Tin tổng hợp

Xu hướng giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa

  • 14/09/2017
  • Hơn 50 học giả, nhà nghiên cứu giáo dục tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Những xu hướng giáo dục trong thời đại toàn cầu hoá” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM và Trường ĐH Quốc lập Quốc tế Chi Nan (Đài Loan) đồng tổ chức ngày 21/7.

    Đào tạo con người tự do thay vì công cụ

        TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết: “Bên cạnh những thành tựu đạt được, nền giáo dục Việt Nam còn ẩn chứa nhiều yếu kém, bất cập: nội dung và phương pháp giảng dạy còn lạc hậu, hệ thống kiểm soát chất lượng giáo dục chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức”. 

        TS Hạ mong muốn qua hội thảo này, các học giả có thể trao đổi, thảo luận về việc cải tiến chương trình và chất lượng giáo dục Việt Nam, đặc biệt là xu hướng phát triển giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0.

        Đặt vấn đề về triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Xuân Trung - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay đã là nguồn cơn khích lệ bệnh thành tích, góp phần phát triển bệnh giả dối”.

        Theo TS Trung, hệ thống của nền giáo dục Việt Nam hiện thời không khuyến khích học trò có tư duy sáng tạo, tự tìm tòi, khám phá để xây dựng kiến thức cho riêng mình mà phải học thuộc và thừa nhận những điều được dạy như một chân lý đã định trước.

    TS Phạm Tấn Hạ trao kỷ niệm chương và hoa cho GS Chen-Sheng Yang - đại diện Trường ĐH Quốc lập Quốc tế Chi Nan. Ảnh: LÝ NGUYÊN


    “Những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách có hiệu quả thì số phận của quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn sự phá sản”.

                                                Tổ chức UNESCO 

        “Về mục đích của việc học là học để thi. Thi gì thì học nấy. Về nội dung chương trình, mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ dưới dạng sách giáo khoa và sách giáo viên. Thầy hiếm khi dạy ngoài sách, trò cũng chỉ phải học thuộc sách hoặc đề cương thầy giao. Còn về phương pháp dạy chủ yếu là truyền đạt một chiều, theo kiểu đọc-chép, nặng tính áp đặt. Phương pháp học chủ yếu là học thuộc bài mẫu hoặc dạng mẫu. Phần thảo luận để phát triển tư duy phê phán, tư duy độc lập và tính sáng tạo không được khuyến khích. Người thầy là trung tâm của lớp học.Đặc biệt với các môn về khoa học xã hội, cả thầy và trò chỉ được chấp nhận một cách diễn giải chính thống.Với cuốn sách giáo khoa trên tay, người thầy là hiện thân của chân lý” - TS Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh.

        TS Trung cho rằng những người được đào tạo từ hệ thống giáo dục này cũng không được trang bị đủ kiến thức cập nhật, và đặc biệt không đủ kỹ năng để cạnh tranh trong môi trường quốc tế. Do đó, ông đề nghị cần phải nghiên cứu, thay đổi triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục này không chỉ cần con ngoan trò giỏi mà cần con có bản lĩnh, trò dám sáng tạo. Xây dựng triết lý giáo dục phải theo hướng đào tạo con người tự do thay vì đào tạo con người công cụ như mục đích của hệ thống hiện thời. Muốn vậy, xã hội phải thực sự dân chủ và hoạt động theo pháp quyền. Phải coi trọng sự trung thực hơn là khôn khéo, ý thức trách nhiệm thay cho thói dựa dẫm, tính khoa học và sáng tạo thay cho lối làm việc đối phó, tùy tiện.

        Ông cũng lưu ý rằng, nếu chúng ta cứ để tình trạng trì trệ, lệch hướng của giáo dục kéo dài như hiện nay thì khó tránh khỏi nguy cơ mà UNESCO đã cảnh báo từ năm 1994: “Những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách có hiệu quả thì số phận của quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn sự phá sản”.

    Khoa học yếu kém, GDP sụt giảm

        Đánh giá về chỉ số công bố khoa học và GDP của Việt Nam so với các nước trong khối ASEAN,TS Hoàng Phước Lộc - Trường Cao Đẳng Sư phạm Quảng Trị nhận định: “Việt Nam đang ở vị trí thứ 4 trong toàn khối xét về chỉ số công bố quốc tế. Với chỉ số này thì Singapore gấp 122,5 lần, Malaysia gấp 18,9 lần và Thái Lan gấp 5,8 lần. Tương ứng với chỉ số công bố quốc tế, chỉ số GDP của Việt Nam hiện nay là hơn 2.000USD/người, chỉ bằng 1/25 so với Singapore, chưa bằng ¼ so với  Malaysia và khoảng hơn 1/3 so với Thái Lan. Điều này cho thấy, chỉ số công bố quốc tế nghiên cứu khoa học và tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia luôn tỷ lệ thuận với nhau”.

        Theo TS Lộc, bên cạnh chỉ số công bố quốc tế, còn có hai chỉ số khá quan trọng, tác động đến chất lượng của công bố và thực lực khoa học của quốc gia. Đó là chỉ số về số lượng các công bố có số trích dẫn và chỉ số đo sự lệ thuộc đồng nghiệp nước ngoài vào công bố.

        Ông cho biết, trong vòng 20 năm qua (1996-2015) Việt Nam chỉ có hơn 29 ngàn xuất bản quốc tế với chỉ số trích dẫn là 142, một giá trị ở mức trung bình. Trong số các xuất bản này có 1.249 bài báo chưa một lần được trích dẫn.Điều này phản ánh chúng không hề có nhiều hàm lượng khoa học hoặc không thực sự cần thiết trong khoa học công nghệ. Trong khi đó, chỉ số trích dẫn của Thái Lan là 236, Singapore là 392 và Mỹ là 1.783.

    Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: LÝ NGUYÊN


    “Có thể nói rằng, hàng vạn đề tài luận án, luận văn, khóa luận tồn tại được cắt, chép trôi nổi mà không có nguồn gốc và không được trích dẫn theo tiêu chuẩn khoa học”.


                                            TS Hoàng Phước Lộc  

        Về chỉ số đo sự lệ thuộc đồng nghiệp nước ngoài vào công bố, ở Việt Nam, chỉ số lệ thuộc này chiếm khoảng 75%, tức cứ 100 công bố quốc tế thì có đến 75 công bố có sự hợp tác với tác giả nước ngoài. Điều này thể hiện sự phụ thuộc rất lớn của các nhà nghiên cứu Việt Nam vào đồng nghiệp nước ngoài và phản ánh thực lực nghiên cứu của Việt Nam là rất thấp, kể cả trong đầu tư công nghệ và làm chủ khoa học công nghệ.

        Bên cạnh đó, việc gắn kết trong nghiên cứu và đào tạo với công bố khoa học còn rất yếu và hạn chế.Việt Nam chỉ mới bắt đầu đưa ra các tiêu chuẩn đầu ra cho đào tạo ở bậc tiến sĩ.Ở các trình độ nghiên cứu khác và đề tài nghiên cứu khoa học các cấp vẫn chưa bắt buộc gắn với công bố khoa học và càng xa vời với công bố quốc tế.Từ đó dẫn đến tình trạng kém phát triển trong nghiên cứu.

        “Có thể nói rằng, hàng vạn đề tài luận án, luận văn, khóa luận tồn tại được cắt, chép trôi nổi mà không có nguồn gốc và không được trích dẫn theo tiêu chuẩn khoa học” - TS Hoàng Phước Lộc nhấn mạnh.

        Với những phân tích trên, ông cho rằng Việt Nam còn cách quá xa so với các quốc gia có thu nhập cao như Singapore, cả về đầu ra của phát triển khoa học lẫn thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam còn phải mất nhiều thập kỷ nữa mới theo kịp các con rồng trong khối ASEAN hiện nay. 

        Để khắc phục tình trạng trên, TS Lộc cho rằng cần phải nhận thức về mối tương quan giữa nghiên cứu và công bố khoa học có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Trong đó, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng có vai trò hạt nhân để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu, tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.Nếu sản phẩm đầu ra của các cơ sở giáo dục, các trường đại học, cao đẳng không gắn kết đầu ra của công bố khoa học, tất yếu sẽ khiến nền giáo dục chệch khỏi những định hướng quan trọng cho sự phát triển kinh tế.

    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên