Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM: 12 công trình nhận Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM

  • 06/06/2019
  • Tối 6/6, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019. ĐHQG-HCM có 12 công trình vinh dự nhận giải thưởng lần này.

    Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc ĐHQG-HCM PGS.TS Huỳnh Thành Đạt trao giải Nhất cho TS Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: Việt Dũng

    Cụ thể, ĐHQG-HCM có 2 công trình đạt giải Nhất thuộc lĩnh vực Khoa học cơ bản (Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM), 5 công trình đạt giải Nhì thuộc lĩnh vực Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và lĩnh vực Khoa học cơ bản (Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM) và 5 công trình đạt giải Ba thuộc lĩnh vực Truyền thông và lĩnh vực Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh (Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG-HCM, Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM).

    PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM) - tác giả đạt giải Nhất với công trình Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam, cho biết công trình này là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng dùng phòng chống các bệnh mãn tính.

    “Việc công nhận, trao giải thưởng sáng tạo có ý nghĩa rất lớn đối với nhà khoa học, vì thể hiện sự ghi nhận công sức, cống hiến của các tập thể, cá nhân đối với thành phố. Tôi tin rằng các công trình nghiên cứu cơ bản sẽ là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo cũng như tiền đề cho các hoạt động đổi mới sáng tạo của TP.HCM. Tôi cũng mong các công trình đạt giải sẽ tiếp tục được đầu tư nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm cụ thể, nhằm biến những ý tưởng của các nhà khoa học thành hiện thực và góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng” - PGS.TS Phạm Văn Hùng chia sẻ.

    Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2019 được phát động từ 18/12-31/1 thu hút 111 hồ sơ tham gia. Qua nhiều vòng tuyển chọn, đánh giá, hội đồng Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2019 đã trao 4 giải Nhất, 15 giải Nhì và 25 giải Ba theo 7 nhóm lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; tác phẩm, sáng tác của văn nghệ sĩ; cải cách hành chính; các sản phẩm truyền thông sáng tạo; các giải pháp, mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các mô hình khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả cao; các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản mới, trình độ quốc gia.

    12 công trình nhận Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM

    1. Ami - Nền tảng số cho khu đô thị thông minh của nhóm tác giả Lê Hoàng Nhật, Phạm Quốc Vinh, Nguyễn Trường Phúc - Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (Giải Nhì).
    2.  Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ITP làm tiền đề thúc đẩy phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông của Tập thể cán bộ, viên chức, người lao động - Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (Giải Ba).
    3. Ứng dụng di động Gcalls của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Bằng, Phạm Tấn Phúc, Hoàng Thị Mai Ly - Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (Giải Ba).
    4. Nền tảng kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng Meete của nhóm tác giả Nguyễn Cảnh Dương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Hữu Tú - Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (Giải Ba).
    5. Keo thông minh trong điều trị lành thương của TS Nguyễn Thị Hiệp - Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM (Giải Nhất).
    6. Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam của PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM (Giải Nhất).
    7. Nghiên cứu tổng hợp polyurethane "tự chữa lành" ứng dụng trong chế tạo sản phẩm polyme kỹ thuật chống rạn nứt của TS Nguyễn Thị Lệ Thu - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM (Giải Nhì).
    8. Các giải pháp tăng cường độ bền và hiệu năng hoạt động của pin quang điện hóa sử dụng chất màu nhạy quang của TS. Nguyễn Tuyết Phương - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM (Giải Nhì).
    9. Nghiên cứu và phát triển liệu pháp tăng sinh mạch máu mới bằng hydrogel kháng oxi hoá có khả năng điều hoà khí nitric oxide trong điều trị nhồi máu cơ tim của TS Vòng Bính Long - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM (Giải Nhì).
    10. Xây dựng quy trình chiết xuất nọc ong Apis mellifera và đánh giá tác dụng dược lý theo hướng sử dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM (Giải Nhì).
    11. Tổng hợp vật liệu khung hữu cơ kim loại mới và nghiên cứu các ứng dụng liên quan đến hấp phụ, chuyển hóa khí CO2, năng lượng và môi trường của TS Nguyễn Thị Kiều Phương - Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG-HCM (Giải Ba).
    12. Nghiên cứu quy trình công nghệ GIS - Viễn thám và mô hình hóa dự báo nhiệt độ bề mặt đô thị của Dương Thị Thúy Nga - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM (Giải Ba).

     

    PHẠM PHƯƠNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên