Tin tổng hợp

PGS.TS Đoàn Lê Giang: Đối với khoa học, cái đúng của nó làm sao mà chết được

  • 17/06/2016
  • Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (2006-2015) đã khẳng định: “Chúng ta cần hiệu quả, thực chất từ sản phẩm đào tạo. Cần hiểu rằng không phải tất cả những người có bằng cấp cao đều là nguồn nhân lực chất lượng cao” (Tuổi Trẻ, 20/5/2016). Bằng cấp và thực học ở nước ta hiện nay đang có “độ vênh” rất lớn so với bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Điều này đã được minh chứng qua sự bức xúc của dư luận về vấn nạn đạo văn, bằng thật học giả, tiến sĩ dỏm trong thời gian vừa qua.

        Đâu là cội rễ nguyên nhân của vấn đề trên? Liệu có thể xây dựng một nền giáo dục thực học cho Việt Nam? Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) về vấn đề này.

    *Thưa Phó Giáo sư, trước tiên xin ông cho vài nhận xét về vấn đề thực học của giáo dục Việt Nam hiện nay?

        - Thực học, về nghĩa rộng, là cái học xuất phát từ việc tìm hiểu tự nhiên, xã hội và con người, rồi từ đó có thể ứng dụng được vào đời sống, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người. Với hàm nghĩa này, thực học là một phong trào rộng lớn, chống lại hư học, là cái học viển vông, lỗi thời không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.Phong trào này bắt đầu từ thế kỷ XIX ở các nước Đông Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Ở nước ta phong trào Duy Tân và trường Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu thế kỷ XX chính là một phong trào đấu tranh cho thực học.Tinh thần thực học của các phong trào ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

    “Vấn nạn bằng cấp giả của hôm nay còn tệ hơn sự hư học ngày trước”.

        Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, chuyện thực học lại có thêm những vấn đề mới. Khái niệm “thực học” hôm nay được hiểu theo nghĩa mới là học thật, trình độ thật, không phải bằng cấp giả, hay học giả bằng thật. Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn tình hình giáo dục trước kia. Trước kia, người nho sĩ giỏi về tứ thư ngũ kinh, thi đậu các kỳ thi nho học, dù là hư học, nhưng anh ta vẫn có học, vẫn có trình độ nhất định. Còn bây giờ, ngay cái người xưa gọi là hư học, thì nhiều người có bằng cấp vẫn không đạt được. Vấn nạn bằng cấp giả của hôm nay còn tệ hơn sự hư học ngày trước. Anh không có trình độ thật nhưng lại chạy theo các danh hiệu giả, bằng cấp giả - học giả bằng thật. Từ đó dẫn đến tình trạng buôn bán bằng cấp, mua danh vọng để mà trục lợi, khoe khoang với đời.

    *Nhìn về lịch sử giáo dục nước nhà, theo ông, tinh thần thực học có bao giờ trở thành một “thực tế lịch sử” của chúng ta?

        - Tôi vẫn nghĩ trường Đông Kinh Nghĩa Thục cho đến nay là ngôi trường có tư tưởng giáo dục hay nhất. Những người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã áp dụng một chương trình giáo dục vào loại tiến tiến nhất bấy giờ. Về khoa học tự nhiên, các cụ chủ trương dùng chương trình của các trường Pháp-Việt, mà nền giáo dục Pháp lúc bấy giờ đang là nền giáo dục phát triển cao nhất thế giới. Các cụ mình chống Pháp nhưng vẫn dạy chương trình của họ. Ngôn ngữ trong nhà trường là tiếng Việt với chữ Quốc ngữ. Về ngoại ngữ, các cụ chủ trương phải học tiếng Pháp và Hán văn, vừa giúp người học hiện đại hóa kiến thức,có thể tương thông được với thế giới bên ngoài, vừa giúp họ hiểu sâu sắc văn hóa của nước mình. Trong sinh hoạt học tập, nhà trường chủ trương tự do học thuật, cho học sinh thường xuyên thảo luận về các vấn đề học thuật, xã hội đương thời mà không né tránh bất cứ điều gì. Tinh thần giáo dục ấy, đến nay vẫn chưa ai theo được. 

        Sau 1945 tinh thần thực học bị chi phối bởi thực tế chiến tranh, và thực hiện ở hai miền Nam Bắc khác nhau. Ngay ở miền Bắc, ngày trước vẫn chú trọng trình độ học vấn thực sự. Hồi ấy quy định, người tốt nghiệp đại học tại chức thì không thể học cao hơn. Phải học chính quy, và phải là sinh viên khá giỏi mới được Nhà nước cử sang Liên Xô, Đông Âu để lấy bằng phó tiến sĩ. Hay người có bằng tại chức một số ngành có thể bị cấm đảm trách một số công việc. Ví dụ có bằng đại học tại chức xây dựng thì dẫu có thể làm quản lý, nhưng không được thiết kế công trình.

    * Vậy những cơ chế nào đã khiến cho giáo dục hiện nay không thể thực hiện được môi trường học thuật như trước, thưa ông?

        - Giáo dục hôm nay trở nên tụt hậu, giả dối và xuống cấp như vậy trước hết là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo về giáo dục. Hệ tại chức ra đời từ thực tế giải quyết hậu quả chiến tranh. Đất nước ta đi ra từ chiến tranh, rất nhiều người không có điều kiện học hành nghiêm túc. Nhiều người tham gia hệ thống lãnh đạo rồi nhưng không có trình độ, nên Nhà nước phải sinh ra các hình thức bổ túc, hàm thụ, tại chức… để giúp họ có được bằng cấp trong thời gian ngắn nhất. Những bằng cấp này lại được Nhà nước thừa nhận tương đương với các bằng chính quy, nên người ta có thể học lên cao.

        Đáng lý ra hệ tại chức đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nhưng đến bây giờ, nó vẫn còn tồn tại với hình thức vừa làm vừa học. Việc duy trì loại hình đào tạo bổ túc, tại chức hiện nay lại thiếu vắng những chế tài cần thiết (ví dụ: không được học tiếp sau đại học để lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ). Vì thế,mới nảy sinh những hiện tượng không hiểu nổi: có người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà hỏi ra lại không có bằng tốt nghiệp phổ thông! 

        Tình hình học giả bằng thật ngày càng tràn lan. Hiện nay, đại học bùng nổ gần như không thể kiểm soát được.Tỉnh nào cũng có trường đại học, thậm chí có đến hai, ba trường. Và đại học tỉnh nào cũng được cấp bằng cử nhân, sắp tới đây sẽ mở thêm cả hệ thạc sĩ, tiến sĩ nữa. Trong khi các nước không phải trường đại học nào cũng có thể cấp bằng cử nhân, hay được phép đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Nước mình hiện nay rất dễ, thiếu cơ sở vật chất thì đi thuê, thiếu người có bằng cấp thì cũng thuê giáo sư về hưu ở nơi khác đến.Tất cả đều đối phó hết, tất cả đều được cho qua. Bây giờ các trường chỉ lo thiếu người học chứ không lo không xin được giấy phép đào tạo.

        Đất nước ta tham nhũng có hạng trên thế giới, điều ấy đã được các cấp lãnh đạo và báo chí nói đến nhiều lần. Ngành giáo dục cũng nằm trong tình trạng chung đó. Khi đồng tiền chi phối bằng cấp thì tình trạng lạm phát bằng cấp, học giả bằng thật tràn lan là điều dễ hiểu.  

    PGS. TS Đoàn Lê Giang

    * Có ý kiến rằng: “Trong nền học thuật Việt Nam hiện nay, học hàm, học vị đang lấn át cả tinh thần khoa học khi mà cái đúng của nghiên cứu khoa học được đo bằng vị trí công tác, kinh nghiệm lâu năm của người thầy và học hàm học vị của họ chứ không phải qua khả năng nghiên cứu khoa học mà họ đóng góp cho nền học thuật Việt Nam và quốc tế”. Ông bình luận gì về ý kiến này?

        - Thật ra, đây là tình trạng mang tính “truyền thống” của học giới mà ngày xưa, người ta gọi là học phiệt. Học phiệt, tức anh đã có uy tín về học thuật nhưng lại dùng uy tín đó để trở nên độc tài, chỉ coi mình là chân lý. Thậm chí, anh phủ nhận những tài năng trẻ, sợ họ khẳng định tài năng của họ, làm lu mờ đi danh tiếng của mình. 

        Giải quyết vấn đề này nằm ở chỗ đạo đức học thuật. Đã là học giả, là những nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực nào đó thì anh phải biết rằng khoa học không có gì là tuyệt đối đúng, và vị trí khoa học của anh cũng không tuyệt đối. Anh trở thành một giáo sư, một nhà khoa học như hiện nay, tức anh đã thay thế thầy của mình. Bây giờ đến lượt những thế hệ thuộc hàng học trò anh, anh lại cản trở thì làm sao tìm ra được nhân tài. 

        Thứ hai, trong học thuật luôn có cơ chế phản biện. Họ nói đúng thì họ có nhiều diễn đàn để bảo vệ ý kiến của họ. Những phát kiến khoa học, những vấn đề khoa học mới mà đúng thì anh không cho người ta nói ở diễn đàn này thì người ta sẽ nói ở những diễn đàn khác. 

        Thứ ba, anh là lãnh đạo khoa học nhưng anh không phải là một người thực sự có uy tín khoa học. Anh cũng bằng con đường tắt nào đó mà lên được vị trí đó thì anh không những dùng vị trí đó để trục lợi mà còn cản trở những người khác. Những tài năng khoa học thực sự sẽ không chết, nhưng con đường để họ tự khẳng định mình trở nên gian nan hơn rất nhiều. Thậm chí tổ chức khoa học đó, cơ quan khoa học đó nó sẽ khủng hoảng, tê liệt trong rất nhiều năm. Và những nhà khoa học có tài năng thực sự họ sẽ bỏ cơ quan đó mà qua nơi khác làm việc. Chỉ tiếc rằng những cơ quan khoa học lớn là nơi những tài năng lớn được phát huy ở đó thì họ lại phải đi đến những chỗ khác, gian nan hơn để mà làm việc.

    “Bây giờ nếu Nhà nước yêu cầu ai có bằng tiến sĩ thì phải về các trường đại học và các viện nghiên cứu, thì hẳn sẽ có rất nhiều người vứt hay giấu hết bằng cấp đi”.

        Thứ tư, anh dùng diễn đàn khoa học (bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ) để giải quyết các vấn đề cá nhân. Một người thầy chân chính không nên làm như thế. Và học viên, nghiên cứu sinh cũng không nên sợ quá việc đó. Nhiều khi các bạn trẻ cứ bảo tôi mâu thuẫn như thế thì chết. Đối với khoa học, cái đúng của nó làm sao mà chết được. Thế thì cái cảm tính nhất của nó là ở chỗ đáng lý ra được kết quả cao hơn thì nó sẽ bị thấp xuống. Bằng cấp chỉ là một vấn đề, nhưng nghiên cứu của anh có giá trị khoa học thì sẽ tự khẳng định được mình.

    * Theo Phó Giáo sư, tình trạng chạy theo bằng cấp hiện nay cho thấy dường như xã hội chúng ta đang có những ngộ nhận nào đó về bằng cấp?

        - Đúng vậy. Thứ nhất, người ta ngộ nhận bằng cấp cao là có trình độ cao. Cứ tưởng anh có bằng tiến sĩ thì anh giỏi hơn thạc sĩ, anh có bằng thạc sĩ lại tưởng giỏi hơn anh cử nhân.

        Thứ hai, ngộ nhận giữa bằng cấp lý thuyết với công việc thực tiễn. Tiến sĩ là bằng cấp có tính lý thuyết, đi vào nghiên cứu các vấn đề lý thuyết của chuyên ngành, chứ bản thân đề tài tiến sĩ không giải quyết một vấn đề thực tế, cụ thể nào đó. Các công việc đòi hỏi tính lý thuyết như thế là ở các viện nghiên cứu, các trường đại học. Bây giờ nếu Nhà nước yêu cầu ai có bằng tiến sĩ thì phải về các trường đại học và các viện nghiên cứu, thì hẳn sẽ có rất nhiều người vứt hay giấu hết bằng cấp đi. Vì người ta nghĩ rằng có thể trục lợi được từ tấm bằng ấy thì họ mới đi học, mới giữ tấm bằng đó để khoe khoang. Nếu bắt họ về làm nghiên cứu, giảng dạy đại học, trong khi các trường không thèm nhận vì trình độ họ quá kém, hẳn họ phải giấu hết bằng. Có thể nói lúc đó 24.000 tiến sĩ có khi giảm xuống vài nghìn mà thôi.

        Thứ ba, ngộ nhận giữa bằng cấp cao và trí thức. Cứ tưởng có bằng tiến sĩ là trí thức nên anh phải là những người tử tế. 

        Sự ngộ nhận về bằng cấp không chỉ tạo ra những người bất tài mà còn góp phần làm băng hoại đạo đức. Anh học tắt, đi tắt, làm tiến sĩ tắt thì lấy đâu ra nhân cách? Nhân cách hình thành từ chỗ anh là người có năng lực thật và anh tin rằng trí tuệ, tri thức là có giá trị và có ý nghĩa đối với việc giải quyết những vấn đề của đời sống. 

    * Theo ông, liệu có giải pháp nào để khắc phục căn bệnh chạy theo bằng cấp đồng thời vực dậy tinh thần thực học trong học đường và ngoài xã hội?

        - Vấn đề này rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Muốn vực dậy được tinh thần thực học, muốn xóa bỏ bệnh sính bằng cấp, học giả bằng thật trong giáo dục ta phải làm thế nào? Chúng ta đã nói đến nguyên nhân ở trên, vậy thì giải pháp sẽ xuất phát từ các nguyên nhân ấy.

    “Trước hết muốn giải quyết cho hết nạn học giả dối, cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp.Chỉ có doanh nghiệp Nhà nước mới sử dụng những người kém cỏi nhưng lại có bằng cấp cao”. 

        Trước hết muốn giải quyết cho hết nạn học giả dối, cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp Nhà nước mới sử dụng những người kém cỏi nhưng lại có bằng cấp cao. 

        Thứ hai cần phải dứt khoát không bổ nhiệm những người có bằng cấp nhưng không có trình độ thật hay chuyên môn của họ xa với lĩnh vực quản lý. 

        Thứ ba phải đẩy mạnh việc phân tầng đại học, xếp hạng đại học. Chỉ có những trường đại học định hướng nghiên cứu, những trường có thứ hạng cao, cơ sở nghiên cứu đầy đủ, tiên tiến, có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu mới cho đào tạo sau đại học. Chấm dứt nạn thuê mướn bằng cấp giáo sư, tiến sĩ ở nơi khác đến để mở hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. 

        Những vấn đề của nước ta đều đã có câu trả lời ở các nền giáo dục tiên tiến, như Mỹ, Anh, Nhật Bản. Vấn đề chỉ ở chỗ chúng ta có quyết tâm làm hay không mà thôi. 

    PHIÊN AN thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên