quan trọng. Khi lên lớp, sinh viên sẽ được giải đáp thắc mắc, tổng hợp lý thuyết và thực hành kỹ năng. Ngoài giờ học, cô Phương cũng thường xuyên trao đổi nhằm hỗ trợ kịp thời các vấn đề phát sinh của sinh viên qua Zalo hoặc hộp tin nhắn LMS.

    Sau một thời gian áp dụng, cô nhận thấy mô hình này phát huy được hiệu quả khi giúp giảng viên tiết kiệm thời gian trên lớp, tránh tình trạng cháy giáo án và tăng sự tương tác với người học.

    Với sinh viên, phương pháp dạy học mới của cô Phương đã cho thấy tín hiệu tích cực. Bùi Đoan Khánh (sinh viên năm 2, Khoa Ngữ văn Nga, Trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Nhờ những bài giảng được biên soạn chi tiết, kèm theo yêu cầu cụ thể và hướng dẫn rõ ràng của cô, việc tự học của mình trở nên dễ dàng hơn. Từ việc thụ động nghe giảng, mình học được cách nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh, qua đó hình thành tư duy phản biện”.

    Nói về danh hiệu Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc, cô Phương không giấu được niềm hạnh phúc: “Những thành quả được ghi nhận không chỉ của riêng tôi mà còn của sinh viên nữa. Trong hoàn cảnh khó khăn của COVID-19, kết quả trên là một động lực để tôi tiếp tục duy trì phương pháp dạy học này. Qua quá trình đánh giá, điểm số cho thấy sự tiến bộ của sinh viên. Kết thúc môn học, tất cả sinh viên đều qua môn”.

    Nhà giáo trẻ luôn tìm tòi công nghệ, phương pháp mới để mang đến cho sinh viên những giờ học trực tuyến hiệu quả. Ảnh: THU GIANG

    Con người là nhân tố quyết định

    Hành trình chinh phục danh hiệu “Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc” ghi dấu sự nỗ lực của cả cô và trò trong việc khắc phục những khó khăn.

    Việc thiếu phương tiện học tập, kỹ năng công nghệ, hoặc vấn đề về đường truyền ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiếp thu bài giảng. Các yếu tố tâm lý như mất tập trung, thiếu động lực cũng là một trong những rào cản mà sinh viên thường xuyên gặp phải.

    Nắm bắt điều đó, ThS Nguyễn Lê Ánh Phương chú trọng thực hiện các video bài giảng sao cho cuốn hút để khơi dậy hứng thú học tập ở sinh viên. Chỉ với thời lượng từ 15 - 30 phút, nữ giảng viên phải quay lại nhiều lần để cho ra sản phẩm hoàn thiện. Dù tốn nhiều thời gian và công sức nhưng theo ThS Phương, việc xây dựng học liệu cần được chú trọng đầu tư vì đây là bước đầu tiên trong mô hình “lớp học đảo ngược”. Ở giai đoạn này, giảng viên có thể gặp khó khăn nhưng đến những năm tiếp theo, với học liệu sẵn có, giảng viên chỉ cần cập nhật, bổ sung kiến thức mới.

    “Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình này từ lâu, trong khi ở nước ta, ‘lớp học đảo ngược’ chỉ mới thực sự được quan tâm khi các trường bắt đầu triển khai học trực tuyến do dịch bệnh kéo dài” - ThS Phương nhận định. Cô cũng cho rằng đây là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm cách học mới, và cũng là thách thức khi mô hình này đòi hỏi khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và điều kiện hạ tầng kỹ thuật tốt.

    ThS Phương nhấn mạnh: “Nếu biết chấp nhận những khó khăn, trau dồi để thích ứng, mọi thứ sẽ dễ dàng thôi. Quan trọng nhất vẫn là nhân tố con người”.

    Là cố vấn học tập khóa 2021, ThS Nguyễn Lê Ánh Phương có cơ hội gặp gỡ, quan sát, trao đổi thường xuyên với sinh viên thuộc thế hệ Z. Theo cô, sinh viên ở thế hệ này có sự năng động, sáng tạo, hiểu biết nhiều về công nghệ và thích thể hiện bản thân. Hiểu được đặc điểm của người học, cô chia sẻ: “Khi dạy, quan trọng nhất là phải lắng nghe, xem sinh viên muốn gì và tạo cơ hội cho các bạn được bày tỏ quan điểm. Sau đó tôi sẽ góp ý, sửa lại những gì chưa đúng”.

    Đồng hành cùng cô Phương trong quá trình xây dựng phương pháp dạy học trực tuyến, ThS Nguyễn Trần Thanh Vi (giảng viên Khoa Ngữ văn Nga, Trường ĐH KHXH&NV) bày tỏ: “Ánh Phương là một giảng viên tâm lý, luôn cố gắng thấu hiểu, đồng cảm với sinh viên, từ đó đưa ra chiến lược giảng dạy phù hợp. Phương cũng biết cách lắng nghe, học hỏi từ đồng nghiệp và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có được”.

    Theo ThS Phương, mô hình “lớp học đảo ngược” nên được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là ở những môn thiên về kỹ năng. Ngoài học phần Thực hành tiếng tổng hợp 3, nữ giảng viên dự định xây dựng học liệu và triển khai mô hình này ở những môn học khác.

    THU GIANG - GIA HÂN

    Danh hiệu Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc

    Khen thưởng Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc được ĐHQG-HCM tổ chức nhằm ghi nhận những giải pháp, sáng kiến hay của giảng viên, giáo viên trong việc giảng dạy trực tuyến. Từ đó hướng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến tại ĐHQG-HCM.

    Bộ tiêu chí xét danh hiệu này gồm: Thiết kế khóa học, Phương pháp giảng dạy và đánh giá, Kết quả học tập của sinh viên, Khả năng ứng dụng công nghệ và Sự hỗ trợ (dành cho sinh viên).

    15 cá nhân, tập thể có thành tích giảng dạy trực tuyến xuất sắc học kỳ 1 năm học 2021-2022 đã được trao ĐHQG-HCM giấy khen và phần thưởng 25 triệu đồng.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên