Tin tức - Sự kiện

Cấu trúc ngữ nghĩa của kết cấu “X + bộ phận cơ thể người” trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (so sánh với tiếng Anh) - NCS. Trần Trung Hiếu

  • 27/04/2020
  • Tên đề tài luận án: “Cấu trúc ngữ nghĩa của kết cấu “X + bộ phận cơ thể người” trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (so sánh với tiếng Anh)”
    -    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
    -    Mã số: 62.22.01.10
    -    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Trung Hiếu
    -    Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS Trịnh Sâm
    -    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn  - Đại học quốc gia TP HCM.
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract): 
    Luận án Cấu trúc ngữ nghĩa của kết cấu “X + bộ phận cơ thể người” trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (so sánh với tiếng Anh) tiếp nối và vận dụng kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận (NNHTN) trước đây, tập trung đi sâu nghiên cứu, làm rõ một số nội dung sau đây:
    1. Xác lập một số lý luận cơ bản của NNHTN có liên quan đến luận án cụ thể là tổng quan về NNHTN, ý nghĩa của từ và sự đa nghĩa, quan niệm của ngôn ngữ học tri nhận về kết cấu cố định, tri nhận nghiệm thân luận, các cơ chế và mô hình tri nhận ADYN và HDYN và sau cùng là sự tương tác giữa ADYN và HDYN.
    2. Trên cơ sở khung lý thuyết đã được trình bày, luận án tiến hành phân tích các ADYN và HDYN trong các kết cấu “X + BPCTN” trong tiếng Việt; phân tích các ánh xạ ý niệm và mô hình tri nhận ADYN và HDYN, cơ sở tri nhận luận của chúng và cách thức mà các BPCTN tiếng Việt đã được ý niệm hóa. Cũng trên cơ sở khung lý thuyết đó, luận án phân tích các ADYN và HDYN trong các kết cấu “X + BPCTN” trong tiếng Anh; phân tích các ánh xạ ý niệm và mô hình tri nhận ADYN và HDYN, cơ sở tri nhận luận của chúng và cách thức mà các BPCTN tiếng Anh đã được ý niệm hóa.
    Luận án đã tiến hành thu thập và khảo sát nguồn ngữ liệu nghiên cứu là 572 kết cấu “X + BPCTN” tiếng Việt và 391 kết cấu “X + BPCTN” tiếng Anh. Về cấu trúc ngữ nghĩa của kết cấu “X + BPCTN” tiếng Việt có 12 mô hình ẩn dụ ý niệm và 9 mô hình hoán dụ ý niệm; còn trong tiếng Anh có 8 mô hình ẩn dụ tri nhận và 7 mô hình hoán dụ tri nhận.
    3. Sau cùng, trên cơ sở tiến hành miêu tả và phân tích các mô hình tri nhận và cơ chế tri nhận trong tiếng Việt và tiếng Anh dựa trên nguyên lý “cấu trúc ý niệm mang tính nghiệm thân” của ngữ nghĩa học tri nhận, luận án đã tiến hành so sánh và đề xuất 6 điểm tương đồng và 7 sự khác biệt trong cách tri nhận của hai dân tộc Việt và Anh. Trên cơ sở đó, luận án đã đề xuất một giả thuyết rằng, mô hình văn hóa Anh phân lập các bình diện lý trí, tình cảm mang tính chất nhị nguyên – nhị vị còn mô hình văn hóa Việt phân lập các bình diện lý trí, tình cảm mang tính chất nhất nguyên – đa vị.
    + Những kết quả của luận án:
    1. Đã có một tổng quan nghiên cứu cập nhật các nghiên cứu ở trong và ngoài nước có liên quan đến đối tượng của luận án; xác lập được một cơ sở lý thuyết hiện đại, có độ tin cậy để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu của luận án.
    2. Nhận diện kết cấu “X + bộ phận cơ thể người” trong tiếng Việt và tiếng Anh; chỉ ra được các đặc điểm hình thức và cấu trúc ngữ nghĩa của kết cấu “X + bộ phận cơ thể người” trong hai ngôn ngữ.
    3. Thực hiện so sánh, đối chiếu và chỉ ra được sự tương đồng và khác biệt của kết cấu “X + bộ phận cơ thể người” trong tiếng Việt và tiếng Anh trên cả hai phương diện hình thức lẫn cấu trúc ngữ nghĩa; đồng thời chỉ ra 6 điểm tương đồng và 7 điểm khác biệt giữa văn hóa, tư duy của hai dân tộc Việt và Anh.
    4. Luận án cung cấp một nguồn dữ liệu các kết cấu “X + BPCTN” trong tiếng Việt cũng như trong tiếng tiếng Anh cùng với các ngữ nghĩa tri nhận của chúng để có thể sử dụng vào trong giảng dạy tiếng Việt, giảng dạy tiếng Anh hay trong biên soạn từ điển. 
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    1. Có thể sử dụng nguồn dữ liệu các kết cấu “X + BPCTN” trong tiếng Việt cũng như trong tiếng tiếng Anh để có thể sử dụng vào trong giảng dạy tiếng Việt, giảng dạy tiếng Anh hay trong biên soạn từ điển. 
    2. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu bao gồm:
    - Sự phát triển ngữ nghĩa từ không gian sang phi không gian.
    - Mô hình tỏa tia từ ý niệm nguồn đến ý niệm đích.
    - Mối quan hệ giữa ngữ nghĩa tổng quát của cả kết cấu với ngữ nghĩa của từng thành tố.
    - Nghiên cứu sâu hơn về mặt ngữ nghĩa của từng kết cấu hoặc từng nhóm kết cấu
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên